Xử lý dứt điểm đại dự án thua lỗ

Tuần qua, Thường trực Chính phủ có cuộc họp về các dự án chậm tiến độ, thua lỗ của ngành công thương.

Thông tin cập nhật mới nhất về tiến độ xử lý các dự án là đến nay, đã có ba dự án được đưa ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo xử lý của Ban Chỉ đạo. Đó là các dự án Nhà máy DAP số 1 Hải Phòng, dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước. Một số dự án đã duy trì được quá trình vận hành sản xuất, có sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động nhưng còn nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lớn. Bên cạnh đó, một số dự án còn dở dang hoặc dừng hoạt động. Đáng lưu ý, đến nay, các dự án tranh chấp hợp đồng tổng thầu EPC đã đàm phán nhiều lần nhưng không thành công. Đây là điểm nghẽn rất lớn đối với việc xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ ngành công thương vì có tới năm trong tổng số 12 dự án xảy ra tranh chấp về vấn đề này. Đối với các dự án khác, điểm nghẽn xử lý, tháo gỡ nằm ở khâu xây dựng phương án thoái vốn; khó khăn về tài chính, cơ cấu lại nợ, giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay... Chính phủ đã yêu cầu Ban chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan xác định hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án, bám sát quan điểm xử lý dự án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trên tinh thần kiên quyết xử lý theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xử lý dứt điểm tranh chấp hợp đồng EPC, tái cơ cấu theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn, đồng thời kiên quyết cho thực hiện phá sản, giải thể đối với các dự án, doanh nghiệp (DN) không có khả năng khắc phục... Từ những bài học về sự thất bại của quá trình “giải cứu” DN nhà nước trong quá khứ, nguyên tắc căn bản khi xử lý 12 dự án thua lỗ ngành công thương, đó là không cấp thêm vốn nhà nước và cho phá sản dự án không thể cứu vãn.
 
 Để xử lý dứt điểm chín dự án còn lại, Ban Chỉ đạo mà trực tiếp là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cần tập trung, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và DN thực hiện xếp loại, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án. Trong đó, phải hoàn thiện phương án xử lý cụ thể, bao gồm cả phương án bán, phá sản… kèm theo thời hạn thực hiện đúng tiến độ đề ra. “Đại phẫu” các “ung nhọt” là yêu cầu bắt buộc nhưng phải bảo đảm nguyên tắc hạn chế thấp nhất tiêu cực đối với ngân sách nhà nước và nền kinh tế, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, an ninh, quốc phòng, môi trường và ổn định xã hội. Từ những bài học về sự thất bại của quá trình “giải cứu” DN nhà nước trong quá khứ, một nguyên tắc căn bản cần tuân thủ là không cấp thêm vốn nhà nước cho dự án không thể cứu vãn. Những dự án nào không còn khả năng khắc phục thì kiên quyết thanh lý, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản nhà nước. Có như vậy, nguồn lực hàng chục nghìn tỷ đồng nằm chết trong các công trình mới được khơi thông, bổ sung vào nền kinh tế để tạo ra của cải vật chất đóng góp cho tăng trưởng.