Cần nhân rộng mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình”

NDO -

Ngày 19-10, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp Văn phòng Bộ Công an tổ chức Hội nghị đánh giá mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” tại Đắk Lắk. Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an dự và chỉ đạo hội nghị. 

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an, lãnh đạo các Cục nghiệp vụ Bộ Công an cùng các đại biểu lãnh đạo Công an của 34 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, tháng 3-2020, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thí điểm mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” nhằm đa dạng hóa hình thức và mô hình phòng chống tội phạm, nhất là trên không gian mạng. Sau hơn sáu tháng triển khai, mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” tại Đắk Lắk đã đem lại những hiệu quả tích cực.

Đến thời điểm hiện nay, toàn Công an tỉnh Đắk Lắk đã có 225 trang zalo được đăng ký và xác thực với 129.208 lượt người quan tâm theo dõi; đã có 184/184 xã, phường, thị trấn đăng ký xác thực và đưa vào vận hành trang zalo. Lực lượng cảnh sát khu vực, Công an xã chính quy phụ trách địa bàn đã lập được 975 nhóm zalo thôn, buôn, tổ dân phố. Các trang zalo đã đăng tải được 12.095 bài viết thu hút được 4.981.844 lượt xem. Đồng thời, đã tiếp nhận giải quyết 568 tin liên quan đến tình hình an ninh trật tự; trả lời, hướng dẫn 5.264 lượt câu hỏi liên quan đến các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của lực lượng Công an.

Đặc biệt, thông qua các trang mạng xã hội, người dân được tiếp cận nhanh các thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, từ đó chủ động phòng ngừa và phối hợp lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh trật tự. Mặt khác, thông qua trao đổi tương tác với người dân, lực lượng Công an đã chủ động nắm bắt và xử lý ngay từ cơ sở những vấn đề phức tạp nổi lên liên quan đến an ninh trật tự, góp phần kéo giảm tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong chín tháng đầu năm 2020 đã kéo giảm 6,58% số vụ xâm phạm trật tự xã hội so với cùng kỳ năm 2019...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đã ghi nhận biểu dương, đánh giá cao việc Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai có hiệu quả mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình”. Mặc dù mới được triển khai hơn sáu tháng, nhưng “Mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” tại Đắk Lắk hoạt động khá bài bản, chất lượng, góp phần đáng kể trong việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ lưu ý việc triển khai, thực hiện mô hình của Công an một số địa phương trong tỉnh, đơn vị còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và tiềm ẩn đối mặt với những nguy cơ. Đó là chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền về việc ứng dụng mạng xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; chưa có quy định cụ thể về việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm qua các trang mạng xã hội. Các nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị và trình độ chuyên môn của nhân viên điều hành, sử dụng còn hạn chế; nguy cơ bị lộ lọt thông tin bí mật nhà nước, nguy cơ bị thay đổi nội dung thông tin và bị chiếm đoạt mất quyền điều khiển; nguy cơ bị kiểm soát trung tâm điều khiển và tình huống sự cố…

Vì vậy, để việc ứng dụng các trang mạng xã hội có hiệu quả trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được thiết thực, hiệu quả hơn, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị: Đối với Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội đồng hành cùng lực lượng Công an cùng phối hợp triển khai, thực hiện mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” tại địa phương với nhiều nội dung, hình thức phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, qua đó thu hút đông đảo người dân tham gia. 

Cần nhân rộng mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” -0
Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Công an kiểm tra, khảo sát mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình”  tại huyện Cư M’gar. 

Riêng đối với Công an các tỉnh, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cũng đề nghị cần tổ chức nghiên cứu thật kỹ mô hình này để chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cân nhắc ứng dụng, vận dụng những điểm tương đồng, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương trong từng giai đoạn sát thực, hiệu quả. Đối với các địa phương đã triển khai ứng dụng mạng xã hội trong phòng, chống tội phạm và hoạt động khác thì trong quá trình thực hiện nhất thiết phải tuân thủ các quy định về nghiệp vụ và bảo mật, bảo an; chủ động kịp thời có những giải pháp hữu hiệu khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc mà Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra. Bên cạnh đó, việc tổ chức xây dựng mô hình phải thật sự thiết thực và hiệu quả, kiên quyết không chạy theo số lượng về thành tích thi đua hoặc khẩu hiệu phong trào mà xem nhẹ vấn đề trọng tâm, trọng điểm và chất lượng.

Đối với các Cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an, đồng chí Thứ trưởng yêu cầu cần nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Bộ hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thực hiện công tác bảo mật, an ninh an toàn thông tin, bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý, điều hành khi sử dụng mạng xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm; về quy trình tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố qua các mạng xã hội. Chỉ đạo định hướng công tác thông tin, tuyên truyền về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên không gian mạng. 

Nhân dịp này, ba tập thể và năm cá nhân của Công an tỉnh Đắk Lắk đã được Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên không gian mạng, mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình”.