Mừng đồng chí Võ Chí Công tròn tuổi 100

NDO - Ngày 7-8-2011, Anh Võ Chí Công - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn BCH T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam bước sang tuổi 100. Nhân dịp này, tôi ghi lại những mốc son sáng ngời trên những chặng đường cách mạng của Anh.

Anh tên thật là Võ Toàn, sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn Khương Mỹ, nay là xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Vào tuổi thanh niên, Anh đã đọc được nhiều sách báo cách mạng, tiếp thu tinh thần yêu nước của các vị chí sĩ đất Quảng như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... và được tắm mình trong phong trào đấu tranh chống thuế, đòi dân sinh, dân chủ của nhân dân Nam Trung Bộ, Anh đã sớm giác ngộ cách mạng theo đường lối của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Vào những năm 1930-1931, Ðảng bộ Ðảng Cộng sản tỉnh Quảng Nam ra đời, Anh là một trong những người đầu tiên đi truyền bá và phát động quần chúng tham gia cách mạng và dần dần trở thành cán bộ cốt cán của tỉnh, tham gia xây dựng tổ chức Ðảng từ xã, phủ, huyện đến tỉnh. Cuộc hành trình đầu tiên này của Anh đã phải đương đầu với bọn mật thám chính quyền cai trị. Chúng đàn áp rất dã man phong trào cách mạng. Nhiều tổ chức Ðảng bị phá vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên từ xã, huyện, tỉnh bị bắt, bị giết và tù đày.

Riêng Anh và anh Nguyễn Sắc Kim, với kinh nghiệm hoạt động, được quần chúng cách mạng nuôi nấng che chở, nên bám trụ lâu dài tại các địa phương trong tỉnh để xây dựng lại các tổ chức Ðảng, có lúc phải lánh ra ngoài tỉnh rồi trở về xây dựng lại các tổ chức Ðảng, để tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, tiếp nối sự lãnh đạo của Ðảng bộ cấp trên và Anh đã trở thành Xứ ủy viên của Xứ ủy Trung Kỳ lúc bấy giờ.

Ðến cuối năm 1942, Anh bị bắt, bị kết án và đày đi Buôn Ma Thuột, mặc dù bị tra tấn rất dã man, Anh vẫn giữ khí tiết của người cộng sản, luôn đứng vào hàng ngũ tù chính trị đấu tranh chống chế độ hà khắc, lao động khổ sai của nhà tù. Ðặc biệt, Anh kiên quyết cùng một số đồng chí tù chính trị đấu tranh chống tư tưởng dao động của một số cán bộ, đảng viên trong tù muốn lợi dụng đế quốc Nhật để mưu cầu độc lập cho đất nước. Trở về Quảng Nam, Anh tiếp tục xây dựng tổ chức Ðảng, lãnh đạo phong trào cách mạng và là một cán bộ lãnh đạo cốt cán trong Ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền với tinh thần năng động sáng tạo lãnh đạo giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đưa tỉnh Quảng Nam trở thành một trong bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất của cả nước.

Anh lãnh đạo một đoàn cán bộ lãnh đạo Khu 5 ra miền bắc học tập kinh nghiệm về cải cách ruộng đất. Qua thực tế ở một số địa phương, Anh và đoàn đã phát hiện và báo cáo với Bác Hồ về những sai lầm gây mất đoàn kết ở nông thôn. Về Khu 5, Anh xin chủ trương của Trung ương không thực hiện cải cách ruộng đất mà chỉ thực hiện giảm tô, hiến ruộng đất, nên đã tăng cường mặt trận đoàn kết ở nông thôn, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia kháng chiến. Những mốc son trong thời kỳ này của Anh đã được ghi vào lịch sử Ðảng bộ Quảng Nam Ðà Nẵng và lịch sử kháng chiến oai hùng của nhân dân Nam Trung Bộ.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Anh được quyết định ở lại lãnh đạo phong trào cách mạng ở Khu 5. Sau bốn năm thực hiện đấu tranh chính trị với địch đòi thi hành Hiệp định, địch ra sức khủng bố đàn áp, làm cho hàng vạn đồng chí đồng bào bị bắt giết và tù đày. Cách mạng đi vào thoái trào và phương pháp đấu tranh cách mạng lúng túng. Ngày đêm trăn trở với tình hình đó, Anh ra miền bắc gặp Trung ương xin ý kiến chỉ đạo. Anh đã báo cáo với Bác Hồ tình hình nói trên và đề nghị thay đổi phương pháp đấu tranh cách mạng: "Ðịch dùng vũ lực đàn áp cách mạng, thì quần chúng phải dùng bạo lực cách mạng để bảo vệ phong trào cách mạng". Anh ủng hộ bản Ðề cương Cách mạng miền Nam do đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí Trung ương Cục miền Nam soạn thảo. Anh được ở lại dự họp để tham gia xây dựng Nghị quyết 15 của Trung ương. Có Nghị quyết 15 soi sáng, Anh cùng Khu ủy Khu 5 lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, xây dựng lực lượng vũ trang, mở rộng được vùng giải phóng, phá tan các kế hoạch bình định gom dân trong chiến lược chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi viện từ bắc vào nam.

Năm 1965, đế quốc Mỹ đưa quân trực tiếp xâm lược miền nam Việt Nam, Anh chỉ đạo đánh đòn phủ đầu quân Mỹ, diệt một đại đội của chúng ở Núi Thành, khẳng định tư tưởng chiến lược hết sức quan trọng cho quân và dân miền nam Việt Nam: Chúng ta đánh được và thắng được quân viễn chinh Mỹ. Trên khắp chiến trường miền nam đã mở ra một phong trào tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt.

Nhân dân Khu 5 biết nhiều về anh Võ Chí Công và thường gọi anh với cái tên trìu mến và dễ nhớ là "ông Năm Công", vì Anh đã từng lặn lội trong những lúc khó khăn cùng với đồng bào, đồng chí ở chiến trường Khu 5, với cương vị đã từng là Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5.

Ðồng bào, đồng chí Nam Bộ biết anh Võ Chí Công vì Anh đã trực tiếp vào tận các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre để chỉ đạo rút kinh nghiệm phong trào Ðồng khởi để vận dụng toàn miền nam với cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đại diện Ðảng Nhân dân Cách mạng trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam, và chính Anh là người đã chỉ đạo kế hoạch giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị địch giam giữ tại tỉnh Phú Yên về làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trong chiến dịch mở màn giải phóng miền nam năm 1975, quân dân ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột, buộc quân địch phải rút bỏ Tây Nguyên. Trên mặt trận phía bắc, quân ta thắng lợi lớn tại mặt trận Quảng Trị, Huế, toàn bộ tàn quân địch chạy về co cụm để cố thủ ở Ðà Nẵng trong tình trạng hỗn quân, hỗn quan, hoang mang dao động cực độ. Tình thế ấy xuất hiện thời cơ có một không hai, Anh đề nghị với Trung ương cho phép dùng lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với nhân dân nổi dậy tấn công bất ngờ, giải phóng Ðà Nẵng và được Bộ Chính trị đồng ý (điện trả lời của đồng chí Lê Duẩn ngày 18-3-1975). Anh cùng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Tỉnh ủy Quảng Nam Ðà Nẵng trực tiếp chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu 5, lực lượng vũ trang tỉnh, đồng thời phát động nhân dân nổi dậy, phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực, tấn công đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn thành phố Ðà Nẵng vào ngày 29-3-1975.

Giải phóng xong Ðà Nẵng, được Bộ Chính trị khen ngợi và đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị đã nói: "Giải phóng được Ðà Nẵng sớm hơn kế hoạch, quân dân ta sẽ đánh như chẻ tre tiến về giải phóng Sài Gòn và giải phóng hoàn toàn miền Nam".

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp khi về dự kỷ niệm 25 năm Ngày giải phóng Ðà Nẵng đã phát biểu: "Giải phóng Ðà Nẵng chứng minh lãnh đạo chiến trường Khu 5 đã năng động, sáng tạo, phát động thực hiện cao độ chiến tranh nhân dân để giành được thắng lợi quyết định".

Giải phóng Ðà Nẵng là thắng lợi vẻ vang của truyền thống đấu tranh chống đế quốc xâm lược hàng trăm năm của nhân dân Ðà Nẵng, và là bản anh hùng ca bất diệt trong sự nghiệp cách mạng giải phóng của dân tộc ta.

Ðất nước được thống nhất, Anh Võ Chí Công ra bắc nhận nhiệm vụ mới. Anh làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Thủy sản. Thấy sự sa sút của ngành kinh tế này, anh đã có quyết định quan trọng là tổ chức lại các hợp tác xã nghề cá theo ngành nghề truyền thống của ngư dân, cho phép các tổ chức kinh tế thủy sản tự chủ sản xuất kinh doanh, tự lo liệu nhiên nguyên vật liệu, lời ăn lỗ chịu, trong tình hình Nhà nước không bao cấp được. Từ đó đã mở ra một sự phát triển mới cho ngành thủy sản.

Vào những năm 1980-1981, các hợp tác xã nông nghiệp miền bắc đang có nguy cơ tan rã vì cơ chế khoán đến đội sản xuất. Trước nguy cơ đó, một số hợp tác xã có sáng kiến bỏ cách khoán đội nói trên, mà thực hiện khoán trực tiếp cho người lao động, đã đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng phải làm "chui" vì chưa có quyết định của cấp trên. Anh đã trực tiếp đi sát cơ sở ra đồng ruộng, gặp xã viên nghiên cứu thấy hiệu quả kinh tế thật sự của cách làm mới này, nên đã tổ chức tổng kết để thành chủ trương của Ðảng và Nhà nước, thể hiện nội dung "Chỉ thị 100" của Ban Bí thư Trung ương Ðảng. Anh kiên định ủng hộ khoán mới. Với tinh thần trách nhiệm cao trong phát biểu trước Bộ Chính trị: "Lĩnh vực nông nghiệp này Ðảng giao cho tôi phụ trách, nếu cách khoán mới này không đem lại hiệu quả thì tôi xin chịu trách nhiệm trước Ðảng và nhân dân".

Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng mà Anh đã tham gia soạn thảo được hàng triệu nông dân trong cả nước phấn khởi thực hiện trở thành cao trào khoán mới trong các hợp tác xã.

Từ "Chỉ thị 100" của Ban Bí thư Trung ương Ðảng dẫn đến có "Nghị quyết 10" của Bộ Chính trị để hoàn thiện cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp, đã mở ra một bước ngoặt phát triển của nông nghiệp nước ta.

Ðược Ðảng và Nhà nước giao nhiệm vụ làm Trưởng tiểu ban Nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Anh nghiên cứu từ sự đổi mới quản lý nông nghiệp của ta, sự thất bại của việc cải cách, cải tổ về kinh tế và chính trị ở một số nước Liên Xô và Ðông Âu, Anh đề nghị nước ta thực hiện đổi mới, có nghĩa là cơ chế quản lý cũ, cách làm ăn cũ không mang lại hiệu quả, thì ta đổi mới nó đi để có hiệu quả kinh tế hơn. Tiểu ban Nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý mới đã đề xuất những vấn đề cơ bản về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta, được Ban Chấp hành Trung ương thông qua, góp phần hết sức quan trọng vào việc xây dựng đường lối đổi mới do Ðại hội lần thứ VI của Ðảng quyết định vào năm 1986. Vì say mê với việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nên đi đến đâu, ở cuộc họp nào Anh cũng đề cập đến vấn đề đổi mới cơ chế quản lý. Do đó mà cán bộ các ngành đặt cho anh cái tên là "ông Năm cơ chế".

Có đường lối đổi mới toàn diện, Anh được giao làm nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp năm 1980. Với cương vị đó, Anh đã đấu tranh bảo vệ và giữ vững những nguyên tắc tư tưởng cơ bản của Hiến pháp năm 1980 do Bác Hồ xây dựng trước đây như: vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, tính chất dân chủ và Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, mà chỉ sửa đổi những vấn đề cụ thể đang trở ngại cho công cuộc đổi mới. Hiến pháp sửa đổi bổ sung năm 1992 đã được Quốc hội khóa VIII thông qua ngày 15-4-1992, trở thành đạo luật cơ bản quản lý đất nước của thời kỳ đổi mới để tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật tiếp theo sau này.

Một thế kỷ, cuộc đời của anh Võ Chí Công gắn liền sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của dân tộc, Anh đã hết sức trung thành kiên định, tận tụy, không sợ hy sinh gian khổ vì sự nghiệp cách mạng.

Trong suốt cuộc đời ấy, Anh không bao giờ có thể quên vinh dự được gặp Bác Hồ ba lần để báo cáo và tiếp thu sự dạy bảo ân cần của Bác. Anh xứng đáng là một trong những người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Phong cách lãnh đạo của Anh sâu sát thực tiễn, nghe nhiều ý kiến của các đồng chí khác, không ưa thích những người hay nói dựa, nói theo mà không có bản lĩnh, chính kiến của mình (kể cả cán bộ giúp việc), không ưa hình thức trong hoạt động của mình, chỉ làm nhiều chứ không thích nói nhiều.

Về Anh Võ Chí Công, đồng chí Ðỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư đã viết: "Là người chiến sĩ cách mạng tài trí, kiên cường". Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết: "Võ Chí Công, người lãnh đạo đức độ, nhà hoạt động thực tiễn phong phú. Chúng tôi nguyện học tập tinh thần cách mạng và đạo đức trong sáng của anh."

ĐINH VĂN NIỆM

Nguyên trợ lý Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công