Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

NDO -

Ngày 19-9, tại Trụ sở T.Ư Đảng, tập thể Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Duy Linh).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Duy Linh).

Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân…; đại diện lãnh đạo các ban tham mưu của Trung ương Đảng.

Sau khi nghe Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội báo cáo; báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các cơ quan Trung ương, các đồng chí trong Bộ Chính trị cho ý kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đồng chí cơ bản đồng tình với các báo cáo; ý kiến phát biểu tại buổi làm việc và hoan nghênh, đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện nghiêm túc, khoa học, đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Trong quá trình chuẩn bị, Thành ủy Hà Nội đã sơ kết, tổng kết tám chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa 16 được triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua. Song, báo cáo cần phân tích mang tính tổng kết có so sánh với vùng, miền, cả nước, với nhiệm kỳ trước, nâng cao hơn nữa tính khái quát, tính lãnh đạo của Báo cáo chính trị.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 16, Bộ Chính trị cho rằng, Đảng bộ thành phố có nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt, đạt kết quả quan trọng và khá toàn diện; hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 7,39%; năm 2020 quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp. Đến cuối năm 2020, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 96,1%, hoàn thành mục tiêu đề ra trước hai năm. Đảng bộ thành phố gương mẫu, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Thành ủy cần lưu ý một số yếu kém, như kinh tế tăng trưởng khá, nhưng chưa tạo được các đột phá lớn và chưa tương xướng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Các chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) ở vị trí thấp so với  cả nước. Chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông còn hạn chế; xử lý ô nhiễm môi trường không khí, kiểm soát và quản lý chất thải,… chưa đạt kế hoạch. Việc xử lý úng ngập, ùn tắc giao thông còn nhiều thách thức. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cở sở còn thấp; cá biệt có cấp ủy mất vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra vụ việc nổi cộm, phức tạp trở thành điểm nóng. Còn có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một số cán bộ, đảng viên; cá biệt có đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm, bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Bộ Chính trị mong rằng, báo cáo cần phân tích sâu nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, làm cơ sở đề ra các giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Với GRDP/người đạt 5.420 USD, Hà Nội đã bước sang giai đoạn phát triển mới, khác về chất, do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung, đánh giá về một số chỉ tiêu phản ánh tính bền vững của tăng trưởng, như GRDP xanh, chỉ số phát triển con người (HDI), tuổi thọ, chỉ số bền vững môi trường (ESI),… Cần có đánh giá về vai trò trung tâm của Thủ đô với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, nhất là vai trò “đầu tàu”, “chia sẻ lợi ích” với các địa phương. Hà Nội cần hướng tới trình độ phát triển mang tầm khu vực và quốc tế; do vậy khi đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản, các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng cần được so sánh với một số thành phố phát triển của khu vực và châu Á để xác định về tầm ảnh hưởng của Thủ đô và các tiêu chí “thành phố đáng sống” để định vị được Thủ đô trong tương quan với thủ đô các nước trong khu vực và thế giới. Cần phân tích sâu hơn nữa nguyên nhân của việc thành phố chưa tạo ra được các đột phá lớn cho phát triển kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đội ngũ cán bộ; làm rõ hơn việc thực hiện các cơ chế, chính sách để phát triển thủ đô.

Về mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, nên theo lộ trình “phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, văn minh, hiện đại; nơi người dân có mức sống cao; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực Đông - Nam Á vào năm 2025, với châu Á vào năm 2030, với thế giới vào năm 2045”. Chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đảng bộ thành phố Hà Nội cần nhận thức sâu sắc đầy đủ hơn nữa vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng và trách nhiệm của thủ đô - trái tim của cả nước; thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; là bộ mặt của quốc gia; là thành phố vì hòa bình và có mối quan hệ quốc tế sâu rộng. Hà Nội là Thủ đô anh hùng, hòa bình và hữu nghĩ, có lịch sử nghìn năm văn hiến, có bề dày lịch sử, có truyền thống cách mạng vẻ vang; là nơi lắng hồn sông núi; linh thiêng và hào hoa, địa linh, nhân kiệt,... Đó là niềm tin và tự hào của nhân dân thủ đô. Hà Nội giờ đây hoàn toàn khác, không chỉ 36 phố phường mà có quy mô lớn và chưa bao giờ có vị thế, tầm vóc như ngày nay. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng bộ thành phố Hà Nội cần nhận thức thật sâu sắc những lợi thế đó, để khơi dậy niềm tự hào, tự tin, tự trọng và cũng qua đó thấy rõ trách nhiệm của mình trong xây dựng và phát triển thủ đô cũng như trách nhiệm với cả nước. Vì thế, yêu cầu đặt ra với Đảng bộ thành phố Hà Nội phải cao hơn các địa phương khác; Hà Nội phải gương mẫu đi đầu, làm gương trên tất cả mọi lĩnh vực; sau đại hội lần này phải tạo bước chuyển mới thật sự. Đây là yêu cầu khách quan, phải phát triển toàn diện các lĩnh vực. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ rất quan trọng, Hà Nội dứt khoát phải có kinh tế phát triển, nhưng lớn hơn Hà Nội phải thật sự xứng đáng là một trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam và nói đến Hà Nội là phải nói đến văn hóa, nói đến xây dựng con người Hà Nội văn minh, hào hoa, thanh lịch. Không thể coi nhẹ phát triển kinh tế, nhưng phát triền kinh tế một cách có văn hóa, có tầm nhìn, có quy hoạch,... Đồng thời Hà Nội cần đặc biệt quan tâm vấn đề quản lý đô thị, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội,…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, để hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên, Đảng bộ thành phố cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức và con người; làm bài bản, phân công trách nhiệm rõ ràng, có kiểm tra; làm tốt thì khen thưởng, vi phạm thì xử lý kỷ luật nghiêm minh. Cấp ủy, tổ chức đảng phải tốt, lãnh đạo phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết phối hợp nhịp nhàng và hành động quyết liệt; tuyệt đối không được thỏa mãn với thành tích đã đạt được. Cần tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và các cơ quan trung ương phải quan tâm, có trách nhiệm với Hà Nội; đồng thời, Hà Nội cũng phải phối hợp tốt với các địa phương để tận dụng thế mạnh của từng nơi; Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội. Đại hội Đảng bộ thành phố lần này cần quán triệt tinh thần đó, tập trung bàn thực hiện những định hướng đó. 

Thống nhất với mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị thành phố cần có kế hoạch cụ thể năm năm tới, cái gì làm trước, cái gì làm sau cho thật bài bản, phù hợp; chống mọi tiêu cực, lãng phí. Từ đó, đề ra các tiêu chuẩn về cán bộ, chọn cán bộ, bố trí cán bộ cho đúng, chọn người có trình độ, có phẩm chất, tâm huyết, bản lĩnh, năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới,…