Các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

NDO -

NDĐT - Ngày 19-5, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội người Việt Nam Đoàn kết TP Ulyanovsk, cùng đại diện chính quyền tỉnh Ulyanovsk, quê hương vị lãnh tụ của giai cấp vô sản V.I. Lenin, đã long trọng tổ chức lễ dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiều 19-5, tại trụ sở Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế (22B Lê Lợi, TP Huế) diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Hình tượng Bác Hồ trên báo chí cách mạng ở miền Nam: 1945-1975”.

Các đại biểu trong Lễ dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đại biểu trong Lễ dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tham dự buổi lễ, có đại diện chính quyền TP Ulyanovsk, Thị trưởng thành phố Sergei Panchin, Chủ tịch Đuma thành phố (Hội đồng thành phố) Ilya Nozeskin, Trưởng Ban Nội chính Văn phòng Thống đốc tỉnh Ulyanovsk Sergei Pakhovsky, đại diện Hội người Việt Nam Đoàn kết TP Ulyanovsk, cùng đông đảo bà con cộng đồng người Việt và bạn bè Nga trên quê hương V.I. Lenin.

Thừa ủy quyền của Tổng Lãnh sự Việt Nam tại TP Ekaterinburg Ngô Phương Nghị, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam Đoàn kết TP Ulyanovsk Nguyễn Quang Thành xúc động phát biểu khai mạc buổi lễ. Ông Thành khẳng định, ngày 19-5 luôn là một dấu mốc đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam. Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là ngày vui, là sự kiện trọng đại đối với người dân Việt Nam. Từ khắp bốn phương trời, ở đâu có người Việt sinh sống, là ở đó có nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày sinh của Bác với niềm trân trọng, biết ơn và thành kính nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tên tuổi và sự nghiệp của Người sẽ còn sống mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta.

Tại buổi lễ này, mỗi đại biểu tham dự đều ghi nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Xô viết trước đây, Liên bang Nga ngày nay. Nhiều tài liệu, nhân chứng cho thấy Bác Hồ đặc biệt quan tâm phát triển quan hệ giữa hai nước. Khi sinh thời, Bác thường có nhiều chuyến thăm Liên Xô, vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

Tiếp đó, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm, nhớ về Người và cùng nhau thành kính dâng những đóa hoa tươi thắm, tưởng nhớ vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Thành phố Ulyanovsk, quê hương của V.I. Lenin, đã kết nghĩa với tỉnh Nghệ An, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2017, chính quyền hai địa phương đã phối hợp khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường, nằm bên đại lộ mang tên Người ở thành phố miền trung nước Nga này. Được biết, chính quyền TP Ulyanovsk mới đây đã tặng tỉnh Nghệ An một bức tượng V.I. Lenin. Hiện nay, Nghệ An đang tiến hành xây dựng khu tưởng niệm và sẽ đặt tượng đài vị lãnh tụ của giai cấp vô sản tại thành phố Vinh, bên con đường mang tên Lenin.

* Chiều 19-5, tại trụ sở Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế (22B Lê Lợi, TP Huế) diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Hình tượng Bác Hồ trên báo chí cách mạng ở miền Nam: 1945-1975”. Triển lãm do Hội Nhà báo tỉnh cùng các cơ quan báo chí trên địa bàn và Nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020).

Các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 1

Các đại biểu xem bài báo viết về Bác Hồ trưng bày tại triển lãm.

Triển lãm là hoạt động có ý nghĩa của Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế, diễn ra đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác - vị Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, vị lãnh tụ kính yêu của Đảng và nhân dân Việt Nam; đồng thời một Nhà báo cách mạng Việt Nam vĩ đại, Người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Phát biểu khai mạc triển lãm, Chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, đây là kết quả bước đầu của công tác sưu tầm, nghiên cứu tư liệu hiện vật, những sáng tác về Bác Hồ ở miền Nam trên báo chí, nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Triển lãm giới thiệu đến hội viên hội nhà báo trong tỉnh và công chúng 70 hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên báo chí cách mạng ở miền Nam. Đó là những bức vẽ, ký họa, tranh khắc gỗ, ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trang trọng trên từng tờ báo cách mạng ở miền Nam trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, tự nó đã nói lên tình cảm, ý chí của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ.

Trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, tiếp đến 21 năm chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc, đặc biệt là ở miền Nam, chiến tranh vệ quốc vô cùng tàn khốc. Sự sống và cái chết của người chiến sĩ cách mạng chỉ trong gang tất. Để ra được tờ báo đã khó, in được hình ảnh Bác Hồ lên trên tờ báo đó để phát hành đến với đồng bào trong vùng tạm chiếm lại càng khó hơn. Nhưng với niềm tin vào thắng lợi của cách mạng các nhà báo đã làm được. Nhân dân miền Nam trông ngóng, đón chờ. Hình ảnh Bác Hồ luôn là nguồn động viên, cổ vũ, là niềm tin yêu và tấm lòng thủy chung sắt đá trong trái tim đồng bào miền Nam luôn hướng về Thủ đô Hà Nội, về Bác Hồ kính yêu.

Các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 2

Báo Cứu Quốc - cơ quan của Mặt trận Liên - Việt Liên khu V in chân dung Hồ Chủ tịch.

Thừa Thiên Huế, vùng đất vinh dự có hơn mười năm Bác Hồ cùng gia đình Người sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước giai đoạn 1895 -1901 và 1906 - 1909. Tại triển lãm này, Ban Tổ chức giới lại một số tờ báo xuất bản khá sớm sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, như: ngày 1-10-1945, ở Huế, báo Quyết Thắng cơ quan của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Bộ ra số đầu tiên đã in bức vẽ chân dung Bác Hồ, bên cạnh bài thơ Hồ Chí Minh của nhà thơ Tố Hữu. Có thể nói, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên ở miền Nam in ký họa chân dung về Người. Sau đó, ngay Tết Độc lập đầu tiên ở Huế, có tờ Tay Thợ của giai cấp công nhân Trung Bộ, in hình ảnh Bác qua nét vẽ của họa sĩ Trần Đình Thọ với câu chú thích bên dưới: “Hồ Chủ tịch - Người cha già của dân tộc Việt Nam”. Ở tận cùng đất mũi Cà Mau, tháng 11-1946, tờ Tiến Thẳng của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ vẽ hình ảnh Bác Hồ vui Tết Trung thu với các cháu thiếu nhi…

Triển lãm mở cửa từ ngày 19-5 đến ngày 22-5 tại trụ sở Hội Nhà báo tỉnh nhằm phục cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các nhà nghiên cứu lịch sử và những bạn yêu thích sưu tầm báo chí cách mạng.