Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang:

Chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ cở

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở của Hà Giang ?

Đồng chí Triệu Tài Vinh: Nhiệm kỳ qua, Hà Giang đã có nhiều đề án, thực hiện quyết liệt việc đổi mới, nhất là đổi mới công tác xây dựng Đảng, trong đó chú trọng xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ cở

Tỉnh phân công các đồng chí tỉnh ủy viên và trưởng ngành trực tiếp phụ trách, giúp đỡ mọi mặt cho tất cả các xã đặc biệt khó khăn; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở chính trị các cấp, do các đồng chí thường trực cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban để chỉ đạo tăng cường, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở; phân công, giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo dõi, giúp đỡ tất cả các xã đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh. Tăng cường điều động, chỉ định sĩ quan lực lượng quân sự, công an, biên phòng (đối với các xã biên giới) tham gia cấp ủy và giữ chức phó bí thư đảng ủy các xã đặc biệt khó khăn, địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự; rà soát, kiện toàn, củng cố và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ xã, thôn… Thực hiện luân chuyển, đưa cán bộ xã lên các phòng, ban của huyện học việc; cán bộ thôn lên xã học việc (thời gian sáu tháng và chín tháng). Triển khai Đề án "nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, họp thôn, tổ dân phố", ban hành sổ tay họp thôn và hỗ trợ (từ ngân sách tỉnh) 100 nghìn đồng/tháng/thôn để chi cho họp thôn, tổ dân phố. Ở cấp huyện, phân công cấp ủy viên, lãnh đạo các phòng, ban phụ trách và hằng tháng trực tiếp dự sinh hoạt cấp ủy, chi bộ ở thôn, tổ dân phố… Thực hiện Đề án "Trí thức trẻ" cũng là một điểm mới trong xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang. Mặc dù ngân sách tỉnh còn rất eo hẹp, khó khăn, nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai Đề án về hợp đồng đưa con, em là người địa phương đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo nguồn cán bộ dự bị, làm cơ sở cho việc tuyển dụng chính thức cán bộ công chức cấp xã và cấp huyện (đã tuyển chọn được 212 trí thức trẻ có trình độ đại học, cao đẳng hợp đồng công tác tại 140 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn 10 huyện, từ năm 2014). Đề án vừa góp phần đào tạo cán bộ người địa phương, dân tộc, vừa góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.

PV: Để củng cố, nâng cao hơn chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, từ kinh nghiệm của Hà Giang, theo đồng chí cần có giải pháp gì ?

Đồng chí Triệu Tài Vinh: Trên cơ sở mô hình thí điểm nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ cơ sở trong phát triển kinh tế-xã hội ở vùng nông thôn, qua thực tế nghiên cứu của Viện Xã hội học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện), Tỉnh ủy Hà Giang đã phối hợp Học viện nghiên cứu và xây dựng Đề án 145 về "Nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội của các đảng ủy cơ sở vùng nông thôn tỉnh Hà Giang" để triển khai trên toàn tỉnh. Đây thật sự là điểm mới về xây dựng Đảng, được Trung ương đánh giá cao vì nội dung Đề án là một hướng nghiên cứu còn mới. Việc thực hiện Đề án đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội của các đảng ủy cơ sở vùng nông thôn trong tỉnh; góp phần củng cố, bổ sung có hệ thống các kiến thức cơ bản, trang bị cho đội ngũ đảng ủy viên các kỹ năng lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội… để đưa ra các nghị quyết, quyết định và trực tiếp tham gia chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn người dân thực hiện phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.

Hà Giang là tỉnh có tuyến biên giới dài, điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt, khí hậu thất thường, xa trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước; là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đông nhất cả nước,… Bởi thế, chúng tôi luôn xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, làm nền tảng để xây dựng, củng cố và giữ vững sự đoàn kết các dân tộc, bảo vệ và giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị,… Đó cũng là quyết tâm của hơn 61 nghìn đảng viên và nhân dân các dân tộc Hà Giang, nơi địa đầu cực bắc của Tổ quốc mang đến Đại hội XII của Đảng.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.