Ðẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (Kỳ cuối)

Bài 2: Phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, việc không ngừng nâng cao khả năng, năng lực công nghệ thông tin (CNTT) nói chung, trong quân đội nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu bức thiết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (QS, QP), góp phần xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Cán bộ Văn phòng Học viện Quân y trao đổi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn phòng.
Cán bộ Văn phòng Học viện Quân y trao đổi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn phòng.

Tạo bước đột phá

Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), là người từng trực tiếp phụ trách phát triển, ứng dụng CNTT của tập đoàn vào việc quản lý, điều hành doanh nghiệp, từng có hơn 14 năm gắn bó cùng đồng đội góp phần xây dựng Viettel từ một doanh nghiệp nhỏ bé vươn lên trở thành Tập đoàn Viễn thông và CNTT lớn nhất của Việt Nam; là một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số lượng khách hàng. Hiện nay, Viettel đã nghiên cứu, sản xuất nhiều sản phẩm phần mềm phục vụ CCHC, đóng góp vào việc phát triển Chính phủ điện tử ở các bộ, ngành, địa phương... Những năm qua, Viettel còn đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng để phủ sóng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, quần đảo Trường Sa; đầu tư cho an ninh mạng, tác chiến mạng; nghiên cứu chế tạo và sản xuất được các cấu phần quan trọng của hạ tầng mạng viễn thông, góp phần đẩy mạnh CCHC, hiện đại hóa quân đội và bảo vệ Tổ quốc.

Trao đổi về khả năng, năng lực ứng dụng CNTT trong quân đội, Thiếu tướng Tống Viết Trung cho rằng: Những năm qua, phát triển, ứng dụng CNTT trong quân đội không chỉ góp phần tạo bước đột phá tăng hiệu quả quản lý, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành đơn vị, mà còn là phương pháp, cách làm mới góp phần nâng cao hiệu quả CCHC trong lĩnh vực QS, QP. Chẳng hạn, trước đây, việc gửi, nhận các loại văn bản như công văn, chỉ thị, hướng dẫn… trong nội bộ quân đội chủ yếu qua đường quân bưu. Thế nên, khi gửi các văn bản từ bắc vào nam phải mất vài ngày; nếu gửi đến các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phải mất hàng chục ngày, có khi hàng tháng. Thế nhưng hiện nay, các cơ quan, đơn vị quân đội chuyển sang gửi các loại văn bản qua hệ thống điện tử, chỉ cần "nhấn chuột" thì trong tích tắc, đơn vị đã nhận được văn bản. Do vậy, không chỉ rút ngắn được thời gian, đỡ tốn công sức, mà còn tạo thuận lợi trong quản lý, thống kê, xử lý các loại văn bản nhanh chóng, kịp thời.

Thời gian qua, cùng với thực hiện các nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh 86 còn tích cực tham mưu giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó, đã triển khai công tác quản lý hệ thống văn bản hồ sơ công việc; tự động hóa các văn bản điện tử gửi, nhận trên mạng truyền số liệu quân sự, giúp rút ngắn thời gian văn bản đi và đến bảo đảm chính xác, kịp thời. Ðồng thời, triển khai hạ tầng để phát triển, ứng dụng CNTT; trong đó, Bộ Tư lệnh 86 là đơn vị phát triển các ứng dụng CNTT, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc bảo đảm đường truyền kết nối. Do vậy, đến nay, tất cả đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đã được kết nối đường truyền công nghệ cao, đủ năng lực để thực hiện gửi, nhận thông tin dưới dạng văn bản, hình ảnh, vi-đê-ô, với hạ tầng được triển khai rộng khắp. Ðồng thời, tham mưu giúp Bộ Quốc phòng trong việc chỉ đạo, liên kết hệ thống thông tin với các ngành, địa phương; hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc được tích hợp lên trục liên thông văn bản quốc gia, giúp việc gửi, nhận văn bản tới cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thuận lợi. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh 86 còn tích cực phát triển, ứng dụng CNTT bảo đảm hệ thống tự động hóa chỉ huy, giúp Bộ Quốc phòng nắm chắc thông tin, tình huống trên biển, trên không và không gian mạng, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng xử lý các tình huống.

Những năm qua, quân đội đã quyết liệt triển khai các nội dung xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng. Kết nối trục liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với các cơ quan nhà nước và các bộ, ngành; xây dựng cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC); từng bước kết nối thông suốt mạng máy tính quân sự từ Bộ xuống cấp chiến thuật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ huy, điều hành; bảo đảm chuyển, nhận văn bản các cấp nhanh chóng, giảm giấy tờ và chi phí hành chính; xây dựng các trung tâm tích hợp dữ liệu dùng chung để khai thác, chia sẻ trong thực thi nhiệm vụ. Nghiên cứu xây dựng đề án nhà trường thông minh, bệnh viện thông minh nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản, khó khăn, bất cập trong việc nâng cao năng lực, khả năng ứng dụng CNTT trong quân đội hiện nay. Việc ứng dụng CNTT để giải quyết TTHC chưa mạnh mẽ ở một số quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng, cơ quan, đơn vị, trong cải cách TTHC còn nhiều lúng túng; nhận thức của cán bộ chủ trì một số cơ quan, đơn vị về nội dung CCHC, phương pháp tiến hành còn những bất cập…

"Ở đâu có người chỉ huy, người đứng đầu cấp ủy quan tâm, quyết liệt, sâu sát thì ở đó việc ứng dụng CNTT hiệu quả. Hiện nay, kỹ năng của không ít cán bộ, nhân viên các cấp sử dụng CNTT còn hạn chế, từ đó tạo ra tâm lý e dè khi tiếp xúc ứng dụng CNTT. Cùng với đó, việc bảo đảm hạ tầng thông tin chưa đồng bộ, rộng khắp đến các cơ quan, đơn vị, nhất là đến cấp chiến thuật" - Thiếu tướng Tống Viết Trung nhận xét.

Coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin

Là bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia, là tuyến cuối của toàn quân, hiện trung bình mỗi ngày, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Bộ Quốc phòng) tiếp nhận từ 4.500 đến 7.000 người đến khám, bình quân tăng từ 20 đến 27% người bệnh/năm. Do hệ thống quản lý thông tin điều trị của bệnh viện cập nhật liên tục, tích hợp phần mềm, viết bổ sung, cho nên bệnh nhân đến khám, chữa bệnh rất thuận tiện, các phòng khám bác sĩ không cần mất thời gian ghi chép bởi từ khi bệnh nhân vào khám đều kết nối liên thông giữa các khoa, đơn vị trong bệnh viện. Chẳng hạn, bệnh nhân vào viện xét nghiệm chỉ cần khai báo một lần, khi có kết quả xét nghiệm, bệnh viện thông báo cho bệnh nhân. Ðại tá Bùi Văn Tân, Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết: Trước đây, bệnh nhân vào viện phải lấy số đăng ký, chờ khám, xét nghiệm, chờ bác sĩ kết luận, thanh toán xong, đóng tiền mua thuốc, nhanh nhất cũng mất từ ba giờ đến một ngày. Hiện nay, bệnh nhân dùng thẻ, có hệ thống mạng tự động, có thể thanh toán ở bất kỳ khoa nào. Bệnh nhân đến khám bệnh chỉ mất 30 phút, xét nghiệm mất một giờ, giảm được nửa thời gian so với trước.

Hiện tại, bệnh viện đã xây dựng được hệ thống quản lý thông tin điều trị của bệnh nhân từ khám bệnh ngoại trú, điều trị nội trú đến kết thúc thanh toán ra viện; triển khai bệnh án số hóa, đang tiếp tục phát triển và hoàn thiện phần mềm hướng tới bệnh án điện tử theo quy định của Bộ Y tế. Hệ thống phần mềm luôn hoàn thiện, phát triển theo yêu cầu công tác quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh. Cùng với đó, bệnh viện sẵn sàng liên kết tuyến, kết nối mạng in-tơ-nét qua hệ thống Tele-medicine (truyền hình trực tuyến y học) để tư vấn, chỉ đạo, giúp đỡ chuyên môn cho các bệnh viện, bệnh xá tuyến quân, dân y, nhất là Bệnh xá đảo Song Tử Tây, bệnh xá các tuyến đảo và Viện Quân y 103 của nước bạn Lào, khám, chữa bệnh từ xa.

Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) cũng là một trong những đơn vị rất chú trọng hiện đại hóa CCHC, nỗ lực xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL), đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị và xây dựng đơn vị tại học viện. Trong đó, học viện là đơn vị làm điểm khối học viện, nhà trường toàn quân thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và hoàn thành chuyển đổi, nâng cấp áp dụng HTQLCL theo phiên bản mới ISO 9001:2015, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết TTHC và công việc hành chính nội bộ. Thượng tá Vũ Ðình Phú, Phó Chánh Văn phòng Học viện, cho biết: Lần đầu triển khai xây dựng HTQLCL, là nội dung mới, đơn vị gặp nhiều khó khăn. Song với tinh thần quyết liệt đổi mới, học viện đã triển khai kế hoạch xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO ở bốn đầu mối, gồm: Cấp Học viện, Bệnh viện Quân y 103, Trường cao đẳng Quân y 1 và Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Năm 2018, Học viện Quân y là một trong những đơn vị tiên phong trong toàn quân hoàn thành việc chuyển đổi, cải tiến, nâng cấp HTQLCL của học viện áp dụng phù hợp từ phiên bản 9001:2008 sang phiên bản ISO 9001:2015, với 117 quy trình. Năm 2019, học viện tiếp tục duy trì hệ thống, với 117 quy trình đã công bố, được phổ biến công khai trên mạng nội bộ, kết nối đến các đầu mối cơ quan, đơn vị trong toàn học viện… Từ năm 2016 đến nay, học viện triển khai xây dựng, áp dụng HTQLCL vào thực hiện các TTHC và công việc nội bộ đơn vị bảo đảm sự thống nhất, công khai, minh bạch, thuận lợi trong quá trình giải quyết công việc; cán bộ, nhân viên giải quyết TTHC và công việc nội bộ theo quy trình bảo đảm thời gian, chất lượng, hiệu quả, góp phần quan trọng trong hiện đại hóa CCHC và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ðề cập vấn đề nêu trên, Ðại tá Vũ Ngọc Giá, Phó trưởng phòng Khảo thí và Ðảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo, chia sẻ: Thực hiện chủ trương của học viện về xây dựng, áp dụng HTQLCL ISO, nhằm chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC, hoạt động nội bộ phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và ISO 9001:2015, phòng đã rà soát, đề xuất, triển khai xây dựng, áp dụng năm quy trình giải quyết TTHC, hoạt động nội bộ, đó là: Quy trình tổ chức thi; quy trình công tác kiểm tra, giám sát đào tạo; quy trình về công tác tự đánh giá chất lượng trường; quy trình tổ chức thi trắc nghiệm; quy trình nhập điểm thi tín chỉ vào phần mềm quản lý đào tạo. Trước đây, chưa xây dựng quy trình ISO, việc ai làm người ấy biết; nếu cán bộ, nhân viên cần trao đổi phải hỏi cán bộ trực tiếp làm, hoặc hỏi cơ quan chức năng; cán bộ mới về đơn vị phải tìm hiểu, học hỏi quy trình giải quyết công việc, mất nhiều thời gian… Từ khi công việc được quy trình hóa, quy định rõ từng cơ quan, từng người chịu trách nhiệm nội dung công việc, công khai, minh bạch trên bảng kế hoạch và mạng nội bộ để cơ quan, mọi người đều biết, cùng thực hiện, cùng giám sát; khi cán bộ thay đổi vị trí, chỉ cần đọc quy trình là biết các bước, nội dung công việc cần làm để chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Khẳng định kết quả đạt được trong công tác CCHC của toàn quân những năm qua, góp phần thiết thực và hiệu quả vào mục tiêu xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tuy nhiên, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Bộ Quốc phòng, cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC của quân đội thời gian qua. Thứ trưởng Lê Chiêm nhấn mạnh: "Thời gian tới, lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân phải nghiêm túc rút kinh nghiệm những hạn chế, bất cập trong CCHC tại cơ quan, đơn vị mình để đề ra giải pháp khắc phục kịp thời. Ðồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng về CCHC, bảo đảm phù hợp chức năng, nhiệm vụ và đặc thù trong quân đội. Coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ; có biện pháp triển khai ứng dụng CNTT, CCHC phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ chính trị từng loại hình cơ quan, đơn vị. Nêu cao vai trò người đứng đầu, tổ chức đảng, cấp ủy, chỉ huy, lấy kết quả CCHC là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng tập thể, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị hằng năm...!".

Đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (Kỳ 1)

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 13-8-2019.