Xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới, hải đảo

Bài 2: Lựa chọn tiêu chí phù hợp thực tiễn

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), lựa chọn tiêu chí phù hợp hoàn cảnh, đáp ứng được nguyện vọng của người dân để thực hiện trước là việc làm cần thiết ở các xã biên giới, hải đảo. Trong đó, bài học thành công ở những địa phương điển hình là biết khơi dậy sức dân, cùng dân bàn, thực hiện và để dân làm chủ...

Trường tiểu học xã Bản Díu (huyện Xín Mần, Hà Giang) được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trường tiểu học xã Bản Díu (huyện Xín Mần, Hà Giang) được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

(Tiếp theo và hết) (*)

Không "chạy" theo thành tích

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nhiều xã chọn tiêu chí phát triển giao thông để nâng cấp hạ tầng, có xã chọn tiêu chí hình thức sản xuất để nâng cao hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi, có xã lại chọn tiêu chí về nhà ở, về điện để thực hiện trước. Cũng có địa phương coi vấn đề nổi cộm trong số các tiêu chí cần duy trì sự bền vững là các hoạt động bảo vệ môi trường như xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, xử lý nước thải; xây dựng các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn; chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái, phát triển cây xanh...

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cường Bùi Xuân Tiến, vấn đề quan tâm của các xã đã về đích NTM lúc này là nâng cao chất lượng của các tiêu chí. Ðể giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được trong năm 2014, Nam Cường tiếp tục chủ động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường, phát triển sản xuất. Một số tiêu chí xã giữ vững và nâng cao chất lượng: giá trị sản xuất bình quân và thu nhập bình quân đầu người đã đạt cao hơn mức bình quân toàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,8%; an sinh xã hội được giữ vững, đời sống của người dân địa phương tiếp tục được nâng lên. Nam Cường hiện là một trong số ít xã đã xây dựng được lò xử lý rác thải. Nhưng không vì thế mà công tác tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ môi trường bền vững bị lơi lỏng. Ðây cũng chính là tiêu chí đã đạt được nhưng khó giữ nhất. Cũng như Nam Cường, xã Sơn Kim 1 gặp nhiều khó khăn về duy trì, bảo đảm vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư. Mặc dù tại các trục đường chính đều có thùng đựng rác, các hộ chăn nuôi tập trung đều có hầm xử lý bi-ô-ga nhưng do tốc độ phát triển chăn nuôi và ngành nghề tăng nhanh cho nên cần có giải pháp xử lý đồng bộ hơn mới phù hợp.

Khác với xã biên giới vùng cao Sơn Kim 1, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai có ít điều kiện thuận lợi để xây dựng NTM. Vừa lo vận động dân xây dựng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn, vận động 26 hộ gia đình tại thôn Phìn Hồ, Phan Cán Sử, Ngải Trồ không theo đạo trái phép, giúp bà con các dân tộc ổn định sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu để nâng cao năng suất, cán bộ xã lại phải lo hoàn thành hai tiêu chí về nhà ở và an ninh - trật tự đã được Ðảng ủy xã chỉ đạo. Vài tiêu chí thực hiện cho tốt, cho bền vững đã khó, nói gì đến hoàn thành tất cả các tiêu chí! Theo Chủ tịch xã Tráng A Lử, làm công tác phong trào không "chạy" theo thành tích được, cái gì dễ, dân cần nhất thì làm trước, cái gì khó chưa cần ngay thì làm sau, làm từ từ nhưng phải chắc chắn và bền vững.

Cùng là xã biên giới, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM. Kết quả này có được là do người dân và chính quyền nơi đây đã biết đồng lòng khai thác thế mạnh, tiềm năng của địa phương, đồng thời có được sự giúp đỡ đắc lực từ các chiến sĩ biên phòng cửa khẩu Chi Ma. Cán bộ lãnh đạo và người dân trong xã cùng xác định, việc gì dễ làm trước, khó làm sau, cho nên một số phong trào vốn được xem là bước đệm cho xây dựng NTM đã thành công ngoài sự mong đợi. Nhiều thôn, bản đã có nhà văn hóa; đáng chú ý có thôn Long Ðầu đã đạt danh hiệu Thôn văn hóa. Ði cùng những thành công đó phải kể đến việc cán bộ xã phối hợp Bộ đội Biên phòng vận động bà con đoạn tuyệt với những hủ tục, tập quán du canh du cư để đến với cuộc sống văn hóa mới...

Ðể các xã biên giới đạt chuẩn NTM

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chánh văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo T.Ư, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết, hiện chưa có chính sách đặc thù đối với các xã biên giới, hải đảo. Năm 2015, để đạt được tỷ lệ 20% số xã đạt chuẩn NTM trong toàn quốc, các địa phương vẫn tập trung ưu tiên cho các xã đã tiệm cận, hội đủ các yếu tố đạt chuẩn. Các xã miền núi biên giới, hải đảo tại một số tỉnh như Ðiện Biên, Hà Giang... đã xây dựng đề án riêng. Tuy nhiên, khi khảo sát cho thấy, ở nhiều xã các tiêu chí đạt rất thấp. Hiện nay cả nước đã đạt trung bình 11 tiêu chí NTM, nhưng riêng tỉnh Ðiện Biên bình quân mới đạt hai đến ba tiêu chí. Ngay tại Thanh Chăn, một xã vùng biên và là một trong hai xã trong số 11 xã điểm của Trung ương chưa đạt đủ 19 tiêu chí cũng đang gặp nhiều khó khăn khi một số tiêu chí đã đạt được, song đang xuống cấp (hạ tầng giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục...).

Với các xã biên giới, một trong những vấn đề đáng quan tâm lúc này là nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần cho người dân. Theo một số cán bộ địa phương, việc xóa đói, giảm nghèo cần thực hiện kiên trì theo kiểu "mưa dầm, thấm lâu" mới bền vững chứ không làm ào ào chạy theo thành tích. Nhiều người dân cho biết, sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước cần đi vào thực chất, phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống của bà con. Nhiều nơi, nguồn đầu tư chỉ tập trung vào đường sá, hạ tầng mà "quên" điều kiện quan trọng là người dân muốn gì, cần gì. Do đó, khi đầu tư vào các xã biên giới miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, bên cạnh việc nâng cao mức sống, cần đầu tư vào giáo dục.

Ðể các xã biên giới, hải đảo tiến kịp các xã có điều kiện thuận lợi, ngoài nỗ lực của địa phương, rất cần sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước, trong đó có chính sách đặc thù đối với từng xã; giải quyết đồng bộ nhiều lĩnh vực có liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân được nâng lên, tạo thành phong trào sâu rộng. Từ đó, tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng điểm, bức xúc trên địa bàn và có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt để huy động nguồn lực thực hiện. Chú trọng hơn nữa đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tích cực, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hàng hóa hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 8-4-2015.