Chặng đường hợp tác toàn diện, hiệu quả và thực chất

Năm 2020, Việt Nam và Ðức kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua nhiều biến động lịch sử, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ðức trong hơn bốn thập niên qua không ngừng phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên mọi lĩnh vực. Kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao là dịp hai nước ôn lại chặng đường hợp tác và cùng nhau vững tin vào tương lai tươi sáng của quan hệ Việt Nam - Ðức.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Việt Nam và Ðức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, song sợi dây liên kết giữa hai dân tộc ở hai lục địa Á và Âu xa cách đã hình thành và tồn tại từ rất lâu trước đó. Từ giữa thế kỷ 19, các vị sứ thần đầu tiên của Ðức đã được cử đến Sài Gòn để kết nối bang giao hai nước. Trên hành trình tìm đường giải phóng dân tộc cách đây khoảng một thế kỷ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc từng dừng chân ở Ðức. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục gieo mầm và dày công vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Ðức đơm hoa, kết trái. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Ðông - Nam Á sở hữu nhịp cầu nhân văn đặc biệt kết nối với Ðức. Ðó là đội ngũ đông đảo hơn một trăm nghìn học sinh, sinh viên và lao động Việt Nam từng học tập, làm việc tại Ðức từ những năm 50 của thế kỷ trước, nắm vững ngôn ngữ và văn hóa Ðức. Cùng cộng đồng hơn 170 nghìn người Việt Nam, gồm nhiều thế hệ, hội nhập sâu rộng và đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế - xã hội Ðức, họ đã kết thành một khối tài sản chung vô giá, trở thành chất xúc tác không thể thiếu cho sự phát triển đa dạng và độc đáo của quan hệ hai nước.

Trên chặng đường 45 năm qua, quan hệ Việt Nam - Ðức luôn thể hiện sức sống bền bỉ và mạnh mẽ nhờ sự hợp tác chặt chẽ về mọi mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... Trao đổi đoàn diễn ra sôi động ở cấp cao và các cấp, bộ, ngành, địa phương. Các hoạt động đối ngoại Ðảng, Quốc hội, hợp tác và giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng gia tăng... Sự đồng thuận về ý chí và các văn kiện đạt được qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước là đòn bẩy quan trọng cho triển khai hợp tác sâu rộng giữa hai nước. Ðặc biệt, Tuyên bố Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam - Ðức được ký nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ðức A.Méc-ken tháng 10-2011 ghi dấu mốc quan trọng định hình quan hệ Việt Nam - Ðức phát triển mạnh mẽ trong gần 10 năm lại đây. Nhiều cơ chế hợp tác, như cuộc họp Nhóm điều hành chiến lược, Ðối thoại cấp cao về kinh tế, Tham vấn Chính phủ về hợp tác phát triển, Ðối thoại về nhà nước pháp quyền, Ủy ban hợp tác khoa học - công nghệ... đã được kích hoạt và mở rộng, bảo đảm tính hiệu quả và chất lượng mọi mặt hợp tác.

Trên nền tảng vững chắc của quan hệ chính trị, hợp tác giữa hai nền kinh tế có độ mở lớn, nhiều tiềm năng và đặc tính bổ sung cho nhau diễn ra rất năng động. Trong nhiều năm liền, Ðức luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Kim ngạch thương mại hai nước kể từ năm 2010 đến nay đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD, với mức tăng trung bình hơn 10%/năm. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đi vào triển khai, hứa hẹn tạo ra những cơ hội mới to lớn cho doanh nghiệp hai nước về trao đổi thương mại và đầu tư. Là nước đứng thứ 18 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, hiện hơn 300 doanh nghiệp Ðức đang triển khai 361 dự án hợp tác trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, logistics, hóa chất, năng lượng tái tạo…, với tổng giá trị FDI hơn hai tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã chọn "đầu tàu kinh tế của EU" để "gửi vàng". Ðến nay, Việt Nam đã có 35 dự án đầu tư vào Ðức với trị giá hơn 250 triệu USD, trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tin học, nhà hàng, khách sạn... Trong bối cảnh cùng hướng tới nền kinh tế tương lai với nền tảng là cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam mong muốn cùng Ðức khai thác những dư địa và tiềm năng hợp tác còn rất lớn trong những lĩnh vực này.

Cùng thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển cũng là một thành tố quan trọng trong quan hệ hai nước. Việt Nam luôn trân trọng và không bao giờ quên sự ủng hộ quý báu của Chính phủ và nhân dân Ðức dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong ba thập niên gần đây, trên tinh thần đối tác tin cậy và hiệu quả, với nguồn ODA trị giá hơn hai tỷ USD, Ðức luôn đồng hành cùng công cuộc phát triển của Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác lớn, như cải cách kinh tế, phát triển lâm nghiệp, xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh, Luật Ðào tạo nghề… Những bài học chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển, khai thác năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, hệ thống đào tạo nghề song hành nổi tiếng thế giới của Ðức là hành trang quý giá, góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện các cơ chế chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn thiên nhiên và đào tạo nguồn nhân lực, từ đó góp phần hỗ trợ Việt Nam hoàn thành trước thời hạn những Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và tiến tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Tiếp nối và phát huy truyền thống giao lưu nhân dân tốt đẹp giữa hai nước, các mặt hợp tác giáo dục, nghiên cứu khoa học, pháp luật, văn hóa - du lịch… cũng ghi nhận những thành tựu nổi bật. Dự án "hải đăng" là Trường đại học Việt - Ðức sắp được hoàn thành với quy mô tiếp nhận 12 nghìn sinh viên, hoạt động theo mô hình đại học của Ðức, hứa hẹn sẽ trở thành "thỏi nam châm" thu hút đông đảo sinh viên trong và ngoài nước. Việc giảng dạy ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Ðức trong các trường phổ thông ở hai nước được khuyến khích và cùng các hoạt động giao lưu văn hóa sôi động, như liên hoan phim, hòa nhạc, triển lãm sách, tranh, ảnh, ẩm thực, giao hữu thể thao... đưa người dân Việt Nam và Ðức đến gần nhau hơn. Ðường bay thẳng giữa hai nước được mở hơn 15 năm trước đã trở thành cầu nối mỗi năm chuyên chở hàng chục nghìn lượt khách Ðức sang du lịch và làm việc tại Việt Nam, kiều bào về thăm quê hương, cũng như con số tương tự người Việt Nam sang Ðức du lịch, học tập và làm việc.

Ở bình diện đa phương, trên tinh thần Ðối tác chiến lược, Việt Nam và Ðức luôn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, như ASEAN - EU, ASEM, Liên hợp quốc... Chia sẻ quan điểm và tầm nhìn chung về chủ nghĩa đa phương, trật tự ổn định dựa trên luật lệ, bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ môi trường, Việt Nam và Ðức thường xuyên tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu. Trong năm 2020, "trọng trách kép" được đặt lên vai hai nước: Vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đồng thời giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Ðức đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong tháng cuối năm. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ thời cơ và vận dụng một cách tích cực, sáng tạo để thúc đẩy tăng cường kết nối Á - Âu, mang lại hòa bình, ổn định ở hai khu vực, đóng góp cho môi trường an ninh và phát triển trên thế giới. Việc đề xuất các sáng kiến hợp tác trong phòng, chống dịch Covid-19, như tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU do Việt Nam chủ trì và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh vì chủ nghĩa đa phương, do Ðức đồng khởi xướng, là minh chứng sống động cho tinh thần hợp tác.

Điểm lại những trang sử quan hệ hai nước hơn bốn thập niên qua, chúng ta thật vui mừng và tự hào về sự phát triển năng động, thực chất của quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam - Ðức. Những kết quả đáng khích lệ và tiềm năng hợp tác rất to lớn là những động lực quan trọng cho sự hợp tác sâu rộng, mạnh mẽ và toàn diện hơn của hai nước trong những thập niên tới, phù hợp với lợi ích và mong muốn của chính phủ và nhân dân hai nước, vì một thế giới hòa bình, ổn định, phồn vinh. Với những nỗ lực, quyết tâm của hai bên và trên hết là tình hữu nghị bền chặt của hai dân tộc, mục tiêu mà hai nước cùng hướng tới chắc chắn sớm trở thành hiện thực.

PHẠM BÌNH MINH

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao