Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường thu hút đầu tư

* Hà Nội loại bỏ các chi phí không chính thức

Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc, tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện địa bàn tỉnh có 398 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 28 tỷ USD và 590 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 296 nghìn tỷ đồng. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Nhật Bản, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Thái-lan, Hà Lan... Trong đó có một số tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia như: Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, Hyosung, Lotte... Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn

Người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa UBND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: DUY LINH
Người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa UBND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: DUY LINH

Thu hút đầu tư đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,65%; giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt tăng 9,12%; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn năm tỷ USD (tăng 14%); tổng vốn đầu tư trên địa bàn gần 51 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8%; tổng thu ngân sách hơn 89 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa hơn 40 nghìn tỷ đồng.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, thời gian tới sẽ tập trung phát triển các mũi nhọn kinh tế gồm: công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do vậy, tỉnh tiếp tục tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư và ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào những dự án lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng ít đất cũng như năng lượng và lao động... nhằm tạo nền tảng để kinh tế địa phương phát triển nhanh, bền vững.

* Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa công bố, Chỉ số CCHC của TP Hà Nội đạt 84,64 điểm, xếp thứ hai trong số 63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của TP Hà Nội đạt hơn 80%. Các chỉ số thành phần trong kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 của thành phố được đánh giá khá toàn diện, trong đó sáu chỉ số trong tám chỉ số thành phần đạt hơn 80%. Tuy nhiên, còn một số chỉ số thành phần đạt điểm thấp, cần có giải pháp khắc phục như: việc tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách; việc triển khai kiến trúc chính quyền điện tử…

Để tiếp tục duy trì thứ hạng Chỉ số CCHC, nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính của thành phố và khắc phục những chỉ số thành phần chưa được cải thiện, TP Hà Nội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự ủng hộ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác CCHC, sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công. Tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân, doanh nghiệp. Kịp thời công bố, công khai và cập nhật TTHC trên Cổng dịch vụ công, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và tại nơi tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC. Thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC các cấp, thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn; kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị về các quy định TTHC; xử lý nghiêm các trường hợp giao tiếp, ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận tiếp dân, trực tiếp giải quyết TTHC với công dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách.