50 năm đặc công Hải quân- tượng đài về lòng quả cảm

NDO -

NDĐT - Sáng 12-4, các thế hệ những người lính đặc công Hải quân lại tụ hội về thành phố Cảng- “Thủ đô” của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng để cùng các cấp, các ngành và toàn lực lượng ôn lại truyền thống nửa thế kỷ hào hùng của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trên chiến trường sông biển.

 50 năm đặc công Hải quân- tượng đài về lòng quả cảm

Những mái đầu bạc trắng của ngày hôm qua cùng những khuôn mặt trẻ trung rám chắc của ngày hôm nay đã quây quần ôn lại những chiến công lẫy lừng ở Cửa Việt, Đông Hà, những Rừng Sác rực lửa…- những biểu tượng của lòng quả cảm trong đánh giặc, giữ nước của đặc công Hải quân nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.

Cách đây 50 năm, ngày 13-4-1966, Đoàn Đặc công nước 126 chính thức được thành lập trên cơ sở Đội 1 Đặc công nước Hải quân (Cục Hải quân) được hình thành năm 1963- tiền thân của Đoàng đặc công 126 Hải quân ngày nay. Khi đó, Đội 1 Đặc công nước có nhiệm vụ huấn luyện, triển khai phương án đánh tàu mặt nước của địch trên vùng sông, biển mà địch đang kiểm soát, nhằm triệt phá các tuyến giao thông thủy, bộ để tạo thế bao vây, chia cắt.

Và Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị) và Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) là mặt trận chính của những người lính đặc công Hải quân. Trên những vùng đất lửa đạn ác liệt này, với sự chở che, đùm bọc của nhân dân, những người lính đặc công Hải quân- những “rái biển” đã “xuất quỷ, nhập thần” khiến cho kẻ thù kinh hãi. Trong gần bảy năm bám trụ ở chiến trường này, với phương thức tác chiến độc đáo “luồn sâu, đánh hiểm, lấy ít thắng nhiều”, những người lính đặc công Hải quân đã đánh chìm 339 tàu chiến, tàu vận tải của địch và đánh hỏng 33 chiếc khác, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên, phá huỷ hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.

 50 năm đặc công Hải quân- tượng đài về lòng quả cảm ảnh 1

Các thế hệ đặc công Hải quân ôn lại truyền thống hào hùng.

\Những chiến công vang dội, liên tiếp, nhất là việc đánh chìm tàu chở dầu trọng tải 15 nghìn tấn US Noxubee của Mỹ, có chiều cao bằng ngôi nhà năm tầng trên biển Cửa Việt năm 1969… đã khiến cho kẻ thù “thất điên, bát đảo” và khiếp sợ trước sức mạnh của lòng quả cảm… Năm 1975, đặc công Hải quân đã vượt sóng to, gió lớn, bí mật, bất ngờ, cùng các lực lượng đã giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ, cùng quân, dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân…

Để có những chiến công oanh liệt đó, nhiều người lính đặc công đã mãi mãi không trở về, thân xác của các anh đã hòa vào lòng biển quê hương, không mộ chí, chỉ có sóng biển vẫn rì rào nhắc tên và sự quả cảm của các anh.

Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình, Anh hùng LLVTND, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Chính ủy Hải quân và cũng là người lính đặc công Hải quân năm xưa đã không khỏi xúc động khi nhắc đến những chiến công và những người đồng đội đã anh dũng hy sinh trên sông biển.

Phó đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Tình cùng với Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Mai Năng, nguyên Tư lệnh binh chủng Đặc công là những người lính đặc công Hải quân có mặt từ những ngày đầu thành lập lực lượng. Và hai ông đã là những hai nguyên mẫu trong khối tượng đài năm người của lực lượng đặc công Hải quân tại Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 ngày nay. Tượng đài có chiều rộng 40 mét, chiều cao 30 mét, biểu trưng là năm chiến sĩ đặc công: người chỉ huy, đặc công nước, đặc công đặc nhiệm chống khủng bố và đặc công người nhái trên khối cánh sóng. Từ khối trung tâm vút lên là biểu tượng của một thanh gươm thể hiện sự đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng của Đặc công Hải quân nói riêng và còn là biểu hiện sức mạnh của dân tộc và thời đại.

Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình cho hay, để có những chiến công vang dội đó, trong ký ức những người lính đặc công Hải quân không bao giờ quên sự đùm bọc của bà con, cô bác ở Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị)..., những ả Lành, chị Diệm, o Lài, cô du kích Nguyễn Thị Sen, xã đội trưởng Nguyễn Mễ, mẹ Phan Thị Lệ… đã chở che cho họ giữa nanh vuốt kẻ thù… Và một tượng đài của lòng dân, cùng với lòng quả cảm của người lính Cụ Hồ đã tạo nên sức mạnh đánh đuổi mọi đế quốc xâm lăng.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Đoàn đặc công 126 Hải quân đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, sáu lượt tập thể và 12 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, hàng trăm lượt tập thể và cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Và nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống, lực lượng đặc công Hải quân lại được Đảng, Nhà nước tặng thương Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất.

Đất nước hòa bình, nhưng những người lính Hải quân chưa một ngày ngơi nghỉ. Cùng với các lực lượng, đặc công Hải quân vẫn ngày đêm luyện rèn, doàn kết, xây dựng lực lượng ngày càng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thủ để bảo vệ vững chắc, toàn vẹn biển, đảo Tổ quốc. Chiến sĩ Nguyễn Văn Thơ, ở tiểu đội 3, trung đội 3, đại đội 2, tiểu đoàn 5, Đoàn đặc công 126 Hải quân, đại diện cho 350 chiến sĩ trẻ của đơn vị đã khẳng định quyết tâm luyện tập, nỗ lực phấn đấu và sẵn sàng xả thân vì sự toàn vẹn thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Anh dũng mưu trí, khắc phục khó khăn, đoàn kết lập công, chiến thắng liên tục” của Đơn vị anh hùng.