71 Hàng Trống - nơi tôi thêm một bước trưởng thành

NDO -

Năm 1965, khi chiến tranh phá hoại của Mỹ lan ra miền bắc, tôi theo mẹ sơ tán lên một tỉnh trung du. Làng xóm heo hút, “món ăn tinh thần” duy nhất của mẹ con tôi là tờ báo Nhân Dân mẹ tôi đặt mua. Hồi ấy vì ở quá xa nên vận chuyển rất khó khăn, phải đọc cách nhật, hôm nay đọc báo xuất bản hôm qua.

Cây Đa cổ thụ tại Tòa soạn Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội), "chứng nhân" của nhiều thế hệ làm báo trưởng thành...
Cây Đa cổ thụ tại Tòa soạn Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội), "chứng nhân" của nhiều thế hệ làm báo trưởng thành...

Hằng ngày, cứ khoảng 2 giờ chiều, hễ nghe tiếng bác bưu tá đứng dưới chân đồi gọi vọng lên là tôi lập tức phóng xuống nhận báo. Lúc quay lên thường vừa đi vừa đọc, nhiều lần vấp ngã dúi dụi. Hôm báo đến chậm, hoặc mưa bão là mẹ con tôi ra ra vào vào, cứ như đang mong ngóng cái gì đó rất quan trọng. Mẹ tôi là thợ may, lúc nào may thì thôi, lúc nào chỉ đơm khuy, thùa khuyết là bà lại bảo tôi đọc báo.

Tôi đọc say sưa, không sót tin bài nào, khoái nhất là tin bài thắng trận ở hai miền. Đến hôm nay, tôi vẫn nhớ thời gian mẹ con tôi hằng ngày chờ bác bưu tá gọi lấy báo để đọc hồi ký “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận được Báo Nhân Dân đăng dài kỳ. Những trận tra tấn bác Nguyễn Đức Thuận đã trải qua khiến mẹ con tôi kinh ngạc. Mẹ tôi - nữ sinh Trường Trưng Vương ở Hà Nội thời Pháp thuộc, nói với tôi: “Người cộng sản họ giỏi lắm con ạ!”.

Có lần, đọc bài báo mô tả trận không chiến của không quân Việt Nam, tôi cố đọc thật hùng hồn về “khẩu súng ca-nô” từ những “con én bạc” bắn vào máy bay Mỹ. Mẹ tôi bỏ đồ khâu xuống, quay ra hỏi: “Súng ca-nô là cái gì?”. Xem kỹ thì hóa ra, mắt nhắm mắt mở thế nào tôi lại đọc “súng ca-nông” (đại bác) thành “súng ca-nô”!

Từ nơi sơ tán trở về Hà Nội, mẹ tôi vẫn đặt mua báo Nhân Dân, và tôi vẫn đọc hằng ngày. Đến khi nhập ngũ, thấy tôi có “giọng đọc tốt” nên đại đội đã giao nhiệm vụ, trước giờ sinh hoạt buổi tối lại ngồi trước “loa đại đội” (là loa nén nối với chiếc đài Li-đô có thể thu - phát) đọc các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong,… để anh em trong đơn vị cùng nghe. Cứ như thế, báo Nhân Dân đã cùng tôi qua đi những năm tháng gian nan, từ ngày lặn lội giữa rừng sâu, lên biên giới phía bắc, trở về Hà Nội học hành, đến khi tập tành viết báo.

Lạ một điều là dù đọc báo Nhân Dân từ nhỏ, dù sau này đã trở thành người làm báo, tôi vẫn không nghĩ có ngày được cộng tác với Báo Nhân Dân, càng không nghĩ có ngày nào đó được làm việc tại Báo Nhân Dân. Thế nên, mỗi lần đi qua 71 Hàng Trống, tôi chỉ ngó vào để ngắm cây đa cổ thụ, nghĩ tới tên tuổi các nhà báo Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hữu Thọ, Hà Đăng, Phan Quang,… và tới những cây bút chính luận nổi tiếng như Thép Mới, Nguyễn Hữu Chỉnh, Thành Lê… Tới khi phóng viên của Ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Nhân Dân liên lạc đặt bài, tôi đã rất ngạc nhiên, cố gắng viết sao cho phù hợp. Và ngạc nhiên hơn nữa, sau đó tôi được mời về làm việc tại Báo Nhân Dân - điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến.

Hành trang tinh thần được tích lũy nhiều năm, nhưng khi về Báo Nhân Dân tôi lại bỡ ngỡ. Một tòa soạn ra báo hằng ngày, cùng các ấn phẩm Nhân Dân điện tử, Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hằng tháng,… tiếp đó là sự ra đời ấn phẩm Thời Nay và kênh Truyền hình Nhân Dân, nên luôn phải bảo đảm một lượng thông tin đồ sộ, bảo đảm đường hướng chính trị đúng đắn, tính thời sự, ý thức trách nhiệm cao, bao quát mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước, đề cập mọi vấn đề quốc tế liên quan, phải thực hiện một cách quy củ, bài bản,… khiến tôi bỡ ngỡ.

Vì thế, tôi tự thấy có hai khả năng phải lựa chọn: hoặc nỗ lực đứng vào đội ngũ cùng những người làm báo Nhân Dân; hoặc là làm việc đúng với nhiệm vụ, nếu không đi công tác sẽ là một “viên chức làm báo, sáng xách ô đi, chiều xách ô về”. Và tôi đã chọn khả năng thứ nhất.

Đến nay, tôi đã làm việc tại Báo Nhân Dân 16 năm. So với 70 năm tuổi đời của tờ báo thì 16 năm đó rất ngắn, và so với cuộc đời một con người, đó cũng là khoảng thời gian không dài. Nhưng so sánh ấy không nhiều ý nghĩa, bởi hôm nay nhìn lại, tôi nghĩ sau 16 năm tôi đã có một bước trưởng thành.

Sống và làm việc cùng một đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên gồm nhiều thế hệ, trong đó nhiều người có trình độ lý luận và chuyên môn cao, tri thức phong phú và sâu sắc, am hiểu các vấn đề thực tiễn,… buộc tôi phải tự vượt lên về mọi mặt để đáp ứng được các đòi hỏi nghiêm túc, khắt khe của công việc; đồng thời, cần thích ứng với yêu cầu riêng của từng ấn phẩm.

Làm báo hằng ngày, thi thoảng được “đặt” hoặc gửi bài tới những ấn phẩm khác, đôi lúc tôi cũng “ngứa ngáy” vì những ấn phẩm này quy định khá chặt chẽ về số chữ, mà một trong các say mê của tôi từ trước đó là triển khai, công bố chuyên luận “dài hơi” có khi lên đến hàng vạn chữ. Và báo Nhân Dân điện tử đã tạo điều kiện giúp tôi thỏa mãn say mê.

Nghĩ thấy vui vui, đến nay, Nhân Dân điện tử đã có 23 năm tuổi đời, và cũng rất ngẫu nhiên, tôi sắm chiếc máy tính để bàn đầu tiên vào năm 1998. Hồi đó, kết nối internet chủ yếu thực hiện qua dịch vụ 1260 của điện thoại cố định. Đường truyền yếu nên truy cập chậm, hay chập chờn, nhưng ngày nào tôi cũng vào Nhân Dân điện tử vài lần để đọc báo, theo dõi tin tức. Vì thế, dù Nhân Dân điện tử đã đổi mới giao diện một số lần mà đến giờ tôi vẫn nhớ giao diện từng thời kỳ, hình thức của trang được tổ chức ra sao…

Tôi biết, đó là nỗ lực rất lớn của những đồng nghiệp Ban Nhân Dân điện tử, họ cố gắng đổi mới để trang báo không chỉ bảo đảm về chất lượng nội dung, mà còn có hình thức hấp dẫn, thuận tiện với người truy cập.     

Nhớ ngày đầu, làm quen và trò chuyện với anh Thuận Hữu (Ban Xây dựng Đảng), anh Trung Đông (Ban Văn hóa - Văn nghệ), chị Kim Anh, anh Thế Lân (Ban Chính trị - Xã hội), chị Hoàng Liên, anh Văn Lục (Ban Quốc tế), anh Hải Đường, anh Lê Mạnh Tuấn (Ban Nhân Dân cuối tuần), anh Đỗ Quang Hoàn (Ban Nhân Dân hằng tháng), anh Lê Nghiêm (Ban Nhân Dân điện tử),… tôi thấy mỗi người đều có “cái gì đó” để tôi học hỏi.

“Cái gì đó” nghe có vẻ trừu tượng, nhưng cụ thể hóa thì đó là cách thức tiếp cận, phát hiện và tổ chức bài vở; là chuẩn bị tri thức lý luận và sự hiểu biết; là khả năng quan sát và tầm nhìn các vấn đề, sự kiện, hiện tượng liên quan từ vi mô đến vĩ mô,… và đặc biệt, không được để bản thân trở thành “nhà báo phòng lạnh” mà phải luôn cố gắng tiếp sinh khí từ cuộc sống qua mở rộng giao lưu, các chuyến đi thực tế… Tóm lại, đó là các công việc đòi hỏi tôi phải nhanh chóng làm quen, và phải có sản phẩm là bài báo.

Lại nhớ một chuyện, về Báo Nhân Dân ít ngày, tôi được phân công dự và làm tin về một cuộc hội thảo quan trọng. Quả thực đến khi đó, vì làm báo “tay ngang” nên tôi chưa bao giờ học về thể loại báo chí, song tôi vẫn viết đại một cái tin. Hôm sau báo đăng, thấy tin tôi viết với tin đăng báo khá khác nhau, tôi cười một mình. Dè đâu ngay buổi trưa, vừa gặp Tổng Biên tập Đinh Thế Huynh, đã bị anh trêu. Ngượng quá, chiều hôm đó tôi vào thư viện xem các loại tin được viết như thế nào. Hôm sau lại thì thào với anh Thế Lân. Anh phác họa cho tôi mấy nét cơ bản, từ đó tôi mới biết viết tin!

Một may mắn nữa với tôi là sự quan tâm của các chú Hữu Thọ, Phan Quang. Hai chú động viên tôi, mỗi người một cách thức, chú Hữu Thọ vui vẻ, đôi khi rất hóm hỉnh, hài hước, chú Phan Quang thì chậm rãi, nghiêm cách, song hai chú đều chân thành, thiện chí. Vậy mà hàng chục năm trước, tôi nghĩ với hai chú, tôi chỉ có thể “kính nhi viễn chi” (đứng xa mà nhìn) và các cuốn sách được hai chú tặng, những cuộc điện thoại lúc tâm sự, lúc trao đổi công việc thực sự là kỷ niệm không thể nào quên. Hai chú đã góp phần giúp tôi sớm thích ứng với công việc.

Cứ như thế theo thời gian, đồng nghiệp và anh em, bạn bè trong Tòa soạn Báo Nhân Dân, với các cách thức khác nhau, đã giúp đỡ tôi. Và còn gì thú vị hơn khi tuổi không còn trẻ, vẫn thấy mình đã có thêm một bước trưởng thành.

Kỷ niệm 70 năm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu