Hà Nội mùa đông năm 1946

“Chúng tôi không muốn chiến tranh”

Ngày 7-12-1946, trả lời phỏng vấn phóng viên Berna Dranber, báo Paris - Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "... Ðồng bào tôi và tôi thành thật muốn hòa bình... Tôi tin như vậy. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp cũng không muốn chiến tranh... Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách..." (1).

Sau khi giành được Chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc tiếp xúc với Pháp để tìm giải pháp duy trì mối quan hệ Việt - Pháp, tạo sự thân thiện với "nước Pháp mới" sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ở Hà Nội đã có những cuộc tiếp xúc giữa Võ Nguyên Giáp và Jean Sainteny. Ở Sài Gòn có những cuộc tiếp xúc giữa Trần Văn Giàu và Jean Cedile. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có những cuộc tiếp xúc với những đại diện của Pháp ở Hà Nội khi đó như Leon Pignon, tướng Alessandri... Nhưng tất cả những điều đó không ngăn cản được dã tâm xâm lược của quân đội viễn chinh Pháp.

Từ đầu tháng 7-1946, trong lúc các cuộc hội đàm chính thức đang diễn ra giữa hai đoàn Việt - Pháp trong lâu đài Fontainebleau, tại Paris cũng diễn ra những hoạt động không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bạn bè thế giới, trước hết là Chính phủ và các tầng lớp nhân dân Pháp, hiểu rõ thiện chí hòa bình và nguyện vọng nóng bỏng của nhân dân Việt Nam là Ðộc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

"Hòa bình, ngăn chặn chiến tranh" đó là thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới nhân dân Pháp khi Người thăm khu di tích lịch sử Normandi trong thời gian tham hữu nghị nước Pháp năm 1946.

Trong thời gian hơn ba tháng trên đất Pháp, với tư cách là thượng khách của nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các đại biểu của Chính phủ Pháp, nhiều tổ chức đoàn thể và cả các cá nhân. Người đã có gần 60 cuộc tiếp xúc với giới báo chí, tiếp xúc với các Bộ trưởng, 14 tướng lĩnh trong Chính phủ Pháp và đô đốc, gặp gỡ Thủ tướng Pháp Bidault... Trong tất cả những cuộc tiếp xúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nêu rõ nguyện vọng chân thật của nhân dân Việt Nam là mong muốn giữ mối quan hệ Việt - Pháp "không có tiếng súng". Khi đi tham quan khu di tích lịch sử ở Noocmandi, Người đã lấy bàn tay bịt miệng khẩu đại bác như một biểu tượng của tinh thần: "Giữ gìn hòa bình! Ngăn chặn chiến tranh!". Ðó chính là thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam gửi tới nhân dân Pháp và những người cầm quyền Pháp khi đó.

Ngày 13-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với Charler Ronsack, báo France - tireur: "Tôi đến đây để hòa giải. Tôi không muốn về Hà Nội với hai bàn tay trắng. Tôi mong muốn trở về với những kết quả cụ thể, một sự khẳng định tương lai hợp tác mà chúng tôi mong đợi..." (2).

Trong những cố gắng cuối cùng để cứu vãn hòa bình trước khi kết thúc chuyến thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9-1946 với những sự nhân nhượng phía Pháp hơn nữa về những quyền lợi kinh tế, văn hóa; chấp nhận chủ quyền đối ngoại chưa được giải quyết... Phía Pháp phải bảo đảm thực hiện các quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ, thả những người Việt Nam bị Pháp bắt... Hai bên ngừng ngay các cuộc xung đột...

Nhưng ở Ðông Dương, D'Argenlieu và Valluy tranh thủ tình hình để biến những hành động xâm lược Ðông Dương thành "việc đã rồi" trước khi Chính phủ phe tả được thành lập. Họ đã thành công trong việc lái chính sách của Chính phủ Pháp từ đàm phán sang sử dụng sức mạnh quân sự bằng cách đổ lỗi cho phía Việt Nam gây ra chiến tranh.

Cho đến những ngày cuối năm 1946, không khí chiến tranh ngày càng "nóng" lên... Mọi quyết tâm và toan tính của những thế lực ưa chiến tranh ở Pháp và ở Ðông Dương khi đó là thực hiện một cuộc chiến chớp nhoáng, làm chủ khu vực đầu não, lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh và khôi phục lại vị trí thống trị Ðông Dương như những năm trước chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trong lúc tình hình hết sức khẩn trương, Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tìm mọi cách tiếp tục đấu tranh ngoại giao, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Chỉ trong hơn hai tuần đầu tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ba lần gửi thông điệp và điện cho Chính phủ Pháp, một lần gửi thư cho Ủy viên Cộng hòa Pháp J.Sainteny, đề ra những biện pháp cứu vãn hòa bình và ngăn chặn chiến tranh bùng nổ ở Việt Nam.

Khi chúng ta buộc phải "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: "Chúng tôi, Chính phủ và dân chúng Việt Nam nhất định đấu tranh giành độc lập và thống nhất toàn quốc, nhưng sẵn sàng hợp tác thân thiện với dân chúng Pháp"; "Chúng tôi yêu chuộng các bạn và muốn thành thực với các bạn trong khối liên hiệp Pháp vì chúng ta có chung một lý tưởng: tự do - bình đẳng - độc lập" (3).

Nhưng tại thời điểm cuối năm 1946, những cố gắng vãn hồi hòa bình đầy chính nghĩa của phía Việt Nam, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối cùng vẫn bị những người điều hành chính sách thuộc địa của Pháp làm đổ vỡ, khi thời đại thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ đã kết thúc.

Sau chín năm kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đại diện cho nhân dân Việt Nam mở cánh cửa hòa bình, thương lượng để chấm dứt chiến tranh. Một tuần sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Người khẳng định: "Nhân dân Việt Nam luôn luôn muốn giành độc lập và giải phóng nước Việt Nam bằng con đường hòa bình... Ngày nay nhân dân Việt Nam vẫn chủ trương giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách hòa bình" (4).

Hồ Chí Minh luôn kiên trì tìm cách hòa bình, tìm con đường hòa bình để đem lại hòa bình cho Tổ quốc với đầy đủ nội dung về quyền dân tộc.

Với con đường hòa bình, Hồ Chí Minh hướng đến điều hòa sự đa dạng về xu hướng chính trị, chế độ xã hội giữa các nước để các dân tộc gần gũi nhau, hiểu biết nhau, để mở rộng sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng và khu vực, để tăng thêm sức mạnh của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hướng tới hòa bình và thịnh vượng. Năm 1955, Người phát biểu: "Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình, tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được" (5).

Trong xu hướng chung hiện nay, các dân tộc ngày càng xích lại gần nhau. Sự cô lập trong quan hệ quốc tế là điều trái với quy luật. Trong bối cảnh mới, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng văn minh không tách khỏi những nỗ lực chung của cả nhân loại trong cuộc đấu tranh để thoát khỏi đói nghèo và bệnh tật, thoát khỏi chiến tranh và những thảm họa đang đe dọa con người, thiết lập một trật tự thế giới mới. Trên con đường đó, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, vẫn đang chủ động hội nhập, hợp tác để cùng phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu biểu cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

---------------------

1 Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử - Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 3, tr 387.

2 Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử - Sđd, Tập 3, tr 279.

3 Hồ Chí Minh - Toàn tập - Sđd, Tập 4, tr 482; 483

4 Hồ Chí Minh - Toàn tập - Sđd, Tập 7, tr 280

5 Hồ Chí Minh - Toàn tập - Sđd, Tập 8, tr 5