Bế mạc phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều qua 14-7, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau hai ngày làm việc với tinh thần tích cực, trách nhiệm, Ủy ban TVQH đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Tại phiên họp này, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Cũng tại phiên họp, Ủy ban TVQH thảo luận về việc tổng kết kỳ họp thứ chín và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10 của QH khóa XIV; xem xét công tác nhân sự và nhiều nội dung khác. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên họp này, các cơ quan của QH phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để tiếp tục thực hiện những kết luận của Ủy ban TVQH. Chủ tịch QH đề nghị trên cơ sở kết quả kỳ họp thứ chín, các cơ quan liên quan cần chủ động chuẩn bị các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 10 tới đây.

Trước khi bế mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, Ủy ban TVQH đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2, mục I của Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1, Ðiều 1 của Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14. Theo báo cáo của Vietnam Airlines, tính đến hết quý II-2020, số chuyến bay, số lượng khách vận chuyển giảm gần 90% so với kế hoạch, dẫn đến doanh thu sụt giảm hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp hàng không đối mặt với nguy cơ bị phá sản. Ðể kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm phù hợp nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường, việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là một trong những giải pháp cần thiết. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Tiếp đó, Ủy ban TVQH xem xét quyết định việc bổ sung sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. Theo Ủy ban TVQH, việc này cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn sự tác động trong đời sống. SGK không phải là mặt hàng của Nhà nước định giá theo Luật Giá, vì thế đề nghị Chính phủ rà soát lại. Trong trường hợp cần thiết, cấp bách, báo cáo QH ở cấp độ ban hành nghị quyết hoặc cấp độ cao hơn là sửa luật về giá. Do đó, Ủy ban TVQH không đồng ý quyết định việc bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Sáng qua, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, Ủy ban TVQH cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Ðánh giá về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thời gian qua, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển và một số đại biểu cho rằng, nghệ thuật là nhân sinh, phản ánh thời cuộc, nhưng thời gian vừa qua không thiếu các cuộc thi, buổi biểu diễn văn hóa, văn nghệ lệch lạc, méo mó hiện diện trong đời sống. Có những cuộc thi, biểu diễn nghệ thuật chạy theo thị hiếu tầm thường, không phù hợp thuần phong, mỹ tục của Việt Nam… cần phải loại bỏ. Một số đại biểu đề nghị cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ để phát triển văn hóa nghệ thuật bảo đảm đúng định hướng… Kết luận nội dung này, đồng chí Tòng Thị Phóng nêu rõ: Việc sửa đổi Nghị định phải phát huy sức sáng tạo của các nghệ sĩ để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu dự thảo Nghị định; giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH; các bộ, ngành hữu quan tiếp tục góp ý kiến, thẩm tra, xem xét kỹ lưỡng việc ban hành nghị định này.

Tiếp theo, Ủy ban TVQH tiến hành tổng kết kỳ họp thứ chín và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10 của QH. Tại báo cáo tổng kết kỳ họp thứ chín, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dù chỉ diễn ra trong 19 ngày làm việc, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và đổi mới, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Chương trình kỳ họp được xây dựng khoa học, chặt chẽ, phù hợp tính chất từng nội dung và từng đợt họp; được điều chỉnh kịp thời, linh hoạt sát diễn biến thực tế của kỳ họp. Về kỳ họp thứ 10 sắp tới, QH khóa XIV, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu QH đề nghị kỳ họp thứ 10 tiếp tục được tổ chức thành hai đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp thứ 10 là 18 ngày. Trong đó, đợt một chín ngày, bắt đầu ngày 19-10, kết thúc ngày 28-10; đợt hai chín ngày, từ ngày 3-11 và bế mạc kỳ họp vào ngày 12-11.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ủy ban TVQH nhất trí kỳ họp thứ 10 được tổ chức thành hai đợt, một đợt trực tuyến và một đợt tập trung. Ủy ban TVQH giao Tổng Thư ký QH tiếp thu ý kiến của Ủy ban TVQH bố trí thời gian theo nguyên tắc các nội dung thảo luận, cho ý kiến đưa vào đợt họp một và các nội dung quyết định, công tác nhân sự, chất vấn, thảo luận về kinh tế - xã hội sẽ vào đợt hai. Xem xét bố trí giảm thời gian thảo luận tổ, tăng thời gian thảo luận tại hội trường; đề nghị xin ý kiến đại biểu QH về thời gian phát biểu tại hội trường từ bảy phút giảm xuống còn năm phút, nâng cao chất lượng phát biểu của đại biểu QH.