Cân nhắc việc bỏ một số tội trong Bộ luật Hình sự

NDO -

NDĐT – Trong phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) ngày 30-10, một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất xem xét việc bỏ hay phi hình sự hóa một số tội, đồng thời đề xuất bổ sung cũng như đề nghị cân nhắc việc quy định cụ thể hơn một số tội danh mới.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phát biểu trong phiên thảo luận ngày 30-10. Ảnh: TRẦN HẢI.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phát biểu trong phiên thảo luận ngày 30-10. Ảnh: TRẦN HẢI.

Không nên phi hình sự hóa tội cố ý làm trái

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) không đồng ý với việc phi hình sự hóa tội cố ý làm trái. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ chỗ này, có thông tin đầy đủ bao nhiêu cán bộ hiện nay đang tù về tội cố ý làm trái, bao nhiêu cán bộ đang bị khởi tố, điều tra, truy tố về xét xử về tội này. Bởi nếu chúng ta bỏ tội này thì đương nhiên những người đã bị khởi tố, điều tra, truy tố là phải đình chỉ, những người đang thi hành án phải được ra tù. Kể cả những người đang thi hành án phạt tù trong vụ Vinashin cũng được tha ngay.

“Điều này phải giải thích cho kỹ trước khi Quốc hội bấm nút. Nếu chúng ta nói thế này, đến lúc đưa ra lại khác, cuối cùng tha hết cán bộ ra thì tôi cho rằng chúng ta có tội với nhân dân”, đại biểu này nói.

Còn đại biểu Siu Hương (Gia Lai) đề nghị vẫn phải thi hành án tử hình đối với các tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ đối với người phạm tội mà sau khi kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra. Vì đây là hai tội nặng nhất trong các tội phạm tham nhũng.

Trong thời gian qua một số đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, lợi dụng sự tín nhiệm, quyền hạn được giao đã phạm tội hết sức nghiêm trọng, gây thất thoát rất lớn tài sản của nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân. Nên vẫn phải thi hành án tử hình đối với các tội này là cần thiết. Sẽ có tác dụng răn đe và sự quyết tâm cao của Đảng và nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Trong khi đó, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đề nghị cần xem xét, cân nhắc, không nên bỏ tội kinh doanh trái phép, vì hiện nay trong thực tiễn loại tội này đang diễn ra và gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Nhất là đối với các trường hợp kinh doanh các mặt hàng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của cộng đồng mà không đăng ký kinh doanh gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại biểu này cũng đề nghị cân nhắc không nên bỏ tội hoạt động phỉ vì tình hình hiện nay gây rối, chống đối đang diễn biến phức tạp, có tiềm ẩn, nhất là ở vùng biên giới và biển đảo. Tuy nhiên, nhiều năm qua tòa án các cấp chưa xét xử loại này, hoặc xét xử rất ít, nhưng tội danh này cũng là một tiềm ẩn nên cần quy định trong Bộ luật Hình sự để phát huy tính đề phòng, phòng ngừa, răn đe. Vì phòng ngừa, răn đe cũng chính là một mục đích quan trọng của Bộ luật Hình sự.

Trốn đóng bảo hiểm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự

Dự thảo Bộ luật Hình sự bổ sung thêm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở Điều 220. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, việc bổ sung điều luật mới này nhằm bảo đảm nghiêm minh, thực thi chính sách, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, quy định này trong dự thảo luật sẽ tác động mạnh đến nhiều doanh nghiệp. Theo đại biểu Thành, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp của nước ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất nhỏ. Tình hình kinh tế khó khăn vừa qua, số doanh nghiệp giải thể, thua lỗ, không có lợi nhuận, lợi nhuận ít chiếm phần đông. Đại biểu Thành cho rằng cần đánh giá tác động điều luật này, nếu không sẽ diễn ra tình trạng doanh nghiệp không dám thành lập, không dám mở rộng sản xuất. Nhất là các hoạt động thu hút nhiều lao động giản đơn, tạm thời, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ không tạo thêm việc làm cho xã hội khi các hành vi trốn đóng bảo hiểm bị hình sự hóa ở mức độ cao.

Đại biểu này đề nghị cần có sự phân biệt về hai loại mức độ, hành vi không đóng và hành vi đóng không đầy đủ để có những quy định xử phạt khác nhau một cách phù hợp. Hiện trong dự thảo đang quy định đồng nhất hai hành vi này.

Tại Khoản 1, vi phạm 6 tháng sau khi xử phạt hành chính chỉ nên quy định xử phạt bằng hai lần mức đóng. Vi phạm một năm chỉ nên xử phạt bằng ba lần mức đóng và phạt cải tạo không giam giữ đến 6 tháng thay vì trong dự thảo là 2 năm. Thay đổi quy mô số lao động trốn đóng từ 50 người trở lên thay vì mốc 20 người. Với doanh nghiệp số lượng trốn đóng từ 20 đến 50 người, dưới 50 người chỉ nên quy định mức xử phạt tiền và áp dụng biện pháp rút giấy phép và cấm kinh doanh, không áp dụng hình phạt cải tạo và hình phạt tù. Đại biểu này cũng đề nghị điều chỉnh tương tự với Điều 201 về tội trốn thuế.

Hành vi sử dụng vượt mức cho phép chất độc hại trong thực phẩm có thể bị truy tố?

Trong tình hình hiện nay, việc sử dụng tràn lan các chất cấm, chất độc hại trong thức ăn chăn nuôi, trong trồng trọt bảo quản rau quả chế biến thực phẩm đã đến mức báo động và cực kỳ nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe cộng đồng, gia tăng tình trạng bệnh tật tử vong và gây thiệt hại cho xã hội. Trong hệ thống pháp luật chúng ta hiện nay, hành vi này mới xử lý theo nghị định xử phạt hành chính là Nghị định 119 năm 2013.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị bổ sung một điều khoản mới quy định về tội sản xuất buôn bán sử dụng vượt mức cho phép các chất cấm, chất độc hại trong trồng trọt chăn nuôi bảo quản và chế biến rau quả thực phẩm và khung hình phạt này xử lý tương tự như khung về tội sản xuất và buôn bán hàng giả về lương thực, thực phẩm. Đại biểu Thành cho rằng đây là biện pháp hết sức cần thiết nhằm lành mạnh hóa sản xuất, tạo nên sức thúc đẩy trong sản xuất của chúng ta hiện nay, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế. Điều này cũng được cử tri quan tâm, đề xuất qua kiến nghị qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Còn đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng, Điều 193 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và Điều 316 tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không thực thi được trong thực tế. Vì người bị hại khi sử dụng hàng hóa, thực phẩm của người buôn bán, chế biến có chất cấm, chất bảo quản, chất kích thức tăng trưởng... nguy hại cho sức khỏe, không thể bộc phát ra ngay để cho cơ quan giám định thấy được. Đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo nên căn cứ vào hàm lượng sử dụng chất cấm quá mức quy định bao nhiêu lần để quy định mức xử phạt tương ứng và hình thức xử phạt đối với các tội này phải ở mức cao mới đủ sức răn đe.

Đây là phiên thảo luận cuối cùng về dự thảo bộ luật quan trọng này. Ngày 25-11, dự kiến Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).