Đồng chí Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre:

Cần giải pháp đồng bộ để thích ứng Biến đổi khí hậu

Phóng viên (PV): Bến Tre là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng và tác động lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vậy tỉnh đã làm gì để thích ứng với vấn đề này, thưa đồng chí?

Cần giải pháp đồng bộ để thích ứng Biến đổi khí hậu

Đồng chí Võ Thành Hạo: Bến Tre hôm nay diện mạo đã thay đổi hoàn toàn so với Bến Tre trong chiến tranh. Tỉnh hiện có hệ thống hạ tầng kinh tế-kỹ thuật và kinh tế - xã hội khá hoàn chỉnh; tất cả các xã có đường ô-tô đến được trung tâm và đều có trạm y tế kiên cố; 99% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 34,5 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế đã chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại với tỷ trọng gần 60%. Tuy nhiên, hiện Bến Tre là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Bởi thế, trong hoạch định và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chúng tôi luôn quan tâm lồng ghép vấn đề thích ứng với BĐKH; từ đó, có định hướng sắp xếp lại sản xuất và bố trí đời sống dân cư cho phù hợp. Bến Tre tập trung nghiên cứu, triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức và năng lực thích ứng với BĐKH cho các tổ chức, người dân trong tỉnh; chú trọng triển khai cả ba nhóm giải pháp cơ bản: giải pháp công trình, phi công trình và tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, ứng phó thiên tai. Chúng tôi cũng đang quy hoạch và sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp từng vùng sinh thái nhằm bảo đảm sự phát triển của tỉnh và sinh kế bền vững của người dân.

PV: Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng có đề cập vấn đề ứng phó BĐKH. Từ kinh nghiệm thực tiễn của Bến Tre, đồng chí có đề xuất gì?

Đồng chí Võ Thành Hạo: Chúng tôi cơ bản đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó BĐKH được nêu trong Báo cáo Chính trị (Báo cáo) trình Đại hội XII của Đảng. Tuy nhiên, chúng tôi thấy cần nhấn mạnh hơn đến yếu tố BĐKH và tác động trực tiếp, nghiêm trọng của nó trong phần dự báo tình hình của Báo cáo, từ đó đề ra hệ thống giải pháp phù hợp, đồng bộ nhằm nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH của tổ chức và người dân, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của nhân dân.

Với tinh thần đó, chúng tôi xin kiến nghị Trung ương quan tâm phân tích và lồng ghép yếu tố BĐKH vào chiến lược, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và hằng năm của quốc gia, ngành và vùng; ưu tiên mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật phục vụ quá trình tái cơ cấu sản xuất và tạo sinh kế bền vững. Trong đầu tư công, cần chú ý bố trí nguồn lực cho các công trình, dự án có tác động liên vùng như hệ thống hạ tầng thủy lợi, giao thông đồng bộ vùng, quản lý tài nguyên nước khu vực (như khu vực sông Cửu Long), xây dựng hệ thống quan trắc tự động liên vùng nhằm nâng cao năng lực dự báo, đào tạo năng lực quản lý vùng cho các lãnh đạo địa phương, khai thác tiềm năng vùng,… Ngoài ra, Trung ương cần có cơ chế khuyến khích đầu tư ngoài ngân sách vào các lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, khuyến khích người dân sản xuất sạch hơn,…

PV: Xin cảm ơn đồng chí.