Các cơ quan, đơn vị hành chính tỉnh Vĩnh Phúc gửi, nhận văn bản điện tử

* Bình Dương cải thiện môi trường đầu tư

Tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng và các huyện, thành phố của tỉnh tăng cường thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn.

Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: HOÀNG NGỌC
Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: HOÀNG NGỌC

Tháng 5-2019, tỉnh đã thực hiện cài đặt, triển khai phần mềm quản lý văn bản tập trung cho 176 cơ quan, đơn vị, địa phương (39 cơ quan cấp tỉnh, huyện và 137 xã, phường, thị trấn); tập huấn triển khai phần mềm quản lý văn bản tại tất cả các cơ quan, đơn vị, bảo đảm tích hợp liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia, kết nối với hệ thống nền tảng, liên thông các hệ thống thông tin quốc gia. Tỉnh đã thiết lập hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành kết nối với hệ thống dùng chung của tỉnh, với trục liên thông văn bản quốc gia và tuân thủ quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức.

Ðến nay, toàn tỉnh đã cấp phát 786 chứng thư số chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước, trong đó có 391 chứng thư số cơ quan, đơn vị, 395 chứng thư số cá nhân. Trong hai tháng 10 và 11-2019, tỷ lệ văn bản điện tử có ký số trên tổng số văn bản đi tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện là 35,25% (riêng các sở, ngành đạt 56,53%).

Trước đó, ngày 1-11-2019, Trung tâm Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện ứng dụng zalo trong giải quyết thủ tục hành chính.

* Tỉnh Bình Dương phấn đấu tổng sản phẩm (GRDP) năm 2020 tăng từ 8,6 đến 8,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,55%; giá trị gia tăng ngành dịch vụ 10,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,9%, kim ngạch xuất khẩu tăng 17,5%. Ðể đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, gắn với mở rộng các hình thức xã hội hóa đầu tư, tập trung tối đa để hoàn thành các công trình, dự án theo kế hoạch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác lập quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quan tâm đầu tư nâng cấp, chỉnh trang đô thị, bảo đảm lộ trình nâng cấp đô thị của tỉnh và các địa phương; tiếp tục thực hiện Ðề án xây dựng thành phố thông minh gắn kết chặt chẽ với từng ngành, từng lĩnh vực; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trước hết rà soát xử lý dứt điểm những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý đất đai, nhất là liên quan đến đất công.

Năm 2019, GRDP tăng 8,95%, GRDP bình quân đạt 140,8 triệu đồng/người. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, chuyển dịch nội bộ ngành theo hướng tích cực. Toàn tỉnh có 1.261 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động có doanh thu, góp phần đưa chỉ số phát triển công nghiệp tăng 9,86%. Ðến nay, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh đã có mặt ở 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. So cùng kỳ năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng 15,6%, đạt 27 tỷ 781 triệu USD.