Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV

Bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh

Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế (TTQT), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, Luật TTQT có vai trò tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc hơn để thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế, đáp ứng những nhu cầu về pháp luật và thực tiễn đặt ra. Xây dựng Luật TTQT nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác TTQT. Trong

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu ý kiến thảo luận trực tuyến tại điểm cầu. Ảnh: DUY LINH
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu ý kiến thảo luận trực tuyến tại điểm cầu. Ảnh: DUY LINH

Trình bày dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2021, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, căn cứ đặc điểm, tình hình đặc thù của năm 2021 - năm cuối nhiệm kỳ khóa XIV và đầu nhiệm kỳ khóa XV, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH dự kiến báo cáo QH cho phép không đề xuất nội dung giám sát chuyên đề vào Chương trình giám sát năm 2021 của QH. Chương trình giám sát của QH năm 2021 sẽ có một số nội dung như: Xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Chủ tịch nước, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; xem xét các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020…

Thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 (Chương trình), đa số các đại biểu tán thành với tinh thần ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị T.Ư, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các điều ước quốc tế mới được QH phê chuẩn, các luật mới được QH ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang); Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cùng một số đại biểu QH cho rằng, cần chấm dứt tình trạng xin lùi, xin rút các dự án Luật. Điển hình như việc xin rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình. Bởi lẽ, đất đai đang là một vấn đề “nóng” được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Vấn đề quản lý đất đai trong thời gian qua còn nhiều bất cập, yếu kém. Phần lớn khiếu nại trong xã hội có nguyên nhân xuất phát từ các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai. Trong khi đó, Luật Đất đai hiện hành còn một số quy định chung chung, chưa rõ ràng dẫn đến khó hiểu, khó áp dụng. Cử tri, nhân dân cả nước đều mong mỏi có bộ luật về đất đai đầy đủ, rõ ràng để việc chấp hành pháp luật các quy định về đất đai được thực hiện nghiêm minh.

Các đại biểu QH đề nghị, những cá nhân, tổ chức làm công tác xây dựng luật cần đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Đối với các dự án luật không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng và tiến độ cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cần có giải pháp kiên quyết xử lý để tiến tới chấm dứt tình trạng này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cùng một số đại biểu QH có ý kiến, dự án Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi, nếu đúng theo kế hoạch, trong kỳ họp thứ chín sẽ được thông qua. Tuy nhiên, do những vướng mắc, cho nên dự án luật này đang phải xin lùi. Thực tế, việc khám, chữa bệnh đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Đề nghị các cơ quan liên quan cần đưa dự án luật ra trình, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới đây.

Buổi chiều, QH đã nghe Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, đề cập việc phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong xây dựng VBQPPL, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang), Đinh Thị Hồng Minh (Quảng Ngãi) và một số đại biểu khác tán thành việc bổ sung vào Điều 6 của dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã quy định rõ thời điểm phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản và văn bản phản biện xã hội (nếu có) phải được gửi kèm theo hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động tham gia góp ý kiến về dự thảo VBQPPL của MTTQ trong thời gian vừa qua gặp khó khăn, hạn chế nhất định ở địa phương. Để bảo đảm tính hiệu quả phản biện xã hội của MTTQ trong xây dựng VBQPPL cần xem xét giới hạn, phạm vi phản biện và chỉ áp dụng phản biện xã hội với trường hợp Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết, để quy định biện pháp có tính chất đặc thù, phù hợp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các trường hợp khác nếu thấy cần thiết thì MTTQ Việt Nam tham gia góp ý bằng dự thảo văn bản.

Về nội dung này, có ý kiến đề nghị, bổ sung các đoàn thể chính trị, xã hội vào dự thảo Luật để bảo đảm thể hiện toàn diện chủ thể phản biện xã hội. Bên cạnh đó, QH, UBTVQH cần có giải pháp mạnh mẽ trong thời gian tới đối với các cơ quan trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về lấy ý kiến, tham gia ý kiến, tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ.

Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) và một số đại biểu cho rằng, có sự xung đột trong việc áp dụng ưu tiên pháp luật chuyên ngành và ưu tiên áp dụng văn bản ban hành sau. Dự thảo Luật lần này chưa quy định việc áp dụng các nguyên tắc trong trường hợp cụ thể, cũng như việc xác định thứ tự ưu tiên khi áp dụng, dẫn đến mâu thuẫn trong lựa chọn áp dụng luật chuyên ngành hay thời điểm ban hành trong những tình huống cụ thể. Về lâu dài, có thể nghiên cứu việc giao Tòa án nhân dân tối cao trách nhiệm xử lý khi có sự xung đột mâu thuẫn.

Liên quan đến trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết, một số đại biểu đề nghị QH cho giữ như quy định hiện hành, giao cơ quan thẩm tra chủ trì giúp UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, nhưng có tiếp thu bổ sung một số quy định nhằm làm rõ và nâng cao hơn trách nhiệm của từng cơ quan tham gia quy trình này.

Cuối phiên làm việc buổi chiều, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.

Về giữ quy định của luật ban hành VBQPPL là trong hồ sơ dự án phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo, điều đó có thể lãng phí nhân lực, vật lực. Bởi nếu trong trường hợp QH có ý kiến khác hoặc không chấp nhận phương án của dự thảo thì toàn bộ dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành sẽ phải bỏ. Trong khi đó, chúng ta biết rằng hiện nguồn lực và thời gian dành cho các dự án luật rất eo hẹp. Nếu như các cơ quan soạn thảo được dành toàn bộ nguồn lực và thời gian để tập trung xây dựng dự thảo luật, đánh giá kỹ tác động của các chính sách mới, sẽ tốt hơn nhiều việc yêu cầu cơ quan soạn thảo phải đồng thời xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn kèm hồ sơ như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

Cần mở rộng thành phần Ban soạn thảo dự án luật để nâng cao tính phản biện ngay trong quá trình soạn thảo, xây dựng dự án luật. Điều này giúp dự án luật khi trình QH sẽ chất lượng hơn và hạn chế được nhiều ý kiến trái chiều tranh luận khi đem ra thảo luận ở QH.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau)