65 năm các trường học sinh miền nam trên đất bắc

NDO -

NDĐT - Ngày 2-12, tại Hà Nội, Ban Liên lạc học sinh miền nam (HSMN) trên đất bắc tổ chức họp báo kỷ niệm 65 năm các trường HSMN trên đất bắc, tiếp tục khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ với việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam và xây dựng lại miền nam khi nước nhà được hòa bình, thống nhất.

Nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân là một trong những HSMN tiêu biểu phát biểu ý kiến.
Nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân là một trong những HSMN tiêu biểu phát biểu ý kiến.

Theo Ban tổ chức, năm 1954, sau Hiệp định Geneva, hàng vạn con, em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền nam đã được Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đưa ra miền bắc bằng nhiều đường khác nhau (chủ yếu là đường thủy) để học tập. Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, đặc biệt là cho xây dựng lại miền nam khi nước nhà được hòa bình, thống nhất, T.Ư Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định xây dựng các trường nội trú tập trung, nuôi và dạy số con em này của đồng bào miền nam. Hệ thống các trường HSMN trên đất bắc được ra đời từ quyết định quan trọng này.

Giai đoạn đầu (1954-1968), có 28 trường HSMN được thành lập với các loại hình: mẫu giáo, cấp I, II, III và bổ túc văn hóa. Trong số 28 trường, có một trường dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số và một trường dành cho con em người Việt gốc Hoa. Khi mới ra miền bắc, các trường chủ yếu tập trung ở Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình. Từ sau năm 1955, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đưa các trường HSMN về tập trung chủ yếu ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và Hà Nam.

Giai đoạn này cũng có một bộ phận HSMN được gửi sang học tại CHND Trung Hoa và CHDC Đức. Một bộ phận nhỏ được học chung với các học sinh địa phương (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội).

Từ năm 1968-1975, có thêm khoảng mười nghìn con, em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền nam tiếp tục được đưa ra miền bắc nuôi dưỡng, dạy dỗ nhằm bổ sung cho đội ngũ cán bộ miền nam sau ngày giải phóng. Số này ra miền bắc chủ yếu bằng đường bộ (theo đường Hồ Chí Minh), nâng tổng số HSMN lên 32 nghìn người. Từ năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền bắc ngày càng trở lên ác liệt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định chia nhỏ các trường HSMN, sơ tán về các địa phương ở trung du miền núi như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lạng Sơn… và một số được gửi sang Quế Lâm (Trung Quốc).

Giai đoạn từ 1954-1975, là giai đoạn miền bắc vô cùng khó khăn: vừa xây dựng và bảo vệ miền bắc, vừa tập trung chi viện tối đa cho chiến trường miền nam. Mặc dù vậy, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ vẫn dành cho HSMN những điều kiện tốt nhất về ăn, ở, học tập. Nhân dân miền bắc vẫn dành sự cưu mang, đùm bọc chân thành nhất các thế học HSMN. Nhờ đó, hơn 32 nghìn HSMN đều khôn lớn, trưởng thành và đã có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều HSMN đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị; trở thành các nhà khoa học đầu ngành, nhà doanh nghiệp tài năng, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ. Không ít người trong số đó được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý như: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân…

65 năm các trường học sinh miền nam trên đất bắc ảnh 1

Quang cảnh buổi họp báo.

Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 6 đến 8-12 với các nội dung: Về nguồn thăm, giao lưu với các địa phương trước đây trường đóng quân; gặp gỡ, tri ân các thầy giáo, cô giáo; mít-tinh tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình…

Mục đích kỷ niệm nhằm tiếp tục khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ với việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam và xây dựng lại miền nam khi nước nhà được hòa bình, thống nhất.

Tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của các nguyên lý giáo dục và phương châm giáo dục mà Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã áp dụng ở các trường HSMN; khẳng định những bài học từ mô hình các trường HSMN đối với sự nghiệp giáo dục hiện nay. Đồng thời, khẳng định công lao to lớn của đồng bào miền bắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam nói chung, đối với việc đùm bọc, chăm sóc, nuôi dưỡng các thế hệ HSMN nói riêng. Qua đó, nêu bật sự trưởng thành, sự đóng góp của các thế hệ HSMN đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ…