Chặng đường 25 năm hoạt động của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư

NDO -

Sáng 5-3, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư (HĐKHCCQĐT.Ư) đã tổ chức tọa đàm chuyên gia, với chủ đề: “Quá trình hình thành, phát triển và hoạt động của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - Thực trạng, bài học, những vấn đề đặt ra”.

Chặng đường 25 năm hoạt động của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư

Tham gia tọa đàm có nhiều cán bộ, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư và ĐKHCCQĐT.Ư, các đồng chí ủy viên HĐKH qua các thời kỳ, các đồng chí lãnh đạo Hội đồng khoa học cơ sở, các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học có nhiều năm cộng tác, gắn bó và am hiểu về HĐKHCCQĐT.Ư. Đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư, Chủ tịch HĐKHCCQĐT.Ư đã chủ trì và kết luận tọa đàm.

Tiền thân là Hội đồng Khoa học thẩm định đề tài cấp bộ của các ban Đảng, HĐKHCCQĐT.Ư được thành lập ngày 5-6-1996, với nhiệm vụ ban đầu là làm đầu mối tập hợp kế hoạch nghiên cứu khoa học, chỉ đạo thực hiện các đề tài và sử dụng có hiệu quả kinh phí nghiên cứu của các ban Đảng. Qua ¼ thế kỷ hoạt động, Hội đồng đã có sự lớn mạnh về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy và đóng góp khoa học.

Từ năm 1996 đến hết năm 2020, HĐKHCCQĐT.Ư đã xét duyệt, thẩm định, theo dõi quá trình thực hiện của hơn 1.000 đề tài, đề án dưới các hình thức, như: do Hội đồng khoa học cơ sở của các ban, cơ quan Đảng T.Ư đề xuất; Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng T.Ư giao trực tiếp và mở rộng hình thức nghiên cứu khoa học mới dưới dạng liên kết nghiên cứu giữa các ban Đảng, giữa các nhà khoa học trong Hội đồng và các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Hội đồng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho chỉ đạo việc thực hiện các đề tài, đề án và sử dụng có hiệu quả kinh phí nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, đề án đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, thiết thực phục vụ công tác tham mưu chiến lược của các ban, cơ quan đảng T.Ư đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư; góp phần tham mưu xây dựng nhiều chỉ thị, nghị quyết trên nhiều lĩnh vực khác nhau: giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, tư tưởng, đối ngoại, xây dựng Đảng, dân vận, an ninh quốc gia, kinh tế, chính trị, tuyên giáo…

Đồng thời, nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn công tác tại các ban, cơ quan đảng T.Ư ngay trong quá trình thực hiện, trực tiếp đóng góp cho quá trình nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành tại từng ban, cơ quan Đảng T.Ư.

Sản phẩm của không ít công trình nghiên cứu được sử dụng làm tư liệu tra cứu, tham khảo; một số được xuất bản thành sách, phát hành rộng rãi và là tư liệu tham khảo có giá trị cao, thiết thực đáp ứng nhu cầu của các học viên cao học, nghiên cứu sinh, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau trong công tác xây dựng Đảng.

Thông qua nghiên cứu khoa học, trình độ của đội ngũ cán bộ, chuyên viên thuộc các ban, cơ quan đảng T.Ư đã được nâng cao rõ rệt. Đó là một trong những hình thức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, chính trị cho cán bộ một cách có hiệu quả, tạo điều kiện cho cán bộ vừa học vừa làm, gắn với thực tiễn nghiên cứu khoa học ở từng công trình, chuyên đề cụ thể.

Nhiều ý kiến trong tọa đàm cũng chỉ ra một số hạn chế và vấn đề đặt ra trong quá trình hoạt động của HĐKHCCQĐT.Ư, như: tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Hội đồng; việc tuân thủ quy chế làm việc; công tác quản lý, điều hành; một số ít đề tài, đề án còn để tồn đọng kéo dài, chậm được nghiệm thu; thanh lý, quyết toán dứt điểm. Sự gắn kết giữa HĐKHCCQĐT.Ư với các Hội đồng khoa học,…

Đồng thời, rút ra một số bài học về đổi mới tư duy, nội dung, phương thức hoạt động khoa học ở các cơ quan Đảng T.Ư; về chức năng, nhiệm vụ, hướng công tác nghiên cứu khoa học phục vụ tham mưu, tư vấn của các ban, các cơ quan Đảng T.Ư; về mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, chuyên tâm, chuyên nghiệp và vai trò của Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, lãnh đạo các ban, cơ quan Đảng T.Ư, các bộ, ngành trong nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐKHCCQĐT.Ư; về mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, với chất lượng hoạt động của Hội đồng, để nâng cao chất lượng kết quả nghiên cứu khoa học, tính ứng dụng của các đề tài, đề án và xây dựng các báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng và các tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt, có tính chất quyết định đối với thắng lợi của công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Công tác tham mưu, nhất là tham mưu chiến lược của các cơ quan đảng T.Ư góp phần trực tiếp vào việc hoạch định và chỉ đạo các chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng ở nước ta hiện nay.

Bởi vậy, các ý kiến trong tọa đàm thống nhất khẳng định sự cần thiết tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và quy chế hoạt động của HĐKHCCQĐT.Ư.

Cuộc tọa đàm nằm trong chuỗi ba cuộc tọa đàm chuyên gia nhằm góp phần tổng kết 25 năm (1/4 thế kỷ) hoạt động của HĐKHCCQĐT.Ư, tham mưu cho Ban Bí thư chỉ đạo xây dựng mô hình hoạt động của HĐKHCCQĐT.Ư trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng T.Ư.