Dấu mốc mới bên dòng Đa-nuýp

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân -

Thành công lớn nhất trong chuyến thăm chính thức Hung-ga-ri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Hung-ga-ri và nâng khuôn khổ hợp tác lên “Đối tác toàn diện”, tạo một dấu mốc mới, động lực mới và tầm cao mới trong quan hệ hai nước.

Lịch sử gần 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước có thêm những trang mới, đưa hai dân tộc vốn có nhiều điểm tương đồng càng gần nhau hơn, đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt, để xây dựng đất nước phồn vinh.

Trong chiều nắng hanh vàng, thủ đô Bu-đa-pét dường như rực rỡ hơn khi chuyên cơ đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Hung-ga-ri hạ cánh xuống sân bay quốc tế Phe-ren Lít. Dọc hai bên đường về trung tâm thủ đô là các tòa nhà như thánh đường nguy nga, xen lẫn những ngôi nhà cổ kính, làm cho thành phố mang đậm đường nét hoa lệ. Giữa trung tâm thành phố là dòng Đa-nuýp êm đềm, dài 2.850 km, chảy qua nhiều nước Trung và Đông Âu rồi đổ vào Biển Đen, giúp thành phố trở nên thơ mộng hơn. Bởi thế mà hơn 1,7 triệu dân thủ đô ở đây chủ yếu sống bằng nghề du lịch, dịch vụ, với GDP bình quân đầu người hơn 64.280 USD/năm, gấp rưỡi mức trung bình của EU.

Nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm đầu tiên là thành phố nhỏ Xen-ten-đre, cách Bu-đa-pét hơn 20 km, với những con phố nhỏ được lát đá, hai bên đường là những quầy hàng bán đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch. Ông Thị trưởng V.Mi-clốt và nhiều quan chức địa phương đón Tổng Bí thư Đảng ta tại Quảng trường thành phố trong tiếng nhạc hùng tráng. Quân nhạc cử Quốc thiều hai nước; Thị trưởng mời Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm các khu phố cổ. Tổng Bí thư hòa trong dòng du khách, ghé thăm một số quầy bán hàng lưu niệm.

Tại Tòa thị chính thành phố, một chương trình hòa nhạc đặc sắc chào mừng Tổng Bí thư cùng Đoàn. Sau khi giới thiệu đôi nét về điểm du lịch hấp dẫn này, ngài Thị trưởng nói thân tình: Hàng chục năm nay, người Hung-ga-ri nói chung, dân Xen-ten-đre nói riêng, sang Việt Nam du lịch ngày càng nhiều, nếu chẳng may phải vào bệnh viện thì cũng không lo lắng gì vì rất có thể được gặp bác sĩ người Việt Nam biết nói tiếng Hung-ga-ri, từng học tập ở đất nước chúng tôi. Quan hệ hai nước những năm gần đây được tăng cường, nhiều lĩnh vực hợp tác đã mở rộng và hiệu quả, như về kinh tế, khoa học, giáo dục, nhưng với chúng tôi có một điều quý giá, quan trọng hơn, đó là tình bạn thủy chung giữa nhân dân hai nước. Thành phố Xen-ten-đre kết nghĩa với thành phố Hội An. Trên các con phố của Hội An thường treo đèn lồng, ở một số đường phố của chúng tôi cũng vậy. Không có biển như Hội An, nhưng Xen-ten-đre có dòng Đa-nuýp êm đềm chảy qua. Ở Hội An có Lễ hội đèn lồng níu chân du khách, chúng tôi cũng thả đèn lồng trên dòng Đa-nuýp, đẹp lung linh, huyền ảo. Nói như thế để thấy sự tương đồng của hai thành phố kết nghĩa gắn bó, góp phần vun đắp truyền thống quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc. Nhân dân hai nước chúng ta đều có lòng mến khách và đó cũng là điều chúng tôi chờ để được bày tỏ với Tổng Bí thư hôm nay.

Vui mừng được đến thăm thành phố có hơn 200 nghệ sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ sinh sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất ấn tượng với môi trường sống thanh bình, con người thân thiện và các công trình kiến trúc đầy tính sáng tạo nghệ thuật. Tổng Bí thư hoan nghênh việc kết nghĩa giữa hai thành phố, mong Xen-ten-đre và Hội An tiếp tục thúc đẩy hợp tác, nhất là chia sẻ kinh nghiệm trong bảo tồn, bảo tàng, gìn giữ di sản, kết hợp trao đổi văn hóa, nghệ thuật và khai thác du lịch.

Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, hay gặp gỡ, tiếp xúc, lãnh đạo hai bên đều cho rằng, gần 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, do những thay đổi về chế độ chính trị, có thời gian quan hệ hai nước bị giảm sút, nhưng từ năm 1992 đến nay, có bước phát triển tích cực, quan hệ chính trị có độ tin cậy cao. Gần đây là tháng 4-2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hung-ga-ri; sau đó năm tháng, Thủ tướng Hung-ga-ri Vích-to Ô-ban thăm Việt Nam và hai bên ra Tuyên bố chung, khẳng định hợp tác kinh tế - tài chính là trụ cột ưu tiên trong quan hệ song phương thời gian tới. Tính đến tháng 4-2018, Hung-ga-ri có 17 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 63,56 triệu USD, đứng thứ 57 trong tổng số 126 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có dự án nào đầu tư vào đất nước giàu lòng mến khách, yên bình này.

Sự kiện quan trọng nhất của chuyến thăm được quan tâm là hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai bên. Sau khi hội đàm và chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Vích-to Ô-ban đã phát biểu với báo chí. Tổng Bí thư Đảng ta nêu rõ, hai bên đã nhất trí nâng khuôn khổ quan hệ Việt Nam - Hung-ga-ri lên “Đối tác toàn diện”. Theo đó để nâng cao kim ngạch hai chiều, hai bên cần cải thiện chính sách và môi trường đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, nhất là với những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Hung-ga-ri có thế mạnh.

Về phía bạn, Thủ tướng Hung-ga-ri Vích-to Ô-ban khẳng định, với truyền thống quan hệ hữu nghị gần 70 năm, trong xu thế toàn cầu hóa, hai nước chúng ta lại càng gần nhau hơn. Hung-ga-ri rất vui mừng thấy Việt Nam là quốc gia thành công đặc biệt, có tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 6%/năm và vị thế trên trường quốc tế tăng đáng kể. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới. Điều ấy rất có thể. Chúng tôi luôn khuyến khích các doanh nghiệp Hung-ga-ri đầu tư vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực du lịch. Thủ tướng Vích-to Ô-ban nhấn mạnh, chuyến thăm chính thức Hung-ga-ri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này rất thành công, có nhiều chương trình hợp tác đã được ký và rất lạc quan cho tương lai quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Trong chuyến thăm chính thức Hung-ga-ri nhiều ý nghĩa thiết thực này, hoạt động của Tổng Bí thư được các tổ chức, cá nhân phía bạn trân trọng và đánh giá cao, để lại nhiều ấn tượng. Từ những câu chuyện kỷ niệm của người bạn Hung-ga-ri trên đất nước Việt Nam, hay người Việt Nam trên đất nước Hung-ga-ri, cho thấy quan hệ giữa hai dân tộc như được lịch sử sắp đặt tự nhiên. Cách đây 170 năm, đại thi hào Hung-ga-ri Pê-tô-phi Xan-đo đã có những vần thơ cháy bỏng: “Vùng lên đi hỡi người Hung/Tổ quốc kêu gọi/Thời cơ là đây…”. Tổ quốc là trên hết. Mất độc lập, tự do là mất tất cả. Và, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói bất hủ và như một lời hiệu triệu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Điều ấy minh chứng rằng, để có độc lập, tự do cả hai dân tộc phải đổi bằng xương máu. Hàng triệu người dân Việt Nam hôm nay vào thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại thành phố Hồ Chí Minh rất khâm phục, nhưng hẳn không bất ngờ khi thấy những hình ảnh người dân Bu-đa-pét xuống đường giương cao biểu ngữ “Không được đụng đến Việt Nam”, “Chúng tôi luôn bên cạnh Việt Nam” để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Chính đó là niềm tin, xây đắp quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hung-ga-ri ngày càng bền chặt, vượt qua mọi thử thách, để bây giờ hai dân tộc, hai đất nước luôn coi nhau như anh em.

Nhiều vấn đề, định hướng mà hai bên thống nhất trở thành hiện thực ngay sau hội đàm, bằng việc ký một loạt văn bản hợp tác, như về quốc phòng, tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, về y tế, giáo dục - đào tạo, cấp nước sạch,… Một trong những điểm nhấn trong quan hệ hai nước là hợp tác về giáo dục - đào tạo. Phát biểu tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Hung-ga-ri - Việt Nam lần thứ hai, Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu; giáo dục - đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước. Hơn 4.000 cán bộ, chuyên gia Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực được đào tạo tại Hung-ga-ri đã trở thành những chuyên gia, bác sĩ, kỹ sư giỏi, nghệ sĩ tài năng của Việt Nam. Tổng Bí thư cảm ơn Chính phủ Hung-ga-ri quyết định cấp 200 học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo tại nước bạn theo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập ngắn hạn. Trong đó, tập trung vào một số chuyên ngành nông nghiệp, khoa học xã hội, tự nhiên, truyền thông, luật, kinh tế, kỹ thuật, y học và sức khỏe, nghệ thuật, kiến trúc,...

Không chỉ sinh viên Việt Nam sang bạn học tập mà ngay trong nước cũng có Trường đại học Công nghiệp Việt - Hung (Hà Nội), sự ra đời của nhà trường là kết quả của sự giúp đỡ to lớn về vật chất, tinh thần và các chuyên gia đào tạo của Nhà nước Hung-ga-ri. Đến nay, nhà trường đã đào tạo gần 70 nghìn kỹ sư, cử nhân và kỹ thuật viên các khối ngành công nghệ, công nghệ kỹ thuật và kinh tế.

Rời đất nước Hung-ga-ri, kết thúc chuyến thăm với nhiều ấn tượng tốt đẹp, khó quên, hầu như ai cũng thầm mong sớm được trở lại với vùng đất mến khách, thanh bình này.