Bài thơ "Khóc Tố Hữu"

Ðể chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa diễn ra trong cả nước, Ðảng chủ trương tổ chức cho các đồng chí bị giặc Pháp giam cầm vượt ngục trở về, bổ sung vào lực lượng lãnh đạo ở các địa phương.

Vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ 1942, Tố Hữu và đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được Ðảng tổ chức vượt ngục thành công. Từ Căng an trí Ðắc Lây, hai đồng chí vượt núi, băng rừng, vượt qua bao hiểm nguy về tới làng Rô nhỏ xíu trên đỉnh núi huyện Giằng, tỉnh Quảng Nam (Quảng Nam cũng là quê hương đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ).

Chuyện kể rằng: Mới sáng sớm, ông Ðể và con gái là chị Ðỡ (dân tộc Cờ Tu) lên chòi canh rẫy, thấy hai người lạ mặt trong đó. Nhìn gương mặt phúc hậu và cử chỉ dịu dàng, cha con ông Ðể không cho họ là kẻ xấu và thấy yên trong lòng. Hai người xin ông cho ở lại cái chòi canh này và giữ kín chuyện, không nói với ai. Ông Ðể đoán rằng bụng hai người đã có con kiến bò, nên ông sai con gái chạy về nhà lấy ít sắn luộc lên cho họ ăn. Ông Ðể còn khuyên họ về nhà ông nghỉ đã, rồi ông sẽ chỉ đường tắt cho về dưới xuôi.

Tiếp tục đi tìm cơ sở cách mạng, sau hai ngày đêm nghỉ lại nhà ông Ðể (và được một số bà con khác người Cờ Tu, làng Rô nuôi giấu), hai người xin ông đi tiếp và được ông Ðể cùng cô con gái đi theo bằng con đường rừng kín đáo để về xuôi. Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ bí mật, cải trang lên đường về Hà Tân, huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam, rồi lại về Ðà Nẵng.

Tháng 5-1945, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam - Ðà Nẵng và được phân công phụ trách Ðà Nẵng. Tố Hữu trở thành phái viên Trung ương, chỉ đạo phong trào các tỉnh miền trung, tích cực chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa thành công.

Không hiểu vì sao thời gian ấy có tin nhà thơ Tố Hữu chết trong tù của thực dân Pháp. Tin dữ ấy loang ra khắp nơi và nhanh chóng gây nên niềm xúc động trong lòng quần chúng. Tại vùng Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam xuất hiện bài thơ "Khóc Tố Hữu" (không có tên tác giả).

Trong một chuyến đi sưu tầm tư liệu lịch sử Ðảng, ở vùng Ðại Lộc, Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi tìm được cuốn sách nhỏ, ký hiệu 5A, nhan đề "Một số thơ ca cách mạng thời kỳ 1936 - 1939", viết tay. Do đã lâu ngày, giấy đã ngả mầu vàng sậm, có trang bị rách, nét chữ đã mờ, có chữ phải đoán, có bài "Khóc Tố Hữu".

Chúng tôi ghi lại nguyên văn bài thơ để bạn đọc tham khảo:

Khóc Tố Hữu

Tố Hữu anh ơi thôi còn chi nói nữa
Nghe tin anh lụy ứa cả muôn người
Anh chết một cách quá tươi mươi (?)
Hai mươi tuổi biết nói gì cho đáng
Anh vào tù vì một tên bội phản
Cớ làm sao anh lại bị tù đày
Ðời anh lắm nỗi chua cay
Thân yếu đuối bị đày miền nước độc
Sống dưới chế độ dã man tàn khốc
Họ làm sao mà thổ huyết hỡi anh ơi
Cô đơn thay anh vĩnh biệt cõi đời này
Hay giữa lúc quân thù đang khủng bố
Rồi từ đó anh tiêu điều một nấm mộ
Nơi rừng xanh hiu quạnh bạn cỏ cây
Này nhân loại hãy nghe đây:
Ta thử hỏi đời người hai mươi tuổi
Ðời người sao vô cùng ngắn ngủi
Xã hội này dung túng lũ sát nhân
Tố Hữu chết, mất một người thi sĩ bình dân
Hồn thi sĩ nằm trong thân cách mạng
Thi văn anh là thi văn vô sản
Chống lối thi lãng mạn từ xưa nay
Ðem thi văn đánh thức dậy dân cày
Kêu gọi họ bắt tay nhau tranh đấu
Tố Hữu chết mất một người yêu dấu
Trong tiền đồ tranh đấu của thanh niên
Tố Hữu chết dưới thế lực cường quyền
Mà sứ mạng thanh niên cần đạp đổ
Tố Hữu chết đầy tinh thần giác ngộ
Tiếc cho Công Nông mất một bạn anh tài
Tố Hữu chết rày chẳng thấy ai
Hai mươi tuổi mà tài năng lỗi lạc
Tố Hữu chết bọn sát nhân reo hát
Chúng mừng thầm đã trảy được chồi non
Nhưng chúng lầm to Tố Hữu vẫn hãy còn
Tố Hữu sống trong tâm hồn dân tộc.

Năm 1973, nhà thơ Tố Hữu có chuyến công tác đặc biệt, dài ngày. Từ Hà Nội, ông vượt Trường Sơn, xuyên Việt vào nam. Trên đường đi ông về với làng Rô thân yêu được bà con Cờ Tu làng Rô tặng cặp ngà voi đẹp. Ðây là món quà mà cha con ông Ðể đã dặn mọi người phải đem tặng Tố Hữu tận tay. Nhà thơ bồi hồi hỏi cha con ông già Ðể năm xưa thì được biết cha con ông đã qua đời cách đó ít năm rồi. Sau chuyến công tác này, nhà thơ Tố Hữu có trường ca "Nước non ngàn dặm", trong đó, có những dòng ghi lại tình cảm sâu sắc của nhà thơ với làng Rô:

"Trăm năm ta nhớ ơn làng,
Cánh tay che chở bước đường gian lao"...

Hiện nay, tại phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Ðà Nẵng có con đường nhựa dài hai ki-lô-mét, mang tên Huỳnh Ngọc Huệ, người chiến sĩ cách mạng đã cùng nhà thơ Tố Hữu trên đường vượt ngục sống tại làng Rô.