Chuyện kể về Lữ đoàn 125 Anh hùng (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Hát mãi thiên anh hùng ca bất tử

Phút giải lao sau giờ huấn luyện. Ảnh: XUÂN NINH
Phút giải lao sau giờ huấn luyện. Ảnh: XUÂN NINH

Một chiều hè nhiều nắng, chúng tôi dõi mắt lắng nghe các thủy thủ trên những con tàu ở Cảng Cát Lái vừa đàn ghi-ta vừa cất cao lời ca bài hát "Mùa xuân DK" của nhạc sĩ Thập Nhất: Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời/Giữa biển trời vẫn sống yêu đời/Lính nhà giàn là thế đó… Hình ảnh những người lính nhà giàn DK-1 hiện lên đẹp đẽ, yêu đời và xúc động biết bao. Những thanh niên trở thành những người lính hải quân can trường, quanh năm chống chọi nơi đầu sóng ngọn gió, lặng lẽ bảo vệ những gì thuộc về hai tiếng thiêng liêng - Tổ quốc.

Có lẽ, những ai may mắn một lần thực hiện được Khát vọng Trường Sa, sẽ hiểu hơn những người trong Đoàn công tác số 06 như chúng tôi đã tiếc nuối đến thế nào khi phải ở lại đất liền bởi điều quan trọng nhất lúc này là phải giữ an toàn cho biển đảo thân yêu. Nhưng rất may, khi hết thời hạn cách ly phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi được tiếp xúc "có khoảng cách" với những người lính trẻ.

Nhiệm vụ của Hải quân nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới có sự phát triển, trọng tâm là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, cùng với sự phát triển của Quân chủng, lực lượng vận tải quân sự Hải quân có bước phát triển mới. Phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Lữ đoàn 125 nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tiếp nối lịch sử anh dũng, quả cảm và nhiều thành tích vẻ vang của thế hệ cha anh, thế hệ trẻ hôm nay ở Lữ đoàn 125 càng phát huy hơn nữa tinh thần xung kích, dám nghĩ - dám làm - dám hy sinh.

Sinh năm 1984, Phó Thuyền trưởng Tàu 503 của Hải đội 3 Trần Anh Tuấn đã gần 20 năm đứng trong hàng ngũ Hải quân nhân dân Việt Nam. Tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 2008, từng là Thuyền trưởng tàu kéo cứu hộ 956 của Hải đội 5, cho đến năm 2016 quay trở lại học tiếp Chỉ huy tham mưu và hiện anh đang là sĩ quan thuộc Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải quân. Nhận thức rõ nhiệm vụ trung tâm và thường xuyên của người lính trong thời bình là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, lực lượng Hải quân ở Lữ đoàn luôn trau rèn từ bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; kỹ - chiến thuật cho đến thể lực (như chiến thuật tàu mặt nước, phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn) đều được nghiêm túc tập luyện mỗi ngày.

5 giờ 30 phút mỗi sáng, tiếng còi báo thức rền vang trên toàn Lữ đoàn. Những chiến sĩ hải quân xếp hàng thẳng tăm tắp với 20 phút cùng tập thể dục buổi sáng trước khi về phòng vệ sinh cá nhân, ăn sáng, sắp xếp trật tự nội vụ cá nhân và toàn tàu hoặc trật tự nội vụ của các cơ quan đơn vị với những người lính trên bờ. Đúng 7 giờ, các chiến sĩ trên tàu sẽ thực hiện nghi lễ chào cờ tàu. Với những sĩ quan hải quân như Phó Thuyền trưởng Trần Anh Tuấn, một ngày sẽ bắt đầu bằng các công việc chỉ huy lau chùi, thao tác và kiểm tra hoạt động của vũ khí trong vòng một giờ. Đến 8 giờ sáng, các chiến sĩ sẽ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị và các nội dung bổ trợ khác. Buổi chiều sẽ bắt đầu từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ, các chiến sĩ sẽ tiếp tục các hoạt động huấn luyện công tác. Các buổi chiều đầu tuần sẽ dành để huấn luyện thể lực. Mỗi thứ năm tuần đầu của tháng là Ngày đảng (sinh hoạt chi bộ) dành cho các chiến sĩ, sĩ quan đã là đảng viên. Rất nhiều các hoạt động ngoại khóa như tập luyện để nâng cao thể lực hay tăng gia sản xuất như trồng rau, đánh bắt cá… được các chiến sĩ hoạt động sôi nổi.

"Yếu tố cần nhất của một chiến sĩ hải quân như tôi đó chỉ giản dị là tình yêu đối với biển đảo, với Tổ quốc. Bên cạnh đó, cần có khả năng chịu đựng và vượt qua những thử thách, gian khổ, nhất là trong điều kiện hoạt động của môi trường biển rất khắc nghiệt. Chính vì thế, nếu không có tình yêu và sự quyết tâm sẽ khó để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình", Phó Thuyền trưởng Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân đội ở mảnh đất Yên Thành (Nghệ An), ông nội từng là bác sĩ quân y, bố cũng từng là Chính ủy của Lữ đoàn 125, chính vì may mắn đó mà Phó Thuyền trưởng Trần Anh Tuấn đã được những câu chuyện về tình yêu biển đảo của bố thấm dần vào tâm hồn từ khi còn là một cậu bé cho tới tận khi trở thành sĩ quan hải quân hôm nay. Câu chuyện về Đường Hồ Chí Minh trên biển, những chiến công trong đánh thắng trận đầu qua lời kể của bố đã hun đúc thành quyết tâm học tập; những chuyến đi, những thực tế trải nghiệm, rèn luyện và chiến đấu đã biến một cậu bé chỉ ước mơ nay đã rắn rỏi đứng trong hàng ngũ Hải quân nhân dân Việt Nam.

"Được học, được đọc, được nghiên cứu và giáo dục, tôi càng thêm yêu những con tàu đại diện cho chủ quyền của Tổ quốc ở trên biển. Tôi vinh dự và tự hào hơn mỗi ngày khi được trở thành một quân nhân đứng trong hàng ngũ hải quân", anh Trần Anh Tuấn tự hào khi nói về con đường mình đã chọn.

Khi tôi đặt câu hỏi: Tại sao lại chọn việc gian khổ, trong khi có thể có được lựa chọn nhẹ nhàng hơn? Phó Thuyền trưởng Trần Anh Tuấn trả lời: "Khi còn trẻ, việc lựa chọn hy sinh tuổi trẻ và hạnh phúc riêng tư để toàn tâm thực hiện nhiệm vụ gắn với những con tàu và biển khơi cũng không phải dễ dàng. Nhưng khi đã được đào tạo, rèn luyện, tự nghiên cứu về điều kiện - tình hình của đất nước cũng như thế giới, chúng tôi hiểu được rằng: Xã hội luôn cần có những con người sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Tôi không nghĩ cứ là người lính là sẽ hy sinh hơn so với các ngành nghề khác. Làm công việc nào cũng có thể hy sinh vì Tổ quốc, vì đất nước".

Giống như Phó Thuyền trưởng Trần Anh Tuấn, chàng trai Phan Thành Đức (SN 1997) quê gốc ở Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, cũng trở thành sĩ quan Hải quân sau 5 năm học tập tại Học viện Hải quân. Được đào tạo sĩ quan chuyên ngành Pháo tàu, ra trường tháng 8-2020, hiện Thành Đức biên chế về Lữ đoàn 125 và giữ chức vụ tập sự Trưởng ngành Hỏa lực của Tàu 503. Ngay từ khi còn là học sinh phổ thông, xem tin tức trên báo đài về vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng chủ quyền của Việt Nam, đó là lần đầu tiên đọc và tìm hiểu về Hải quân Việt Nam với các hình thức đấu tranh thông minh trên mặt trận tuyên ngôn (không dùng vũ lực) để đàm phán và đã bảo vệ thành công chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Kể từ sau đó, tình yêu đất nước và biển đảo đã lớn mạnh trong ý chí và quyết tâm của chàng trai Phan Thành Đức để được đứng trong hàng ngũ Hải quân nhân dân Việt Nam.

Phan Thành Đức xúc động cho biết: "Cũng giống như nhiều đồng đội khác, tôi đã chứng kiến rất nhiều sự vất vả, hy sinh của những người lính hải quân. Nhiều khi các anh lớn có vợ con, hay bố mẹ ốm ở nhà nhưng vì tính chất nhiệm vụ (nếu đang trực chiến, quân số phải có mặt 100% trên tàu) thì không thể rời tàu để lo lắng cho gia đình được. Là một người trẻ, tôi thấm nhuần những hy sinh, cống hiến của các anh, các chú, tôi càng hiểu bản thân luôn phải ra sức phấn đấu để không phụ lòng các thế hệ đi trước, góp phần nhỏ bé trong hàng ngũ Hải quân nhân dân Việt Nam ngày một chính quy, tinh nhuệ".

Sĩ quan Phan Thành Đức đang rất háo hức cho chuyến đi sắp tới, thực hiện nhiệm vụ trên biển với cương vị sĩ quan chỉ huy ngành Hỏa lực. Anh cũng hy vọng mình sẽ sớm thực hiện được khát vọng Trường Sa. "Trường Sa với những người lính hải quân như chúng tôi, không chỉ thể hiện chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đó còn là biểu tượng về sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Khó khăn, vất vả của các anh, các chú trên đảo, chưa kể đến sự tàn phá khốc liệt của thiên tai, nguy hiểm luôn rình rập từ sự đe dọa của các thế lực thù địch. Nếu có cơ hội được thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa, Hoàng Sa hay Nhà giàn DK-1, tôi luôn sẵn sàng", anh Phan Thành Đức chia sẻ.

Trong số những người lính trẻ, chúng tôi ấn tượng với chiến sĩ Trần Quốc Thảo (SN 1997). Nếu như hai sĩ quan Trần Anh Tuấn và Phan Thành Đức đều có nước da sạm màu mưa nắng thì Thảo lại trắng trẻo, thư sinh và có phong thái nói chuyện tự tin. Đang là sinh viên năm thứ ba Trường đại học Tôn Đức Thắng, chỉ còn thực tập và làm đồ án tốt nghiệp là trở thành cử nhân kinh tế, Thảo đã quyết định hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Lữ đoàn 125. "Thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Lữ đoàn, tôi được hiểu và thêm yêu hình tượng người lính hải quân. Ở đây, chúng tôi thường kể cho nhau nghe về văn hóa và vùng đất quê hương mình. Đi lính không có gì khó khăn như nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ. Thích nghi được hay không là do bản thân mình thôi. Tôi không dám nói mình đã trưởng thành sau thời gian làm việc ở đây, nhưng chắc chắn, tôi đã yêu đất nước mình hơn, biết được lịch sử, sự hy sinh của cha anh và đã thay đổi rất nhiều: Từ lối sống, ý thức và mục tiêu phấn đấu", chiến sĩ Trần Quốc Thảo chia sẻ sau gần hai năm thực hiện nghĩa vụ tại Lữ đoàn 125.

Tiếp bước truyền thống cha anh, các cán bộ, chiến sĩ, đảng viên của Lữ đoàn 125 hôm nay luôn mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách ác liệt; tình đồng chí, đồng đội, lòng yêu thương gắn bó như anh em ruột thịt, đồng cam, cộng khổ phát huy những phẩm chất cao đẹp của người lính: Sẵn sàng nhận mọi khó khăn, hy sinh về mình, dành thuận lợi, sự sống cho đồng đội.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng chiến công anh hùng và sự hy sinh của các lực lượng mở đường vận tải biển chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu, của những con tàu không số trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, mãi mãi còn khắc ghi trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Tập thể cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 vẫn luôn phấn đấu, phát huy nội lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng với các lực lượng trong quân chủng và toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

--------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 17, 18-5-2021.

Những phần thưởng cao quý của Lữ đoàn 125: Được tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND hai lần (ngày 1-1-1967 và ngày 3-6-1976); được tặng thưởng ba Huân chương Quân công (hai hạng nhất, một hạng nhì); hai Huân chương Chiến công (một hạng nhất, một hạng hai); 13 tập thể được tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND...

Bài 1: Bắt đầu từ Ðường Hồ Chí Minh trên biển

Bài 2: Xây dựng Đảng để phát huy truyền thống anh hùng