Chủ tịch Quốc hội: Nếu chỉ có một giấy phép thay cho bảy loại giấy phép thì doanh nghiệp mừng

NDO -

Cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nếu có 1 giấy phép thay cho 7 loại giấy phép thì doanh nghiệp mừng, đỡ thủ tục hành chính, tuy nhiên cần đưa ra Quốc hội để thảo luận thêm, và xin ý kiến nếu phải sửa Luật Thủy lợi hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 14-10, tại phiên họp thứ 49, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng thay mặt cơ quan thẩm tra báo cáo những nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) từ sau Kỳ họp thứ 9 đến nay.

Đáng chú ý, về giấy phép môi trường, tại Dự thảo Luật thể hiện hai phương án nhằm rút gọn thủ tục hành chính cấp phép về môi trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm các đầu mối quản lý trong lĩnh vực môi trường.

Cụ thể, theo Phương án 1, sẽ chỉ dùng một loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế bảy loại giấy tờ thủ tục hành chính (TTHC) cấp phép về môi trường. Đồng thời quy định trong nội dung giấy phép môi trường (GPMT) đối với trường hợp có xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

Theo Phương án 2, vẫn có giấy phép “Xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong Luật Thủy lợi thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (năm 2017) và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nếu chỉ có 1 giấy phép thay cho 7 loại giấy phép thì doanh nghiệp mừng -1
 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng.

Kết quả xin ý kiến các Đoàn ĐBQH cho thấy, nếu quy định theo phương án 1 sẽ giải quyết được phần lớn các vướng mắc, bất cập trong thực tế thời gian qua, đáp ứng được yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm các đầu mối quản lý trong lĩnh vực môi trường. Thực hiện phương án này phải rà soát, quy định chuyển tiếp về giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Bên cạnh đó, nếu thực hiện theo phương án 2 cho thấy, việc có Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi là cần thiết để phân định rõ trách nhiệm của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc bảo đảm chất lượng nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu trong nông nghiệp theo quy định của Luật Thủy lợi.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị chọn giữa phương án 1 và 2. Theo đó, chỉ tích hợp bảy loại giấy phép môi trường đối với các công trình thủy lợi có tính chất mở, liên thông, còn các công trình thủy lợi được xây dựng khép kín thì thực hiện theo quy định của Luật Thủy lợi (có hiệu lực từ tháng 1-2018).

Tại phiên họp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, việc cấp giấy phép môi trường nên thực hiện theo Luật Thủy lợi, vì sau khi có Luật này thì việc phân cấp, giao nhiệm vụ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rất thuận lợi. Tuy nhiên, thực hiện theo phương án 1 của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là tích hợp thì Bộ đề nghị phải phân công, nêu rõ trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi và nước thuộc công trình thủy lợi giữa hai ngành Nông nghiệp và Tài nguyên môi trường.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, một trong những điểm mới của Luật Thủy lợi là đã chuyển từ phí thủy lợi sang giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi. Tức là người sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt hoặc cho sản xuất thì phải ký hợp đồng dân sự. Do vậy, cơ quan cung cấp nước phải có trách nhiệm bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn và số lượng nước.

Mặt khác, trong việc quản lý công trình thủy lợi, nguồn nước của công trình thủy lợi thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ quản lý một số công trình lớn, còn lại là phân cấp cho các địa phương. Nếu như Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xả thải nước vào công trình thủy lợi thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cả nguồn nước của cả công trình. Hơn nữa, việc cấp phép nguồn nước xả thải không bao gồm tất cả các nguồn nước thải ra công trình thủy lợi, vì Luật Thủy lợi chỉ cấp phép cho nguồn nước có lưu lượng 5m3/ngày đêm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nếu chỉ có 1 giấy phép thay cho 7 loại giấy phép thì doanh nghiệp mừng -0
Quang cảnh phiên họp. 

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nếu có một giấy phép thay cho bảy loại giấy phép thì doanh nghiệp mừng, đỡ thủ tục hành chính. Tuy nhiên, Luật Thủy lợi hiện hành đang thực hiện rất thuận lợi. Do đó, cần trình ra Quốc hội cả hai phương án để thảo luận thêm và xin ý kiến.

Bên cạnh đó, đối với các quy định về tài chính của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh nguyên tắc là tăng chi cho bảo vệ môi trường và không nên liệt kê chi tiết mà cần nêu những vấn đề trọng tâm cần thực hiện. Đặc biệt, việc chuyển kinh phí chi thường xuyên không sử dụng hết chuyển sang chi đầu tư cho bảo vệ môi trường, theo Luật Ngân sách Nhà nước là sai quy tắc, nhưng nếu cần thiết phải sử dụng khoản kinh phí này cho hoạt động bảo vệ môi trường thì cơ quan chức năng có thể trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội xem xét, cân nhắc.

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện một số bộ, ngành cũng đã cho ý kiến về một số nội dung: đánh giá tác động môi trường của các dự án, thẩm định môi trường, kiểm toán hoạt động môi trường... Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung của dự án Luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thoàn tiện dự án Luật trước khi trình lên Quốc hội đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 10 tới.