Bảo đảm chỉ tiêu thu ngân sách trong tình hình mới

Dịch Covid-19 vẫn đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động giao thương của Việt Nam. Trong bối cảnh này, ngành hải quan đã nêu cao tinh thần hỗ trợ khơi thông hoạt động xuất, nhập khẩu và quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao.

Hiện nay, hàng nông sản của Việt Nam đang vào chính vụ cần xuất khẩu, mặt khác, các doanh nghiệp cũng cạn nguyên liệu dự trữ phục vụ sản xuất và nhu cầu nhập nguyên liệu tăng cao... Triển khai các giải pháp hỗ trợ, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan phối hợp tổ chức hội đàm với cơ quan chức năng các nước để giải tỏa ách tắc hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu, thúc đẩy hàng nông sản Việt Nam xuất qua đường bộ, đồng thời tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Các đơn vị hải quan đang thực hiện tạm dừng hoặc giãn thời gian kiểm tra sau thông quan, thanh tra trong năm 2020, chấp nhận C/O cấp dưới dạng điện tử, kéo dài thời gian chậm nộp C/O. Cùng với đó, trình Bộ Tài chính ban hành các quyết định về Danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng văn bản hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục miễn thuế, chế độ báo cáo đối với hàng hóa được miễn thuế. Ngành cũng linh hoạt áp dụng các quy định hiện hành cho phù hợp thực tế để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý, như: Không yêu cầu phải nộp chứng từ chứng minh đối với trường hợp hàng hóa được vận chuyển nguyên công-ten-nơ, nguyên chì từ nước xuất khẩu đến khi đến Việt Nam; không xử phạt vi phạm hành chính đối với phương tiện vận tải quá thời hạn tái nhập, tái xuất nếu có tài liệu xác định thuộc trường hợp bất khả kháng… Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), góp phần rút ngắn thời gian thông quan, cũng được ngành hải quan áp dụng triệt để.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, tổng thu ngân sách sáu tháng đầu năm 2020 là hơn 149 nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ đạt 41,98% chỉ tiêu phấn đấu (giảm 15,53% so cùng kỳ năm 2019). Do vậy, những tháng cuối năm 2020, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các cục hải quan đóng trên địa bàn có chung đường biên giới đất liền với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, phối hợp các lực lượng chức năng tại cửa khẩu duy trì các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch, bảo đảm hoạt động thông quan, tránh ùn tắc hàng tại cửa khẩu. Trong đó, tích cực trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin với cơ quan hải quan các nước khi giải quyết TTHC theo Cơ chế một cửa quốc gia; gửi, tiếp nhận, trả kết quả thực hiện TTHC và giải đáp vướng mắc qua Cổng Thông tin một cửa quốc gia; áp dụng chữ ký số trong phát hành văn bản điện tử, tăng cường dịch vụ công trực tuyến. Phối hợp các bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện TTHC liên quan cấp giấy phép, kiểm tra chuyên ngành thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; thực hiện kết nối thông tin trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, nhằm giúp việc thông quan hàng hóa thông suốt. Ngành cũng tiến hành nâng cấp hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu bảo đảm việc truyền, nhận dữ liệu, xử lý nhanh chóng, phối hợp Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế và các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp nộp thuế điện tử và thông quan tại tất cả thời điểm trong ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ nhằm rút ngắn thời gian giải phóng hàng.

Công tác đơn giản hóa TTHC cũng được ngành triển khai mạnh, như: đơn giản hóa bộ hồ sơ hải quan bằng việc bãi bỏ quy định nộp các chứng từ không cần thiết hoặc đã có trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, hạn chế việc nộp các chứng từ dưới dạng bản giấy; không yêu cầu thực hiện các TTHC nếu đã thực hiện được trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; tăng cường trang bị máy móc, thiết bị hỗ trợ công chức hải quan trong quá trình kiểm tra thực tế, giám sát việc vận chuyển hàng hóa; áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, giảm tỷ lệ luồng vàng, luồng đỏ, tăng tỷ lệ luồng xanh. Rà soát sửa đổi, bãi bỏ các văn bản chỉ đạo liên quan nội dung quản lý, kiểm tra, việc kiểm tra chỉ áp dụng trong một giai đoạn nhất định, với doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cụ thể, cắt giảm các trường hợp phải lấy mẫu để phân tích, giám định, phân loại hàng hóa, đồng thời rút ngắn thời gian trả mẫu, nâng tỷ lệ thông báo kết quả phân tích, phân loại trước hạn và đúng hạn. Đẩy mạnh hoạt động thu thập, phân tích thông tin để phát hiện dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro; chuẩn bị kỹ kế hoạch trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, bảo đảm các cuộc kiểm tra sau thông quan hiệu quả, không ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ trong các hiệp định thương mại mà không ảnh hưởng chuỗi cung ứng hàng hóa, Tổng cục Hải quan đề xuất triển khai cơ chế cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ dưới dạng dữ liệu điện tử, bảo đảm tính liên thông giữa cơ quan cấp của nước xuất khẩu với cơ quan hải quan nước nhập khẩu. Phối hợp đàm phán, triển khai cơ chế thừa nhận kết quả kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật giữa các quốc gia trên cơ sở tuân thủ các nội dung đã cam kết. Bên cạnh đó, thống nhất mã số hàng hóa phù hợp các nước khác, nhất là khối EU để giảm bớt khó khăn khi áp mã thuế, bảo đảm kiểm soát được việc kê khai thống nhất.