494 người đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV

NDO -

NDĐT – Qua kiểm tra xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 494 người trong số 496 người trúng cử đã đủ tư cách đại biểu Quốc hội, còn hai người không đủ tư cách, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia Phùng Quốc Hiển cho biết.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.

Theo Báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV do Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Phùng Quốc Hiển trình bày sáng 20-7, Hội đồng bầu cử quốc gia đã xác nhận 494 người đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV có đủ tư cách đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Hội đồng bầu cử quốc gia đã xác nhận hai người có tên sau đây không đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV. Một là ông Trịnh Xuân Thanh, đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại Đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội số 1, tỉnh Hậu Giang vì không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật. Hai là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại Đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội số 5, thành phố Hà Nội vì không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật và đã có Đơn xin rút khỏi danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng trình bày Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Về xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, bà Tòng Thị Phóng cho biết, ngày 9-6, Hội đồng bầu cử quốc gia đã công bố danh sách chính thức những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đến hết ngày 1-6, Ủy ban bầu cử các cấp đã hoàn thành việc công bố danh sách chính thức những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng bầu cử quốc gia đã thận trọng trong xem xét, xác nhận tư cách đại biểu, có biểu quyết bằng phiếu, kết quả không công nhận tư cách hai đại biểu. Như vậy, có 494 đại biểu Quốc hội đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV; cả nước có 3.907 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 25.180 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, 292.305 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được công nhận đủ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.

Báo cáo cũng cho biết, có 99,35% cử tri đã tham gia bầu cử trong tổng số cử tri cả nước là 67.485.482 người.
Về bầu cử đại biểu Quốc hội: Tổng số đại biểu trúng cử trong ngày 22-5 và bầu cử thêm ngày 29-5 ở Cần Thơ là 496 người (bầu thiếu 4 đại biểu so với tổng số đại biểu được bầu).

Trong đó: Đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu có 182 người trúng cử (tỷ lệ 36,70%); đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu: có 312 người (tỷ lệ 62,90%); đại biểu tự ứng cử: có 2 người (tỷ lệ 0,4%).

Cơ cấu kết hợp như sau: Đại biểu là người dân tộc thiểu số: 86 người (tỷ lệ 17,30%); Phụ nữ: 133 người (tỷ lệ 26,80%); Đại biểu là người ngoài Đảng: 21 người (tỷ lệ 4,20%); Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 71 người (tỷ lệ 14,30%); Đại biểu Quốc hội khóa XIII tái cử khóa XIV: 160 người (tỷ lệ 32,30%); Đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu: 317 người (tỷ lệ 63,90%); Đại biểu tự ứng cử: 2 người (tỷ lệ 0,4%).

Về trình độ: Trên đại học: 310 người (tỷ lệ 62,50%); đại học: 180 người (tỷ lệ 36,30%); dưới đại học: 6 người (tỷ lệ 1,20%).

Báo cáo đánh giá, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Cuộc bầu cử thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân từ giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày diễn ra cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai thực hiện.

Cuộc bầu cử cũng diễn ra trong tình hình an ninh ổn định, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, không có các tình huống bất thường xảy ra. Kết quả bầu cử cơ bản bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra, tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi, có trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước, phản ánh được tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; chất lượng đại biểu nâng lên đủ năng lực hoạt động với chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc bầu cử lần này cũng có hạn chế là chưa bầu đủ 500 đại biểu như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến, vẫn còn có trường hợp sau khi trúng cử phát hiện không đủ tư cách đại biểu Quốc hội, nên Hội đồng bầu cử quốc gia không xác nhận tư cách đại biểu; vẫn còn để xảy ra sai sót trong in ấn phiếu bầu dẫn đến việc phải hủy bỏ kết quả bầu cử và phải tiến hành bầu cử lại; sơ xuất trong việc kiểm soát số lượng phiếu phát ra, số phiếu thu vào, việc đóng dấu đã bỏ phiếu, vẫn còn có trường hợp bầu hộ, bầu thay.