Bài học về xây dựng mối quan hệ Ðảng - Dân ở Bắc Giang

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục giữ vững truyền thống đoàn kết, năng động, đổi mới với những bước đột phá, huy động các nguồn lực cho đầu tư, phát triển đưa Bắc Giang trở thành tỉnh khá toàn diện với nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng dẫn đầu khu vực trung du, miền núi phía bắc. Bài học rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng bộ tỉnh chính là luôn sâu sát nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tạo sự đồng thuận, bảo đảm hiện thực hóa chủ trương lãnh đạo của Ðảng bộ.

 Từ khi triển khai quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang trở thành sản phẩm nông nghiệp có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong ảnh: Người dân Bắc Giang thu hoạch vải thiều được chăm sóc theo quy trình VietGAP.
Từ khi triển khai quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang trở thành sản phẩm nông nghiệp có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong ảnh: Người dân Bắc Giang thu hoạch vải thiều được chăm sóc theo quy trình VietGAP.

Diện mạo mới từ những bước đột phá

Những năm gần đây, thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang đạt kết quả tích cực, luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Tỉnh có vị trí địa lý giao thông quan trọng, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Xác định đây là lợi thế cho phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy Bắc Giang tập trung lãnh đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh với ba đột phá: Cơ chế, chính sách ưu đãi; thủ tục hành chính thông thoáng và hạ tầng phục vụ sản xuất đầy đủ. Năm 2019, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đứng 25 trong số 63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đứng thứ 9 trong số 63 tỉnh, thành phố. Nhiều tuyến đường huyết mạnh nối các khu công nghiệp với trung tâm đô thị được cải tạo, làm mới; hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất được chú trọng...

Những nỗ lực đó đã tạo sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư. Nhiệm kỳ 2015-2020, tổng số dự án thu hút đầu tư còn hiệu lực đã tăng 1.672 dự án (lớn nhất từ trước đến nay). Cũng trong nhiệm kỳ có 5.489 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 46,6 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có năm khu công nghiệp, 30 cụm công nghiệp, với hơn 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động. Các lĩnh vực sản xuất chủ yếu bao gồm: Ðiện tử, máy tính, sản phẩm quang học, cơ khí chế tạo, chế biến nông, lâm sản... Công nghiệp ngày càng khẳng định là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân đạt 25,2%/năm, vượt xa mục tiêu Ðại hội (14% đến 15%/năm).

Xác định hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cứng hóa đường thôn, đường nội đồng; thực hiện 10.870 công trình cứng hóa với tổng chiều dài hơn 4.200 km đường giao thông, vượt hơn 220% kế hoạch. Hệ thống đường giao thông nông thôn mở rộng, kênh mương cứng hóa tạo thuận lợi cho bà con nông dân trong áp dụng khoa học kỹ thuật và giao thương buôn bán. Tại các địa phương có lợi thế về nông nghiệp, Tỉnh ủy Bắc Giang chỉ đạo phát huy điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trình độ thâm canh trong sản xuất, từng bước gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa. Các ban, ngành chức năng giúp các hộ dân trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp... Hiện địa phương đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; xây dựng 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 56 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Ðiển hình là có nhiều đổi mới, sáng tạo về sản xuất và tiêu thụ vải thiều, trở thành một biểu tượng của nông sản Việt từng bước chinh phục thị trường trong nước và thế giới. Hình thức chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn và gà đồi Yên Thế có sự chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại. Thủy sản phát triển theo hướng thâm canh, bán thâm canh và theo mô hình VietGAP, an toàn sinh học. Trồng rừng phát triển mạnh, trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh trồng được hơn 40 nghìn héc-ta rừng; sản lượng gỗ khai thác đạt gần ba triệu mét khối.

Sự phát triển toàn diện, đồng bộ của công nghiệp, nông nghiệp đã kéo theo các ngành dịch vụ phát triển; khoảng cách giữa nông thôn, đô thị ngày càng thu hẹp. Nhiều bức xúc trong đời sống xã hội như việc làm cho người lao động, chăm sóc sức khỏe nhân dân, cơ sở vật chất giáo dục và vệ sinh môi trường nông thôn cơ bản được khắc phục. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, ba huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Việt Yên, Lạng Giang và Tân Yên; thu nhập bình quân đầu người  ước đạt 282 USD/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân hơn 7%/năm. 100% số xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi có đường  ô-tô đi đến trung tâm xã; 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia; 100% trạm y tế các xã vùng dân tộc thiểu số được kiên cố hóa và đạt tiêu chí quốc gia về y tế...

Bài học “ý Ðảng, lòng Dân”

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải, tỉnh luôn coi trọng bài học lấy dân làm gốc và xác định mọi chủ trương lãnh đạo đều xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhiệm kỳ qua tập thể cấp ủy, lãnh đạo tỉnh đã tập trung bám sát thực tiễn, nghiên cứu học hỏi tìm hướng đi riêng phù hợp, phát huy tiềm năng, thế mạnh đưa Bắc Giang phát triển bứt phá, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Trong triển khai, trước nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi cấp ủy các cấp phải đoàn kết, thống nhất, có tinh thần đổi mới, ý chí khát vọng vươn lên. Chính vì vậy, Tỉnh ủy luôn quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng. Nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với đẩy mạnh thực hiện việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên thường xuyên kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; kiên quyết xử lý đối với các tập thể, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ đạt kết quả thấp hoặc để xảy ra vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc. Nhiều cấp ủy đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết, gắn với xây dựng chương trình công tác hằng năm theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Hằng năm các cấp ủy, đơn vị, địa phương đều chọn, đăng ký giải quyết việc nổi cộm, phức tạp. Qua hơn bốn năm thực hiện, toàn đảng bộ tỉnh đã đăng ký, giải quyết dứt điểm hơn tám nghìn vụ việc bức xúc, nổi cộm hoặc còn hạn chế, yếu kém, góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển địa phương và củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

Thấm nhuần tư tưởng cán bộ là cái gốc của mọi công việc, Tỉnh ủy Bắc Giang coi trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Tỉnh ủy đã chỉ đạo đổi mới công tác đánh giá cán bộ bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc. Duy trì thực hiện đánh giá cán bộ định kỳ sáu tháng và hằng năm, cuối nhiệm kỳ bầu cử, bổ nhiệm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ gắn với quy hoạch có nhiều đổi mới. Tỉnh ủy cũng thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định như đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã phát huy tốt nhất tính chủ động, sáng tạo đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Nhiệm kỳ vừa qua, Huyện ủy Yên Dũng, đã mạnh dạn xây dựng triển khai ba nghị quyết đột phá về phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị. Kết quả từ huyện trung bình đã vươn lên thành một trong những địa phương phát triển mạnh của tỉnh. Huyện Hiệp Hòa do tăng cường công tác đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện với các doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã thu hút gần 100 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư hơn năm nghìn tỷ đồng, tăng bốn lần so với năm 2015. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý được hoàn thiện. Kết quả đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương vừa qua cho thấy đội ngũ cấp ủy không những bảo đảm đủ tiêu chuẩn, cơ cấu mà chất lượng nâng cao một bước. So với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ các đồng chí cấp ủy cấp huyện của tỉnh có độ tuổi bình quân giảm 0,5 tuổi, trình độ chuyên môn trên đại học tăng 24,7% và cán bộ trẻ tăng 2,4%. Ðây là cơ sở quan trọng để tỉnh Bắc Giang triển khai tốt nhiệm vụ.

Thời gian tới, Bắc Giang đặt mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc trên bốn trụ cột: Phát triển công nghiệp xanh; nông nghiệp sạch; đô thị hiện đại kết hợp trung tâm logistics; du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng. Ðể thực hiện, tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm khơi thông các nguồn lực đầu tư và phát huy sức mạnh của nhân dân. Ðược biết, các cấp ủy tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai các chương trình, đề án của nhiệm kỳ 2020-2025; trong đó tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy. Trọng tâm là tăng cường bám sát thực tế cơ sở, nghe dân, hiểu dân, tạo đồng thuận trong nhân dân, bảo đảm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Nâng cao năng lực điều hành, quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, năng lực, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ðề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành...