Bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội

NDO -

NDĐT - Điện lực có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống điện quốc gia đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Để giải quyết những khó khăn này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đưa ra nhóm giải pháp trọng tâm để bảo đảm cung ứng đủ điện cho đầu tư phát triển trong giai đoạn tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham gia giải trình trước Quốc hội sáng 7-11.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham gia giải trình trước Quốc hội sáng 7-11.

Sáng 7-11, phát biểu giải trình trước Quốc hội đối với những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan tới việc phát triển hệ thống điện quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu rõ những khó khăn, đồng thời đưa ra nhóm giải pháp trọng tâm để bảo đảm cung ứng đủ điện cho đầu tư phát triển trong giai đoạn tới.

Khó khăn trong phát triển hệ thống điện đòi hỏi các giải pháp quyết liệt

Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, tuy điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng ngành điện (trong đó cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công thương, các tập đoàn kinh tế nhà nước với nòng cốt là EVN) cùng các nhà đầu tư đã nỗ lực cố gắng để đầu tư phát triển và quản lý hệ thống điện. Từ đó, đã cơ bản bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2019, cả nước dự kiến điện năng sản xuất được đạt khoảng 240 tỷ kWh, tăng hơn 10% so với năm 2018. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống điện đang gặp nhiều khó khăn, nếu không có các giải pháp quyết liệt thì nguy cơ thiếu điện trong những năm tới là rất cao.

Thứ nhất, thời gian qua cơ cấu nguồn điện có sự thay đổi nhanh chóng dẫn đến việc sắp tới phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để bổ sung thêm các nguồn điện mới bù đắp cho các nguồn điện bị thiếu hụt trong sơ đồ điều chỉnh.

Việc đầu tư các dự án nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn do có những quan ngại về ô nhiễm môi trường. Nhiều dự án lớn chậm tiến độ, trong số 60 dự án có công suất từ 200 MW trở lên thì có đến 35 dự án chậm tiến độ từ một năm trở lên với công suất khoảng 39.000 MW. Điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung ứng điện giai đoạn 2021 - 2023.

Bên cạnh đó, nguồn thủy điện mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng hiện đã khai thác cơ bản hết công suất (khoảng 20.000 MW). Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh Quy hoạch Điện 7, tăng thêm nguồn điện tái tạo và các nguồn điện khác để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn điện.

Sau gần hai năm, tính đến tháng 6-2019, ngành điện đã bổ sung được 4.500 MW điện mặt trời và gần 400 MW điện gió. Đây là nguồn điện tái tạo có nhiều ưu việt như: không gây ô nhiễm môi trường, không bị lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Qua đó, giá điện được cơ bản giữ ổn định và có xu hướng giảm.

Riêng đối với nguồn điện sạch dạng này, việc đầu tư phân tán, dễ huy động vốn cả trong và ngoài nước, cộng với quản lý đơn giản nên rất phù hợp với điều kiện, tiềm năng của Việt Nam.

Thứ hai, hiện nay nhu cầu đầu tư cho phát triển nguồn điện và lưới truyền tải rất lớn. Theo giá hiện tại, từ nay đến năm 2030 nước ta cần phải đầu tư khoảng 130 tỷ USD, bình quân đầu tư 12 tỷ USD/năm (trong đó chín tỷ USD/năm cho nguồn điện và ba tỷ USD cho lưới điện). Do nhu cầu đầu tư lớn nên việc huy động vốn của các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài hiện gặp khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn.

Thứ ba, việc đầu tư nguồn điện còn mất cân đối giữa các vùng miền. Hơn nữa, yêu cầu phải đầu tư thêm đường dây truyền tải lớn (500 KV) cũng dẫn đến việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, việc giải tỏa công suất của nguồn điện tái tạo tại một số địa phương gặp nhiều khó khăn do việc đầu tư đường truyền tải chậm tiến độ.

Thứ năm, nhu cầu nhiên liệu sử dụng cho phát triển điện ngày càng lớn, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu than và khí hóa lỏng LNG ngày càng nhiều. Theo tính toán, đến năm 2025, nước ta cần phải nhập khẩu khoảng 31 triệu tấn than và 2,2 triệu tấn LNG. Đến năm 2030, là khoảng 50 triệu tấn than và 12,5 triệu tấn LNG.

Bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu câu hỏi chất vấn về các giải pháp để bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển.

Các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện cho đầu tư phát triển

Qua phân tích từ những khó khăn nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm cung ứng đủ điện cho đầu tư phát triển trong giai đoạn tới.

Một là, phải tập trung lập Quy hoạch Điện 8 giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng đổi mới công tác lập quy hoạch. Trong đó xác định Quy hoạch chủ yếu tập trung vào việc xác định quy mô công suất nguồn điện cho từng giai đoạn. Theo dự kiến, quy mô nguồn điện năm 2020 là 65.000 MW, năm 2025 là 100.000 MW và năm 2030 là 130.000 MW.

Đồng thời, cần xác định cơ cấu nguồn điện theo hướng: ổn định nguồn thủy điện, giảm nguồn điện than, tăng nguồn điện khí (cả khí tự nhiên và khí hóa lỏng LNG), nâng mức năng lượng điện tái tạo (tổng cộng điện mặt trời và điện gió chiếm 26-30% tổng công suất nguồn điện).

Bên cạnh đó, cần xem xét sổ sung nguồn điện nhập khẩu. Chú trọng xác định không gian phân bổ nguồn điện, bố trí đầu tư nguồn điện phù hợp với lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng, mỗi địa phương gắn với nhu cầu sử dụng điện. Ngoài ra cần quy hoạch hệ thống truyền tải điện đáp ứng giải tỏa công suất và truyền dẫn, bảo đảm hiệu quả.

Hai là, trong thời gian chưa hoàn thành Quy hoạch Điện 8, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét điều chỉnh cơ cấu nguồn điện và điều chỉnh Quy hoạch nguồn điện, đường dây truyền tải để làm cơ sở huy động nguồn lực đầu tư phát triển nguồn điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời, điện gió và bổ sung thêm các dự án điện khí.

Ba là, trên cơ sở Quy hoạch, yêu cầu Bộ Công thương xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn, từ đó xác định các dự án ưu tiên để huy động vốn đầu tư.

Bốn là, tập trung tháo gỡ khó khăn, để sớm đưa các dự án trọng điểm, chậm tiến độ hoàn thành đi vào hoạt động. Thí dụ như Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1,...

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư để thực hiện đầu tư xây dựng, như: Nhơn Trạch 3,4; Nhà máy điện Quảng Trạch, Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái, Ninh Thuận,...

Năm là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hai chuỗi điện khí lớn là Cá voi xanh và Lô B. Trong đó, mỏ khí Lô B có trữ lượng 86 tỷ m3 chỉ phục vụ cho cụm điện khí Ô Môn. Theo tính toán, với tổng trữ lượng khí hơn 80 tỷ m3 sẽ đủ để cung cấp cho bốn nhà máy với tổng công suất 3.600 KW trong 20 năm. Mỏ khí Cá voi xanh có trữ lượng 150 tỷ m3 sẽ cung cấp cho năm nhà máy điện với tổng công suất khoảng 4.000 MW.

Sáu là, sớm xác định quy mô nguồn điện tại các cụm điện khí LNG như Sơn Mỹ, Long Sơn, Cà Ná, Bạc Liêu... trong tổng thể Quy hoạch Điện 8. Trong đó dự kiến gắn quy mô nguồn điện với phát triển các kho cảng khí.

Bảy là, thực hiện nhập khẩu điện bảo đảm nhu cầu điện gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh.

Về việc này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, hợp tác với Lào là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, có hợp tác về mua bán điện giữa hai nước trên cơ sở hai nước tranh thủ những lợi thế của nhau và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đây là nguồn điện sạch và rất cần cho phát triển của hai nước.

Tám là, tập trung thực hiện các dự án truyền tải điện, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ đường dây 500 KV Mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - PleiKu) để bảo đảm giải tỏa công suất các trung tâm điện lực và đáp ứng truyền tải điện cho khu vực phía nam cũng như khu vực nông thôn, vùng núi, hải đảo.

Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư lưới điện, nhằm giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió.

Chín là, tăng cường các biện pháp giảm tổn thất điện năng và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Cuối cùng, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ chế đặc thù, để tháo gỡ khó khăn trong việc đầu tư nguồn điện và huy động vốn cho phát triển ngành điện.