Bước chuyển khi công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã

NDO -

Kỳ 1: Chủ trương đúng và trúng

Bố trí Công an chính quy (CACQ) về đảm nhiệm các chức danh công an xã (CAX) tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh với những chủ trương, giải pháp, cách làm khoa học, bài bản, ưu tiên nguồn cán bộ tinh thông nghiệp vụ, có tư chất đạo đức tốt góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở.

Trưởng Công an xã trao đổi với lãnh đạo xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn) về phương án giữ gìn ANTT trên địa bàn.
Trưởng Công an xã trao đổi với lãnh đạo xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn) về phương án giữ gìn ANTT trên địa bàn.

Thanh Hóa có số đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất toàn quốc với 28 thị trấn và 573 xã (trong đó có 106 xã miền núi, 98 xã vùng cao); nhiều xã cách xa trung tâm hàng trăm km, điều kiện kinh tế xã hội, đi lại rất khó khăn. Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ ngày 1-12-2019, tỉnh Thanh Hóa còn 525 xã, thị trấn. 

Triển khai gấp rút

Đề án Bố trí CACQ đảm nhiệm các chức danh CAX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được xây dựng vào tháng 10-2019 nhằm thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và các chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Do lần đầu tiên thực hiện nên cấp ủy, chính quyền và công an tỉnh chưa có kinh nghiệm về vấn đề này, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo gặp nhiều khó khăn, phải xem xét, thảo luận nhiều lần để thống nhất chủ trương và các giải pháp thực hiện.

Nhiều năm qua, hơn năm nghìn cán bộ CAX, thị trấn đã góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ, việc về ANTT ngay tại cơ sở; trực tiếp đấu tranh, phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật, quản lý, giáo dục có hiệu quả các đối tượng và nâng cao năng lực thực hiện quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội ở cấp xã; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; bảo đảm ổn định tình hình ANTT, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, lực lượng CAX bán chuyên trách bộc lộ những hạn chế về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, số lượng còn thiếu, chất lượng không đồng đều, tổ chức lực lượng, công cụ, trang thiết bị, phương tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động có mặt còn hạn chế.

Tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững, ổn định, tuy nhiên ở địa bàn cơ sở, tình hình ANTT còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, diễn biến phức tạp. Tính đến tháng 9-2019, toàn tỉnh còn 299 xã, thị trấn trọng điểm phức tạp (chiếm 49,75%). Ở các xã miền núi, vùng cao, tuyến biên giới vẫn diễn ra các hoạt động truyền đạo trái phép vào đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tranh chấp đất đai và mâu thuẫn nội bộ nhân dân, tình trạng người Mông di cư tự do sang Trung Quốc lao động trái phép luật, hoạt động vận chuyển ma túy từ Lào và Việt Nam, buôn lậu qua biên giới, tàng trữ súng săn…

Ở các xã vùng nông thôn, vùng trung du, đồng bằng, ven biển còn diễn ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của người dân, tệ nạn tham nhũng, vi phạm chính sách an sinh xã hội, làm phát sinh một số vụ khiếu kiện có đông người tham gia, phức tạp, kéo dài, vượt cấp…

Tội phạm, tệ nạn xã hội tiếp tục được kiềm chế nhưng từng thời điểm, từng địa bàn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động của tội phạm hình sự, tội phạm mang tính chuyên nghiệp, hoạt động băng ổ nhóm, tín dụng đen, tội phạm có tính chất bạo lực, cố ý gây thương tích, tội phạm ma túy, cờ bạc…; tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Nhiệm vụ giữ vững ổn định ANTT ngay từ cơ sở là vấn đề chiến lược, việc bố trí lực lượng CAX như hiện nay không còn phù hợp, không theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Đề án Bố trí CACQ đảm nhiệm các chức danh CAX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025 bố trí CACQ đảm nhiệm các chức danh CAX ở 100% xã, hướng tiệm cận dần đến CAX chính quy. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Công an về việc yêu cầu các địa phương hoàn thành bố trí CACQ đảm nhiệm các chức danh CAX trước ngày 31-3-2020, công an Thanh Hóa đã chủ động báo cáo, đề xuất Ban cán sự đảng UBND tỉnh thống nhất chủ trương điều chỉnh đề án; hoàn thành bố trí 100% Trưởng CAX, thị trấn là CACQ trước ngày 31-3-2020; tiếp tục bố trí Phó Trưởng CAX và công an viên chính quy tại 267 xã, thị trấn trong năm 2020 và hoàn thành tại 146 xã còn lại trong năm 2021. Nghị quyết của Tỉnh ủy về nhiệm vụ công tác năm 2020 đã có nội dung thực hiện đề án bố trí CACQ để lãnh đạo các ngành, các cấp, các địa phương tập trung thực hiện; HĐND tỉnh đã thông qua dự toán ngân sách chi cho thực hiện Đề án trong năm 2020 số tiền 15 tỷ đồng.

Đòi hỏi đặt ra là bố trí CACQ đảm nhiệm các chức danh CAX phải bảo đảm phục vụ tốt nhất yêu cầu chính trị của tỉnh và từng địa bàn cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an và có lộ trình, bước đi phù hợp điều kiện thực tế; quá trình triển khai không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến quá trình bảo đảm ANTT ở cơ sở gắn với giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ CAX; đánh giá đúng thành tích, cống hiến của lực lượng CAX, trên cơ sở đó bố trí sắp xếp cán bộ và có chế độ chính sách phù hợp sau khi lực lượng CACQ về nhận nhiệm vụ; bố trí cán bộ CACQ đảm nhiệm các chức danh CAX phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Bộ Công an và có chế độ chính sách phù hợp, từng bước bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc, sinh hoạt để CACQ được điều động đảm nhiệm các chức danh CAX yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng CA huyện Vĩnh Lộc chia sẻ, huyện Vĩnh Lộc đặt quyết tâm cao về đích nông thôn mới trước một năm, trong đó phải đáp ứng được tiêu chí bảo đảm về ANTT, do đó công an huyện đã bố trí một số cán bộ chiến sĩ CACQ về cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, giữ gìn ANTT ở cơ sở để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới mới rút về. Sự có mặt của lực lượng CACQ đã tạo bước chuyển tích cực, được chính quyền và bà con nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ. Chủ trương đưa CACQ đảm nhiệm các chức danh CAX vừa qua rất đúng và trúng, hợp tình, hợp lý và hợp lòng dân.

Tiến độ triển khai gấp rút, diện bố trí rộng, số lượng điều động đông, giải quyết chế độ, chính sách, bố trí sắp xếp nhiệm vụ mới cho lực lượng công an bán chuyên trách nên phát sinh không ít khó khăn, thách thức. Chỉ có 14 xã, thị trấn (2,33%) có trụ sở làm việc độc lập dành cho CAX, được bố trí 1-3 phòng làm việc; vẫn còn 97,17% trụ sở CAX với diện tích sử dụng từ 9-180 m2 trong khuôn viên công sở xã, thị trấn; các trang thiết bị như bàn làm việc, ghế, tủ đựng tài liệu, giường đều là tài sản của UBND xã, số lượng và chất lượng rất hạn chế. Các xã, thị trấn trọng điểm phức tạp về ANTT được cấp chín loại công cụ hỗ trợ như loa pin, gậy điện, súng đa năng, viên đạn cao su, đèn pin đặc chủng, gậy nhựa, dùi cui cao su, khóa số 8, khóa dây trói. 

Khó khăn càng chồng chất khi vừa phải bố trí số lượng lớn cán bộ chiến sĩ CACQ đảm nhiệm các chức danh CAX (nếu hoàn thành bố trí CACQ tại tất cả các xã, thị trấn thì biên chế cấp xã sẽ chiếm 40% tổng biên chế công an tỉnh), việc thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ và bố trí CACQ xuống xã làm dôi dư khoảng 1.300 cán bộ, công chức rất khó khăn trong bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách, chưa kể số cán bộ, công chức dôi dư do giảm 76 xã, thị trấn sau sáp nhập. Mặt khác do tiêu chuẩn cán bộ bố trí đảm nhiệm các chức danh CAX phải từ trung cấp an ninh hoặc trung cấp cảnh sát trở lên, sau khi sáp nhập Cảnh sát PCCC vào công an tỉnh thì dư ra số lượng lớn cán bộ thuộc lực lượng PCCC và cán bộ tuyển dụng chưa được đào tạo văn bằng 2, cán bộ chuyên môn kỹ thuật dôi dư, dẫn tới bố trí cán bộ thêm trở ngại, đặc biệt là nguồn bố trí đối với Trưởng CAX. Do số lượng xã lớn, việc chuẩn bị cơ sở, vật chất đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, ngân sách địa phương khó có thể đáp ứng ngay, cần có thời gian để chuẩn bị kinh phí, đầu tư xây dựng các trụ sở.

Tính đến ngày 26-3-2020, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai ba đợt, hoàn thành điều động, bổ nhiệm, bố trí CACQ về đảm nhiệm các chức danh CAX ở 525/525 xã, thị trấn (đợt đầu tiên ngày 1-11-2019 điều động 254 CBCS bố trí tại 59 xã, thị trấn) theo đúng tiến độ và đúng theo các mô hình quy định tại Thông tư số 09/2019/TT-BCA của Bộ trưởng Công an. Đến ngày 29-5-2020, 401 xã, thị trấn đã bố trí đủ cơ cấu Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an và công an viên là CACQ (có từ ba CBCS trở lên và đủ điều kiện thành lập chi bộ), còn lại 124 xã mới bố trí Trưởng CAX chính quy (tạm thời tăng cường 1-2 CBCS công an cấp huyện để hỗ trợ và tiếp tục bố trí Phó Trưởng CAX, công an viên chính quy sau khi sắp xếp được Phó Trưởng CAX bán chuyên trách). 100% Trưởng CAX, thị trấn chính quy đều được đưa vào cơ cấu Đảng ủy xã, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025. 

Kết quả trên xuất phát từ sự đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự cố gắng nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng ủy, lãnh đạo công an tỉnh triển khai thực hiện Đề án một cách nghiêm túc, sáng tạo, khoa học và bài bản. 

Giải quyết hài hòa bài toán nhân sự

Công an tỉnh Thanh Hoá đã khảo sát nguồn cán bộ tại 54 đơn vị cấp phòng, công an cấp huyện, tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Công an kịp thời đề nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn về việc bố trí, sắp xếp lại Trưởng, Phó trưởng CAX bán chuyên trách để bố trí lực lượng CACQ bảo đảm bộ máy hoạt động nhịp nhàng, ăn khớp, thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước về ANTT tại địa bàn cơ sở. Nguồn cán bộ chính quy bố trí tại các xã, thị trấn là đội trưởng, Phó đội trưởng các đội công an huyện và các đội thuộc phòng nghiệp vụ của công an tỉnh, cán bộ thuộc Đội Công an phụ trách xã về ANTT, và các đội, Phòng nghiệp vụ của công an tỉnh.

Việc lựa chọn nhân sự được sàng lọc, thẩm định kỹ lưỡng trên nguyên tắc bảo đảm khách quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, đánh giá đúng trình độ, năng lực, sở trường của từng CBCS, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ tại từng địa bàn dự kiến bố trí; đồng thời gắn với cơ cấu, kiện toàn đội ngũ cán bộ chỉ huy đội và điều chỉnh biên chế giữa ba cấp công an theo hướng tăng cường cơ sở (cấp tỉnh 25%, cấp huyện 35%, cấp xã 40%).

Kỳ 1: Chủ trương đúng và trúng -0
Hội nghị triển khai đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. 

Tiêu chí tốt nghiệp Học viện ANND, CSND hệ chính quy, có trình độ, năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến ANTT ở cơ sở được đề cao, việc điều động được cân đối, tính toán phù hợp bảo đảm khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các xã, thị trấn đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác của các đơn vị công an tỉnh và công an cấp huyện. 

CAX chịu sự quản lý chỉ đạo của Trưởng Công an cấp huyện, chịu sự hướng dẫn về chuyên môn của các đội nghiệp vụ, lãnh đạo của Đảng ủy, quản lý, điều hành của UBND xã, thị trấn; có trách nhiệm tham mưu với Trưởng Công an huyện, Đảng ủy, UBND xã về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ANQG, TTATXH; tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ ANTTT trên địa bàn xã theo quy định; trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về ANTT, xây dựng lực lượng cách mạng, từng bước tiến tới chính quy. Công an thị trấn chính quy có biên chế từ 10 đến 15 cán bộ, chiến sĩ, công an xã chính quy có biên chế từ 3 đến 5 CBCS, giữ nguyên lực lương Công an viên bán chuyên trách ở thôn, bản. Thành lập tổ chức đảng CA trực thuộc đảng ủy xã, thị trấn; bố trí Trưởng CAX, thị trấn là bí thư cấp ủy CAX, thị trấn, bố trí tham gia cấp ủy xã bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác thực tiễn đặt ra, Công an tỉnh xây dựng giáo trình và mở nhiều lớp bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, vận động quần chúng và xử lý các tình huống, nắm tình hình và giải quyết các vụ việc về ANTT ở cơ sở. Trên cơ sở chương trình khung của Bộ Công an gồm 15 chuyên đề, công an Thanh Hóa biên tập lại thành 20 chuyên đề, bổ sung thêm 11 chuyên đề ngoài chương trình khung và tám chuyên đề báo cáo kinh nghiệm thực tế. Thời gian tập huấn là 19 ngày, trong đó có 30% lý thuyết, 70% là các tình huống thực tế, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, báo cáo thực tế. Trong các buổi lễ khai giảng, bế giảng các lớp bồi dưỡng, Ban Giám đốc Công an tỉnh đều tham dự, trong đó đồng chí Giám đốc trực tiếp chủ trì, đối thoại, giải đáp những thắc mắc, động viên học viên.

Tất cả công an cấp huyện đều thành lập tổ tư vấn qua điện thoại giải đáp mọi thắc mắc và tư vấn nghiệp vụ, giải quyết các sự vụ khi cơ sở liên hệ, và trang cấp cho mỗi CAX, thị trấn một bộ tài liệu nghiệp vụ cùng hệ thống biểu mẫu, sổ sách, “Sổ tay CAX” và mẫu quy chế hoạt động của CAX, hướng dẫn trình tự, thủ tục, quy định chế độ làm việc cụ thể cho lực lượng CAX; hướng dẫn việc bàn giao giữa CAX bán chuyên trách với CACQ; hướng dẫn trình tự, thủ tục đề nghị thành lập chi bộ CAX, thị trấn; quy định chế độ lề lối làm việc, giao ban, trực ban, trực chỉ huy, chế độ thông tin, báo cáo, quản lý con dấu, văn thư…

Kỳ 1: Chủ trương đúng và trúng -0
Công an xã Tam Văn, huyện Lang Chánh rà soát, tổ chức cho nhân dân khai báo y tế phòng, chống dịch Covid-19. 

Thực tế cho thấy, việc đào tạo, bồi dưỡng rất cần thiết vì khi xuống cơ sở, CBCS phải đáp ứng toàn diện các mặt công tác, chứ không chỉ đảm trách chuyên sâu một lĩnh vực, mảng công việc. Sau khi được công an tỉnh đào tạo về mặt chủ trương, phương pháp, cách làm, công an các huyện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tập trung vào các kỹ năng xử lý tình huống, vụ việc cụ thể như cách xử lý vụ đánh nhau gây thương tích, bắt vụ bạc, khi xảy ra án mạng, tai nạn giao thông, gây rối kéo đến trụ sở chính quyền; tập huấn phương pháp ứng xử, lễ tiết, tác phong, giao tiếp với nhân dân; công tác dân vận. Qua  theo dõi, kiểm tra, lãnh đạo công an các huyện đôn đốc, chỉ đạo sát sao, uốn nắn công tác chuyên môn để anh em nhanh chóng bắt nhịp, công việc chóng vào guồng. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác, nhiều lãnh đạo công an huyện còn xuống tận địa bàn, lắng nghe ý kiến đánh giá của chính quyền, ghi nhận những kiến nghị, vướng mắc, từ đó cùng các đội nghiệp vụ có hướng tháo gỡ kịp thời.

Muốn triển khai thành công, việc làm tốt công tác tư tưởng nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, sự đồng thuận cho CBCS và lực lượng CAX là khâu quan trọng khởi đầu. Nhiều CBCS viết đơn tình nguyện về cơ sở công tác bởi xác định rõ đây là dịp cọ xát, rèn luyện, thử thách đồng thời là cơ hội phát triển, trưởng thành (nếu được bổ nhiệm Trưởng CAX tương đương đội trưởng, Phó Trưởng CAX tương đương Phó đội trưởng). Một số cán bộ mặc dù ban đầu cũng không ít tâm tư, băn khoăn vì môi trường làm việc mới lạ lẫm, vất vả, nhiều thử thách, ứng trực nhiều, điều kiện làm việc, sinh hoạt không bằng ở huyện, tỉnh nhưng khi được phân tích, động viên khích lệ đã hăng hái về xã công tác.

Bố trí căn cứ đặc thù địa phương về diện tích, dân số, tình hình TTATXH (xã phức tạp về an ninh chính trị bố trí cán bộ làm công tác an ninh giỏi, địa bàn nhức nhối về  tội phạm bố trí cán bộ có năng khiếu điều tra, đánh án, cán bộ làm quản lý hành chính tốt về công tác ở các xã, thị trấn có nhiều nhà trọ, khách sạn, quán ăn…) kết hợp tính toán hài hòa, phân đúng vai, đúng sở trường và điều kiện, hoàn cảnh mỗi CBCS (bố trí chéo địa bàn nhưng xã gần nhà để quãng được đi làm không quá xa, cán bộ tỉnh về công tác ở các xã có trục đường để tiện bắt xe khách, xe buýt…) cũng tạo thêm động lực cho CBCS hồ hởi nhận nhiệm vụ mới.

Thiếu tá Bùi Ngọc Chuyên, Phó công an huyện Cẩm Thủy cho biết, đợt đầu đơn vị ưu tiên bố trí CACQ về năm xã phức tạp hơn về ANTT và hai xã có Trưởng CAX nghỉ công tác, đến nay đã bố trí đủ lực lượng CACQ ở 17 xã và thị trấn Phong Sơn. Cán bộ được sàng lọc để đáp ứng tốt công việc chứ không chỉ cốt cho đủ người, nởi làm tốt công tác ANTT ở cơ sở sẽ tạo dấu ấn tốt đẹp người chiến sĩ công an trong lòng dân, ngược lại sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành. 

Để xây dựng cơ sở pháp lý trong việc bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với lực lượng CAX bán chuyên trách, Ban chỉ đạo thực hiện đề án CAX đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố… và Nghị quyết quy định về việc ban hành chính sách hỗ trợ đối với công chức là Trưởng CAX, thị trấn và người hoạt động không chuyên trách là Phó Trưởng CAX, thị trấn và người hoạt động không chuyên trách là Phó Trưởng CAX, thị trấn dôi dư do bố trí CACQ về xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình xây dựng đề án, do nắm được dự lệnh nên nhiều xã đã chủ động điều động Trưởng CAX sang các vị trí công tác khác. Lãnh đạo công an huyện làm việc với chính quyền huyện, xã để phối hợp nhịp nhàng giải quyết hợp tình, hợp lý bài toán đầu ra cho lực lượng CAX vốn nhiều năm gắn bó, cống hiến về công tác ANTT ở địa bàn.

Trong bối cảnh đề xuất Trưởng CAX, thị trấn là công chức xã được tuyển dụng vào lực lượng công an chính quy không được phê duyệt, Trưởng CAX đủ 55 tuổi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội được bố trí nghỉ hưu theo chế độ, số còn lại bố trí chuyển sang làm công chức khác phù hợp với trình độ đào tạo và vị trí việc làm (tư pháp, hộ tịch, tài chính kế toán, văn hóa xã hội, văn phòng, thống kê, địa chính, nông nghiệp) hoặc bố trí để bầu vào chức danh khác (lãnh đạo xã, thị trấn, trưởng các đoàn thể). Tại các thị trấn bố trí Phó trưởng công an, công an viên làm nhiệm vụ khác nếu có thể bố trí như tổ quy tắc, bí thư chi bộ, trưởng thôn bản… và các chức danh không chuyên trách khác, tại các xã bố trí Phó trưởng công an xã làm nhiệm vụ khác nếu có thể bố trí như Bí thư chi bộ, trưởng phố, Trưởng Ban công tác mặt trận các thôn, bản và các chức danh không chuyên trách khác…

Đối với CAX bán chuyên trách nghỉ việc được nhận trợ cấp một lần, số tiếp tục công tác được thực hiện chế độ, chính sách bảo đảm theo quy định. Trên cơ sở bố trí phù hợp vị trí công tác mới và vận dụng, tạo điều kiện tối đa chế độ chính sách sao cho thỏa đáng, một số Trưởng CAX có bằng đại học được bố trí làm Phó CAX bán chuyên trách để đợi bầu chức danh Phó Chủ tịch UBND, HĐND xã; có trưởng công an xã không có trình độ đại học vẫn đề nghị cơ cấu chủ tịch mặt trận nhưng không trong Thường vụ. Việc điều động CACQ đảm nhiệm chức danh Trưởng CAX trước khi tổ chức đại hội Đảng bộ đã tạo thuận lợi cho việc cơ cấu đồng chí Trưởng CAX chính quy và Trưởng CAX cũ khi đã nhận nhiệm vụ mới tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã.

Một rào cản phát sinh là do thời gian thực hiện đề án gấp dẫn đến việc bố trí, sắp xếp công việc đối với lực lượng CAX bán chuyên trách có nơi còn chưa kịp thời. Nhiều người trước đây mặc dù lương thấp nhưng vẫn nhiệt tình tham gia, nay xin nghỉ việc, do đó ảnh hưởng không nhỏ tới mạng lưới chân rết ở cơ sở, gây không ít vướng mắc ban đầu trong triển khai công tác của lực lượng CACQ. Chưa kể, việc bố trí Trưởng CAX sang làm văn phòng, thống kê khó khăn vì có người không biết đánh máy; do kiện toàn các chức danh ở thôn, bản để tinh giản biên chế, công an viên phải kiêm thêm một chức danh khác nên công việc nhiều. Thế nên, nhiều địa phương đã phải tìm cách tháo gỡ, củng cố hệ thống công an viên không chỉ bằng động viên tinh thần mà còn cả các khoản hỗ trợ trong điều kiện có thể để giữ chân công an viên

Tạo điều kiện tối đa cơ sở vật chất

Trong bối cảnh khó khăn chung của buổi “vạn sự khởi đầu nan”, cơ sở vật chất có sẵn của các xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố và trang thiết bị hiện có được tận dụng để cải tạo, sửa chữa, bước đầu đã cơ bản giải quyết tốt các điều kiện thiết yếu về phòng làm việc, nơi nghỉ, sinh hoạt… phục vụ công tác của lực lượng công an cấp xã. Nhiều địa phương dành nhiều sự quan tâm như huyện Tĩnh Gia hỗ trợ tám đơn vị 885 triệu đồng để cải tạo phòng làm việc, nơi ở, mua sắm trang thiết bị; các xã thuộc huyện Hậu Lộc hỗ trợ kinh phí để CAX, thị trấn mua sắm vật dụng sinh hoạt… Huyện Cẩm Thủy hỗ trợ mỗi xã 60 triệu đồng, thị trấn 80 triệu đồng phục vụ chỉnh trang, sửa chữa phòng, mua sắm trang thiết bị, có kế hoạch xây mới trụ sở khang trang độc lập cho CAX hơn một tỷ đồng. Phó Chủ tịch HĐND xã Cẩm Châu Phạm Phi Khanh bộc bạch, dù nguồn kinh phí còn eo hẹp nhưng xã cũng khoan giếng, xây bếp ăn để anh em CACQ về công tác bớt vất vả phần nào.

Công an tỉnh cũng cấp kinh phí hỗ trợ, kịp thời chia sẻ khó khăn tạo điều kiện cho CBCS yên tâm công tác; đồng thời báo cáo Bộ Công an quan tâm trang cấp một số trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật tư; xây dựng phương án đầu tư, cải tạo nơi ở, nơi làm việc cho CBCS với tổng kinh phí dự kiến là 8,5 tỷ đồng. Quy hoạch đất xây dựng trụ sở CAX, thị trấn độc lập áp dụng các tiêu chuẩn, định mức bố trí đất, trụ sở làm việc cho CAX, thị trấn chính quy như đối với Công an phường (bình quân 80 m2/người). Tại trụ sở Công an các xã được trang bị các thiết bị văn phòng và phục vụ sinh hoạt tối thiểu như ti vi, bàn, ghế, điện thoại cố định, tủ đựng tài liệu, giường ngủ, máy tính, quạt, dụng cụ bếp ăn tập thể…; được cấp phát biển hiệu trụ sở, biển hiệu phòng làm việc của chỉ huy, biển trực ban, trực tiếp công dân, băng trực ban, bảng phân trực. 

Bên cạnh trụ sở CAX ở các xã nông thôn mới khang trang, có tới 2-6 phòng làm việc và sinh hoạt, vẫn còn không ít xã cơ sở vật chất còn hạn chế nên điều kiện làm việc và sinh hoạt cho CACQ còn thiếu thốn, nhất là nơi ngủ nghỉ, nhà tắm, bếp, khu vệ sinh. Công an thị trấn Phong Sơn tận dụng cơ sở trạm y tế xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy) sau khi sáp nhập, mặc dù đã được sơn sửa lại, ủy ban thị trấn hỗ trợ lắp nóng lạnh nhưng vào những ngày hè còn rất nóng bức. Trụ sở CAX Kiên Thọ (Ngọc Lặc) xây dựng đã hơn 30 năm nay xuống cấp, tường bục, rơi vãi, bục, nhà mái tôn mùa hè oi nóng, mùa mưa lại ngập do sân thấp hơn đường.

Đại úy Lê Trường Thành, Trưởng CAX Quảng Minh (Sầm Sơn) bộc bạch, do phòng làm việc chung với UBND xã nên việc áp giải đối tượng bất tiện, đấu tranh với đối tượng khó khăn, khó giữ bí mật cho người báo tin, anh em ứng trực 24/24 cả ngày tại trụ sở nhưng chưa có khu vệ sinh riêng. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Minh Nguyễn Huy Cương đồng cảm, mặc dù đã quy hoạch khu mới riêng cho CACQ nhưng nguồn ngân sách địa phương khó khăn, chưa bố trí được kinh phí nên chưa xây được trụ sở, cơ bản chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu ban đầu. 

Trưởng Công an huyện Ngọc Lặc Đỗ Xuân Sơn: Nếu áp dụng cứng nhắc định biên CAX ở mỗi xã là chưa phù hợp, bởi thực tế trên địa bàn huyện có xã nhiều năm nay tình hình ANTT rất ổn định, số dân chỉ vài nghìn, trong khi có những xã rất đông dân, tình hình ANTT phức tạp. Do đó cần có sự tính toán biên chế phù hợp. Để đáp ứng thành lập chi bộ CACQ đảm nhiệm các chức danh CAX ở các xã phải có ít nhất ba đảng viên, trong khi một số cán bộ chiến sĩ trẻ, ý thức phấn đấu chưa cao muốn đưa về cơ sở để cọ xát, trưởng thành nhưng vì chưa được kết nạp đảng nên việc điều động còn gặp khó.

Thượng úy Hà Minh Trung, Trưởng CAX Minh Sơn (Ngọc Lặc): Trụ sở CAX chung với trạm y tế xã nên điều kiện sinh hoạt vất vả, chưa có bếp ăn nên CBCS vẫn phải ăn cơm quán. Phòng làm việc chật chội nên khi tiếp dân, bà con tới đông phải kê bàn, lắp quạt ở ngoài hành lang để người dân ngồi kê khai, rất bất tiện. Chưa kể, có vụ bắt giữ tới chín đối tượng, phải mượn hội trường trạm y tế để canh giữ, do đó mong muốn sớm được quan tâm đầu tư trụ sở độc lập để anh em yên tâm công tác, gắn bó với cơ sở.