Bắc Giang tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng

Năm 2019, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, các cơ quan, đơn vị tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nghiêm việc xây dựng, ban hành chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát chế độ định mức tiêu chuẩn thực hiện thường xuyên.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk thăm, trao sổ tiết kiệm tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Toàn (phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột). Ảnh: N.HOA
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk thăm, trao sổ tiết kiệm tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Toàn (phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột). Ảnh: N.HOA

Các đơn vị, địa phương chuyển đổi vị trí công tác đối với 535 công chức, viên chức trong ngành, lĩnh vực nhạy cảm. Ngành thanh tra tỉnh tiến hành 141 cuộc thanh tra hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước; thực hiện 298 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng và 30.307 m2 đất các loại; trong đó yêu cầu thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 14,6 tỷ đồng, xử lý hành chính đối với sáu tập thể và 214 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra ba vụ việc có sai phạm.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trọng tâm là thực hiện Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là các quy trình, trình tự giải quyết công việc trên các lĩnh vực nhằm khắc phục những lỗ hổng trong quản lý kinh tế - xã hội. Tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng; nâng cao chất lượng phát hiện, xử lý tham nhũng...

Đắk Lắk huy động nguồn lực chăm lo đời sống người có công

Năm 2019, tỉnh Ðắk Lắk tập trung các nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng. Tỉnh là một trong tám địa phương của cả nước đã giải quyết xong hồ sơ tồn đọng về công nhận, xác nhận người có công. Các cấp ủy, chính quyền địa phương huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa được 10,3 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp, xây mới hơn 300 nhà tình nghĩa, tặng 358 sổ tiết kiệm cho người có công với cách mạng. Các cấp, ngành tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo cho hộ người có công. Qua đó, giảm từ 460 hộ nghèo năm 2018 xuống còn 177 hộ vào cuối năm 2019.

Năm 2020, tỉnh phấn đấu sẽ tìm giải pháp đưa 177 hộ gia đình có công còn lại thoát nghèo; từng bước cải thiện, nâng cao mức sống cho người có công, giữ vững tỷ lệ 99,7% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương nơi cư trú. Ðể thực hiện, tỉnh tiếp tục công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tập trung giải quyết các chế độ cho những trường hợp có tham gia hoạt động kháng chiến hiện nay không còn giấy tờ gốc. Ðẩy mạnh các phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn"; quan tâm hỗ trợ sản xuất để các gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo.