Chiến thắng vang vọng trên thế giới

65 năm đã trôi qua, nhưng dư âm, dấu ấn của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng ở nhiều nơi trên thế giới, trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, quân sự đến ngoại giao, văn hóa.

Nhấn mạnh về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, tờ Guardian năm 2014 nhận định, đó không chỉ đơn thuần là biểu tượng thất bại của Pháp hay thắng lợi của Việt Nam, mà đó là “dấu mốc mở ra một thời đại mới trên toàn thế giới - thời đại giải phóng dân tộc”. Hãng tin Pháp AFP khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ “thổi bùng phong trào độc lập tại nhiều quốc gia thuộc địa trên khắp thế giới”. Sử gia người Anh M.Uyn-râu cho rằng, “lần đầu tiên một phong trào độc lập ngoài châu Âu phát triển từ lực lượng du kích đã đánh bại một quốc gia xâm lược châu Âu trong một trận chiến”. Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Hồng Công (Trung Quốc), khẳng định, Điện Biên Phủ là biểu tượng của tinh thần quyết tâm tự lực, tự cường, chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Nhà nghiên cứu người Anh P.Hăn thuộc Đại học Kinh Luân Đôn nhận định, Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cả châu Á và ảnh hưởng của nó còn kéo dài tới ngày nay.

Năm 1960 được đánh dấu là “Năm châu Phi” khi 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Như một phản ứng dây chuyền lan đi khắp thế giới, tiếp theo An-giê-ri, một loạt nước thuộc địa khác của Pháp ở châu Phi như Ma-rốc, Tuy-ni-di, Ma-li, Ma-đa-ga-xca, Ca-mơ-run... đã nổi dậy mạnh mẽ, ào ạt và nhanh chóng, buộc thực dân Pháp không còn con đường nào khác là phải trao trả nền độc lập cho các nước này. Tiêu biểu nhất trong số các nước châu Phi là trường hợp An-giê-ri. Chỉ vài tháng sau khi Việt Nam giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ, An-giê-ri đã phát động khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi.

Tương tự Việt Nam, An-giê-ri bị Pháp xâm chiếm và đô hộ từ năm 1830. Các cuộc đấu tranh nhỏ lẻ đã diễn ra liên tục trong những năm tiếp theo nhưng không giành được thắng lợi. Con đường giải phóng dân tộc của An-giê-ri cũng được đánh dấu bằng các hoạt động tích cực của lãnh tụ An-giê-ri là A.Ca-đơ tại Pa-ri những năm đầu thế kỷ 20, kết nối với các nhà lãnh đạo khác trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng phải đợi đến thắng lợi Điện Biên Phủ của Việt Nam, cuộc đấu tranh giành độc lập của An-giê-ri mới có sự chuyển biến quyết định. Tháng 11-1954, cuộc khởi nghĩa vũ trang của các chiến sĩ cách mạng An-giê-ri đã nổ phát súng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN). Năm 1958, một phái đoàn của quân đội An-giê-ri từng sang Việt Nam học tập kinh nghiệm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón nồng hậu. Cuộc đấu tranh bền bỉ kéo dài tám năm của nhân dân An-giê-ri cuối cùng đã được đền đáp: cuối năm 1962, Chính phủ Pháp buộc phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của An-giê-ri, chấm dứt ách thống trị 132 năm của Pháp. Chủ tịch Thượng viện An-giê-ri A.Ben-xa-la khẳng định: Việt Nam là nguồn cảm hứng lớn. Cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam đã thôi thúc chúng tôi đi đến cùng trong cuộc kháng chiến giành độc lập. Việt Nam là biểu tượng của tự do và lòng dũng cảm. Chiến thắng Điện Biên Phủ trả lời cho chúng tôi câu hỏi nhân dân Việt Nam có thể chiến thắng đế quốc thực dân, thì tại sao An-giê-ri lại không thể ?

Không chỉ ảnh hưởng đến các thuộc địa của thực dân Pháp, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 còn buộc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho Mỹ nhận thấy rằng, chủ nghĩa thực dân kiểu cũ của Pháp đã lỗi thời, cần phải thay thế. Bước đi đầu tiên cho âm mưu này là khi Mỹ từ chối ký vào Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ và tuyên bố, Mỹ không bị ràng buộc bởi các điều khoản của hiệp định này. Thái độ của Mỹ cho thấy, một mặt họ lo sợ trước sức mạnh của phong trào cách mạng ở Đông Dương, mặt khác phơi bày âm mưu can thiệp lâu dài vào khu vực này. Trên thực tế, Mỹ đã thực hiện hàng loạt biện pháp để chia cắt lâu dài Việt Nam. Trước hết, phái đoàn cố vấn quân sự MAAG không những không rút về nước mà lại được gia tăng. Sau Điện Biên Phủ, Mỹ đã chuyển hướng sang xây dựng một “vành đai chiến lược” ở khu vực Đông - Nam Á nhằm ngăn chặn làn sóng cách mạng có thể diễn ra. Vì thế, Mỹ đã lần lượt ký kết các hiệp định an ninh song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi-li-pin, Thái-lan… Ngày 6-9-1954, tại Ma-ni-la đã diễn ra hội nghị bàn về Hiệp ước quân sự Đông - Nam Á (SEATO). Bằng cách đó, Mỹ ngang nhiên xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, thay thế Pháp can thiệp trực tiếp vào Việt Nam, vì lo ngại Chiến thắng Điện Biên Phủ có thể ảnh hưởng trực tiếp uy tín, danh dự của siêu cường hàng đầu thế giới.

Điều quan trọng đối với nhân loại là khép lại quá khứ, hướng tới tương lai sau mỗi cuộc chiến tranh. Không phải ai khác mà chính là Tổng thống Pháp P.Mít-tơ-răng là nguyên thủ đầu tiên của phương Tây đã đến thăm Việt Nam năm 1993, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Việt Nam và phương Tây nói chung, giữa Việt Nam và Pháp nói riêng. Theo Tổng thống P.Mít-tơ-răng, nước Pháp cần phải trở lại Việt Nam không phải thông qua chiến tranh, mà là các chương trình hợp tác như tham gia khối Pháp ngữ (Francophonie), hoạt động của Trường Viễn đông Bác cổ và các hiệp định hợp tác văn hóa và kinh tế. Tại Hà Nội, Tổng thống P.Mít-tơ-răng tuyên bố: Tôi ở đây để đóng lại một trang sử và cũng để mở ra một trang khác. Cũng trong chuyến thăm lịch sử đó, Tổng thống P.Mít-tơ-răng có một hành động được coi là “dũng cảm” khi quyết định đến thăm Điện Biên Phủ. Theo một chuyên gia Pháp, chuyến đi cũng là để “hòa giải hoàn toàn giữa dân tộc Pháp và Việt Nam”. Trong bài phát biểu tại Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Tổng thống P.Mít-tơ-răng chia sẻ: Chúng ta đã sống xa nhau và bây giờ chúng ta lại gặp lại nhau.

Từ góc độ quốc tế, Điện Biên Phủ là biểu tượng của lòng quả cảm, của một dân tộc quyết không chịu làm nô lệ, đồng thời là nguồn cảm hứng bất tận cho khát vọng độc lập, tự do, chính nghĩa của các dân tộc bị đô hộ, áp bức, bóc lột. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 của Việt Nam là dấu mốc không thể quên trong lịch sử toàn cầu. Trên thực tế, Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam đã kết liễu chế độ thực dân kiểu cũ, đồng thời cũng báo hiệu sự thất bại của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. 65 năm trôi qua, từ một chiến trường đẫm máu, ngày nay Điện Biên Phủ đã trở thành điểm hẹn của hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc.

GS, TS PHẠM QUANG MINH

Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội