Chuyện của những cựu chiến binh An Giang

Những năm qua, phong trào đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là một trong những hoạt động mang lại ý nghĩa thiết thực đã và đang được Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh An Giang triển khai tích cực, đạt hiệu quả thiết thực.

CCB Lê Văn Tú, ngụ ấp Phú Hòa 1, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành (An Giang) thoát nghèo nhờ nuôi bò.
CCB Lê Văn Tú, ngụ ấp Phú Hòa 1, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành (An Giang) thoát nghèo nhờ nuôi bò.

Ngày nào, CCB Lê Văn Tú, ngụ ấp Phú Hòa 1, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành cũng tất bật chăm sóc đàn bò gồm bốn con, trị giá gần 100 triệu đồng sắp xuất chuồng. Vừa cắt cỏ cho bò ăn xong lại lấy phân bò đem phơi ủ để bán, rồi rửa chuồng, tắm cho bò. Ông Tú chia sẻ, nghề nuôi bò đã giúp ông từ nghèo khó trở nên khá giả, xây được nhà, nuôi được gia đình, các con thành đạt. Ông Tú nhập ngũ vào quân đội, tham gia chiến trường tây nam, đến năm 1988 trở về địa phương, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn. Lúc đó, để có tiền nuôi bản thân và vợ con, ông Tú phải đi làm bốc vác, nhưng mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng, chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, mỗi khi trong gia đình có thành viên bị ốm đau là thiếu lên hụt xuống. Không cam chịu khó khăn, ông Tú tìm cách học nghề để thoát nghèo. Nhận thấy nghề nuôi bò thích hợp, cho nên ông đã tìm tòi học cách nuôi bò, cách chọn bò tốt... Lúc đầu, không có vốn, ông Tú nhận nuôi bò thuê, trong quá trình nuôi ông tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế. Năm 1999, ông Tú đến Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang vay vốn 2,5 triệu đồng mua cặp bê con, với giá 2,1 triệu đồng. Ông kể: "Nuôi bê con cực lắm, phải nấu cháo cho nó ăn, trời lạnh phải lau nước ấm cho chúng, trời nóng phải dọn chuồng cho thông thoáng, tắm rửa cho bê. Bê có biểu hiện bỏ ăn, lừ đừ là phải đưa đi khám thú y tiêm phòng ngay..." . Nhờ chăn nuôi khéo léo cho nên hai con bê lớn nhanh, qua 10 tháng nuôi, ông Tú xuất chuồng bán được gần 30 triệu đồng. Có vốn, ông mua tiếp ba con bê nữa thả nuôi. Cứ thế quay vòng, cặp bò nào ông chăm sóc cũng lớn nhanh, ít bệnh, mỗi năm thu lãi hàng chục triệu đồng. Nhờ đó, ông Tú trả được nợ ngân hàng, năm 2001, ông Tú sửa lại căn nhà tạm bợ thành nhà cấp bốn, ông lại bàn với vợ mở quán nước giải khát để kiếm thêm thu nhập hằng ngày. Ðến năm 2013, ông Tú được xét thoát khỏi diện hộ nghèo, được các CCB trong vùng xem là "kiện tướng" nuôi bò. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Tú đã chỉ dẫn cho các CCB khác cách nuôi bò, lựa bò giống giúp họ thoát nghèo.

Ông Nguyễn Tứ Phương, Chủ tịch Hội CCB xã Bình Hòa cho biết: Hiện tại, trong Hội viên CCB xã không còn hộ nghèo, trong nhiệm kỳ vừa qua, các CCB luôn phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ như: chăm lo, giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Ðiển hình như ông Lê Văn Tú, với mô hình nuôi bò vỗ béo, từ nghèo khó vượt lên khá giả, ông cũng chia sẻ kinh nghiệm giúp đồng đội vượt qua khó khăn như mình. Ông Phương cho biết, để phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, Hội CCB xã đã tích cực gắn các mục tiêu, chỉ tiêu của phong trào với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu", cùng với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Hội CCB xã Tà Ðảnh, huyện Tri Tôn đã vận động các hội viên thành lập quỹ hỗ trợ nguồn vốn giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; mỗi năm, các hội viên đóng góp vào quỹ từ một đến hai triệu đồng. Nhận thấy lợi ích từ quỹ hỗ trợ này cho nên các hội viên rất tích cực tham gia. Ðến nay, quỹ đã hỗ trợ được năm hội viên, với tổng số tiền gần 44 triệu đồng và điều đáng mừng là các hội viên được hỗ trợ nguồn vốn nêu trên đã nhanh chóng thoát nghèo. Ðiển hình như CCB Nguyễn Văn Dân, ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tà Ðảnh, trước đây đời sống khó khăn, nhưng nay đã vượt lên khá giả. Năm 2016, ông Danh được Hội CCB xã hỗ trợ vay vốn 13 triệu đồng không lãi suất, đã xây dựng chuồng trại, mua vài cặp rắn hổ hèo thả nuôi. Nhờ học hỏi kỹ thuật, chịu khó chăm sóc cho nên bầy rắn ít hao hụt, sinh sản nhanh. Ðến nay, ông Dân có gần 20 cặp rắn bố mẹ, hàng chục con rắn nhỏ, ông lấy trứng rắn bán cho người dân trong vùng với giá mỗi quả trứng từ 40 nghìn đến 60 nghìn đồng; rắn con ông bán mỗi con với giá từ 70 nghìn đến 100 nghìn đồng. Nhờ biết tính toán, cho nên mỗi tháng ông thu vài triệu đồng từ nuôi rắn.

Theo Hội CCB tỉnh An Giang, 5 năm qua (2014-2019), Hội đã thực hiện giảm được 478 hộ nghèo, hiện nay có hai huyện không còn hộ hội viên CCB nghèo gồm: TP Châu Ðốc và huyện Châu Thành; có năm huyện cơ bản không còn hộ nghèo. Quá trình phấn đấu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ giúp nhau làm kinh tế, đã xuất hiện nhiều gương điển hình vượt khó, nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả, nhiều hội viên CCB vươn lên mức sống khá, giàu. Cụ thể như huyện An Phú, có mô hình nuôi rắn ri voi của Dương Văn Siều; Nguyễn Văn Dũng nuôi bò. Huyện Chợ Mới nhờ có nguồn vốn vay, nhiều hội viên CCB đã thoát nghèo, vươn lên khá giả như: Nguyễn Văn Khuyến, Ðoàn Thế Hậu, Nguyễn Văn Lèo... Cùng với việc thực hiện chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo, hằng năm, Hội CCB tỉnh còn đề ra chỉ tiêu thi đua phấn đấu giảm tỷ lệ hộ cận nghèo để tiến tới giảm nghèo bền vững, không còn hộ hội viên CCB bị tái nghèo...