Bản anh hùng ca đường số 7

NDO -

Cheo Reo và con đường 7 cách đây 38 năm đầy bom đạn và những cuộc chiến khốc liệt, làng bản điêu tàn... Nay là quốc lộ 25 rộng mở, những buôn làng trù phú, những thị trấn, thị tứ sầm uất nối tiếp mọc lên giữa mầu xanh bạt ngàn của lúa, mì, bắp. Cầu Kà Klóa, cầu Lệ Bắc, đèo Chư Sê, đèo Tô Na, sông Bờ... một thời gieo rắc nỗi kinh hoàng cho kẻ thù, giờ trở thành vùng đất tốt lành và cuộc sống ấm no.

Ðường vào buôn Kte, xã Ia Deng, huyện Phú Thiện (Gia Lai).
Ðường vào buôn Kte, xã Ia Deng, huyện Phú Thiện (Gia Lai).

Bản anh hùng ca đường 7

Sinh ra, lớn lên rồi trực tiếp cầm súng chiến đấu trên quê hương của mình, hơn ai hết Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Rơ Ô Cheo (dân tộc Gia Rai) - Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, hiểu được nỗi lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên "lúc nào cũng hướng về Ðảng, Bác Hồ như rừng cây hướng về ánh sáng mặt trời vậy...". Trên chuyến xe về thăm lại chiến trường xưa, một thời máu lửa, ông chậm rãi kể lại câu chuyện về bản thân mình, dân làng mình trong những năm tháng bám trụ kiên cường, rồi tham gia giải phóng quê hương trong những ngày tháng tư lịch sử 38 năm trước.

Trước tháng 4-1975, vùng đất Cheo Reo (Ayun Pa bây giờ) rừng núi bạt ngàn, dân cư thưa thớt, ở các buôn, làng chỉ còn lại một vài gia đình. Phần lớn số bà con cùng nhau lên rừng theo kháng chiến; chỉ có số nhỏ chưa kịp lên núi, bị địch dồn vào ấp chiến lược. Thanh niên ở các buôn, làng tự nguyện vào bộ đội, du kích, ngày đêm được huấn luyện cách đánh đồn bốt, gài mìn, đơm chông, ném lựu đạn... Hết mùa huấn luyện, anh em lại tỏa về làng làm công tác "vận động quần chúng" và "địch vận" theo cách mạng. Thắng lợi đầu tiên của "đội quân buôn làng" này là, vào những ngày đầu tháng 3-1975 đã vận động 20 binh sĩ ngụy ở đồn Klóa (Chư Ngọc) mang theo vũ khí ra hàng cách mạng.

Ðường 7 (từ Gia Lai về Phú Yên) là tuyến đường giao thông quan trọng, trong đó cầu và Ðồn Klóa là những vị trí chiến lược trong thế trận tập kích địch hành quân hoặc rút chạy. Sau khi lấy lời khai của những hàng binh trên, Ðại đội 303 (Tỉnh đội Ðác Lắc) cùng Huyện đội H2 (Cơ quan quân sự huyện Krông Pa, Gia Lai) đã phối hợp tiến công đánh địch ở đồn và cầu Klóa trên Ðường 7. Sau hai ngày đêm anh dũng chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt phản công của địch, đồn Klóa, "chiếc đinh" găm trên Ðường 7 đã bị nhổ bỏ. Chiến thắng này đã củng cố niềm tin cho người dân trong vùng kháng chiến, nhiều người mừng vui kéo nhau về lại làng bản, cùng với bộ đội củng cố hậu phương, chuẩn bị cho những trận đánh lớn.

Buôn Ma Thuột thất thủ, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu như không tin vào hai tai của mình, y vùng vẫy gào thét trong tuyệt vọng, rồi cuối cùng cũng ra lệnh cho Thiếu tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy rút về đồng bằng để "bảo toàn lực lượng". Ðường số 7 là con đường gần nhất "để tháo lui". Bởi lúc đó tuyến quốc lộ 19 xuôi về Bình Ðịnh, có mấy đoạn bị lực lượng ta chiếm giữ. 

Ngày 18-3-1975, hơn 15 nghìn tên địch, thuộc Quân đoàn 2 ngụy từ Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ðác Tô, Tân Cảnh... của tỉnh Kon Tum và các vị trí chốt giữ ở Plây Cu - Gia Lai, đã theo Ðường 7 rút về Phú Yên. Kiên quyết không để cho địch chạy thoát,  Sư đoàn 320, Trung đoàn 95 (Binh đoàn Tây Nguyên) và bộ đội địa phương của ta, dựa vào địa hình đã chặn đánh địch ở Ayun Pa, Phú Túc... Ðoạn đường từ cầu sông Bờ đến cầu cây Sung và đèo Tô Na chưa đầy bốn km, giữa hai cây cầu là vị trí phục kích của Sư đoàn 320. Hàng trăm xe tăng, xe vận tải... bị bắn cháy nằm ngổn ngang. Hàng nghìn tên địch bị tiêu diệt và bắt sống... Cuộc tháo chạy chiến lược về Phú Yên của địch bị ngăn chặn. Vậy là địch mất đi một lực lượng lớn hòng chặn đường tiến của quân và dân ta vào Sài Gòn. Cheo Reo, Phú Túc... là những địa danh trở thành nỗi khiếp sợ của đám tàn binh địch.

Trong trận này, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo (lúc đó là Trung đội trưởng - thuộc Tiểu đoàn 303) đã bắn cháy một chiếc xe tăng và tiêu diệt hơn 10 tên địch. Ðặc biệt, cũng tại trận tuyến này, đã xuất hiện gương chiến đấu anh dũng của Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Hợi, một mình bắn cháy bảy xe tăng địch, góp phần viết nên bản anh hùng ca đường số 7, đi vào lịch sử với những trang oanh liệt, vẻ vang nhất, góp phần mở đường từ Tây Nguyên để quân và dân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn thống nhất Tổ quốc.

Mầu xanh trên vùng đất chết

Trở lại đường số 7, trở lại Cheo Reo năm xưa, dấu tích chiến tranh giờ đã bị thời gian xóa nhòa, thay vào đó là một mầu xanh tươi tốt của cây trái trong vườn.

Xuống đèo Chư Sê, ngút ngàn tầm mắt là những cánh đồng lúa trĩu bông. Cách đây gần 30 năm, tôi đã đến Ayun Pa, nghe hai từ "tỉnh lỵ" Phú Bổn, thì cứ ngỡ đó là phố phường bề thế lắm, hóa ra lại thua xa một cái thị tứ ở đồng bằng. Những con đường chật hẹp lở lói, cây gai mọc đầy; những căn nhà ống sùm sụp chen nhau như đổ từ một khuôn. Cánh đồng Ayun Hạ bây giờ, lúc đó là một vùng đất hoang vu... Còn bây giờ một biển lúa vàng rực. Khói đốt đồng từng đụn lơ lửng dưới vòm trời xanh ngắt. Nghe đậm đặc trong khứu giác là mùi bùn, mùi rạ rơm nồng ấm. Cái mùi ấy gặp lại chợt ngỡ mình như đang ở đồng bằng... Công trình đại thủy nông Ayun Hạ đã cho cao nguyên một vựa lúa hơn 6.770 ha hai vụ (không kể phần thuộc huyện Ia Pa). Nếu tính bình quân mỗi ha lúa lãi khoảng 10 triệu đồng vụ thì mỗi năm cánh đồng này đã làm ra một sản lượng lúa hàng hóa trị giá hơn 135 tỷ đồng. Công trình thủy lợi Ayun Hạ góp phần xua đi cái đói cố hữu ngàn đời vẫn đè nặng lên cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Hạt lúa đã tạo ra kỳ tích trên cánh đồng Ayun Hạ. Gặp chúng tôi, ông Rơ Mah Ét khẳng định: "Không riêng gì làng mình, khắp các buôn làng ở thung lũng Ayun Hạ này đều có xe công nông, máy xới đất. Những hộ khá giả mùa về có trên vài trăm bao lúa... Hạt lúa là cuộc sống no ấm của bà con mình!...".

Dọc theo đường số 7, ở vùng "đất khát" Krông Pa, ngoài trồng trọt thì chăn nuôi luôn là một thế mạnh. Không giấu được niềm vui, ông Ksor Suông trưởng buôn Sai tiếp chúng tôi trong một căn nhà mới xây khá đẹp. Ông Suông cho biết: "Buôn Sai có 275 hộ, hơn 1.300 khẩu, có 300 ha lúa, 250 ha mì, nếu được mùa, được giá, mỗi ha thu lời từ 10 đến 15 triệu đồng, nhà nào cũng có tiền".  Ông Rơ Ô Mul, một nông dân sản xuất giỏi của buôn Sai nói: "Tài sản lớn nhất của buôn là 2.000 con bò. Nhà ít có dăm ba con, nhà nhiều có đến năm sáu chục con. Cả buôn Sai có chừng 50 hộ thu nhập mỗi năm dăm bảy chục triệu đồng nhờ nuôi bò". Chăn nuôi bò không chỉ là thế mạnh của buôn Sai mà là của cả huyện Krông Pa.

Ngày nay, cánh đồng Ayun Hạ, đèo Tô Na, Bến Mộng, thung lũng Hồng và Suối Ðá... của vùng đất Ayun Pa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn là những điểm du lịch lý tưởng, hấp dẫn níu chân du khách gần xa... Và còn nhiều, rất nhiều những kỳ tích nữa sẽ trở thành hiện thực, khi Ayun Pa có một tiềm năng còn lớn hơn tất cả mọi tiềm năng - đó là những con người nguyện cống hiến hết mình cho làng bản ngày một trù phú, ấm no.