Bế mạc phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

NDO -

NDĐT - Sáng nay, 25-3, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết thúc chương trình làm việc hai ngày rưỡi với nhiều nội dung quan trọng và bế mạc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh:quochoi.vn)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh:quochoi.vn)

Không để tình hình dịch bệnh làm đình trệ công việc chung

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đầu tháng 4, Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến đại biểu chuyên trách để cho ý kiến về những vấn đề lớn, còn khác nhau về một số dự án luật trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai các kết luận của từng nội dung để thực hiện các bước tiếp theo, nhất là nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý bảy dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đến đầu tháng 4, nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải xem xét, thảo luận, quyết định về thời gian tổ chức kỳ họp thứ chín, Quốc hội Khóa XIV.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải rà soát tất cả các trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam hoặc người Việt Nam trở về từ nước ngoài đang lưu trú, sinh sống trên địa bàn, nắm chắc từng trường hợp để ngăn chặn việc lây lan cộng đồng.

Với tình hình dịch bệnh phức tạp, cần thực hiện tốt các quy định của pháp luật, theo dõi và chấp hành đúng các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các khuyến cáo của ngành y tế trong việc hạn chế ra ngoài, không tập trung đông người và đeo khẩu trang.

Đồng thời, cần chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong bộ máy hành chính Nhà nước, không vì dịch bệnh mà đình trệ công việc. Tất cả các công việc phải được tiến hành trôi chảy theo kế hoạch thông qua việc thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua dịch vụ công trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần này để tổ chức công việc đúng theo kế hoạch đề ra.

Bên cạnh phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp để ổn định kinh tế - xã hội, nhất là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long...

Chia sẻ và đồng cảm với tình hình khó khăn của người dân hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời điểm này rất cần sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị để vượt qua khó khăn, bảo đảm tình hình đất nước ổn định, quan tâm chăm lo đời sống nhân dân.

Về phía Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần theo dõi, nắm tình hình và phối hợp các cơ quan của Chính phủ. Các Ủy ban của Quốc hội cũng tổ chức họp trực tuyến. Đồng thời, lưu ý việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư của người dân vẫn tiếp tục theo dõi, không để đình trệ việc giải quyết những vấn đề, bức xúc của người dân, kịp thời xử lý theo đúng quy định pháp luật chuyển đơn thông báo trả lời hay xử lý theo thẩm quyền…

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với các dự án luật, gồm: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Biên phòng Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện nội dung, gửi tài liệu để các đại biểu nghiên cứu, chuẩn bị nội dung tham gia, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện, bảo đảm trang thiết bị, đường truyền phục vụ các cuộc họp.

Để chuẩn bị nội dung phiên họp thứ 44 sắp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ xem xét kỹ lưỡng tính cấp thiết và khả năng chuẩn bị trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chương trình phiên họp.

Phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị bảo vệ biên giới quốc gia

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Quốc phòng trình bày tờ trình dự án Luật Biên phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, dự thảo luật gồm 7 chương, 34 điều, nội dung xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của bộ đội biên phòng và chuẩn hóa, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ đội biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Về sự cần thiết ban hành luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Mặt khác, xây dựng luật lần này bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và các văn bản pháp luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ đội Biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra, có ý kiến cho rằng, Tờ trình chưa làm rõ được sự cần thiết ban hành luật nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia tại Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Có ý kiến cho rằng, một số quy định của dự thảo luật chưa bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tránh chồng chéo với các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi…

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình, nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, tại các tuyến biên giới, đặc biệt là biên giới trên bộ, còn rất nhiều khó khăn về mọi mặt, cần sự quan tâm đầu tư, xây dựng để phát triển vững mạnh. Do đó, việc nâng Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng trở thành Luật Biên phòng Việt Nam và mở rộng phạm vi là hết sức cần thiết.

Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình về tên gọi và chủ trương ban hành luật. Tham gia ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, nội dung luật phải phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ biên giới quốc gia.

Cho rằng một số quy định trong Luật Biên phòng Việt Nam liên quan các luật khác cần được nghiên cứu thấu đáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, lực lượng Bộ đội Biên phòng là nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ biên giới, nhưng đồng thời cũng đang thực hiện các nhiệm vụ khác như giáo dục, y tế, tăng cường đội ngũ cán bộ tại cơ sở… Do đó, chính sách của Nhà nước đối với lực lượng Biên phòng cần được thể hiện rõ trong luật. Dự án luật đã đủ điều kiện trình ra Quốc hội, nhưng cần tiếp tục tiếp thu các ý kiến thảo luận sau phiên họp để nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo giải trình.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật; Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiến hành thẩm tra, gửi báo cáo trình Quốc hội theo quy định.

Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24-12-2016 quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét về số lượng Thứ trưởng Bộ Công an theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.