Xây dựng nông thôn mới hướng tới phát triển đô thị (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong giai đoạn chuyển tiếp

Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, từ nay đến năm 2025, các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức sẽ thực hiện các tiêu chí để trở thành các quận mới của Thủ đô. Trong giai đoạn này, các huyện chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị, củng cố các làng nghề, kêu gọi nhà đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ.

Chăm sóc rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: BÁ HOẠT
Chăm sóc rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: BÁ HOẠT

Tập trung phát triển nông nghiệp đô thị 

Đi trên cầu Phùng nhìn về phía tả ngạn sông Đáy, ta không thấy bãi sông “xanh ngát một màu”, mà được phủ kín bởi mầu trắng của những ngôi nhà ni-lông, nhà lưới nối tiếp nhau. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết: “Đan Phượng có hơn 1.700 ha đất nông nghiệp, trong đó đất bãi sông rộng 530 ha. Trong quá trình xây dựng NTM, huyện đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biến vùng đất bãi thành vùng trồng hoa, cây ăn quả, rau an toàn... với kỹ thuật, công nghệ mới, ưu tiên nông nghiệp hữu cơ. Khi được xác định phát triển thành quận, Đan Phượng tiếp tục phát triển nền nông nghiệp đô thị, với thị trường chính là khu vực nội thành Hà Nội”. 

Để đạt được chỉ tiêu phát triển thành quận, cơ cấu kinh tế các huyện ngoại thành phải chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng công nghiệp, nông nghiệp. Đây là mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 của cả năm huyện đặt ra. Tuy nhiên, dân cư tại các huyện ven đô còn thưa, cơ sở thương mại - dịch vụ nhỏ lẻ. Bởi vậy, cần có lộ trình thích hợp cho giai đoạn “quá độ” này. Xây dựng nông nghiệp đô thị là hướng đi mà các huyện đang trong lộ trình phát triển thành quận triển khai. Nông nghiệp đô thị chú trọng đầu tư khoa học, công nghệ để gia tăng tối đa giá trị sản xuất, trong bối cảnh diện tích canh tác hạn chế.

Những năm qua, huyện Đan Phượng là địa phương thực hiện tốt việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp đô thị. Huyện đã tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật; hỗ trợ quảng bá, bán sản phẩm để khuyến khích người dân chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Nhờ đó, nhiều mô hình trồng hoa, trồng rau chất lượng cao đã ra đời. “Có nhiều mô hình, với mức đầu tư khác nhau, tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích các mô hình nông nghiệp sạch, nhưng mức đầu tư không quá cao”, ông Nguyễn Viết Đạt cho biết thêm. Thực tế, ở Đan Phượng, hệ thống nhà ni-lông, nhà lưới đều sử dụng khung tre, nứa, cho nên suất đầu tư không lớn, được áp dụng đại trà. Người nông dân chủ động hoàn toàn về chiếu sáng, tưới tiêu, khống chế được các mầm bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Xu hướng nông nghiệp đô thị cũng đã hình thành rõ nét ở Thanh Trì, với bốn vùng phát triển nông nghiệp gồm: Vùng trồng cây ăn quả ở xã Vạn Phúc (hơn 100 ha); vùng sản xuất rau an toàn ở các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà (145 ha, trong đó có hơn 50 ha được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP); vùng trồng lúa chất lượng cao tập trung ở các xã: Tả Thanh Oai, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh...; vùng nuôi trồng thủy sản ở các xã: Đại Áng, Đông Mỹ…

Kinh nghiệm ở một số quận như Tây Hồ, Hà Đông cho thấy, khối làng nghề không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa khi chuyển “từ làng lên phố”. Bởi vậy, phần lớn các huyện chuẩn bị phát triển thành quận thực hiện song song phát triển nông nghiệp đô thị với phát triển làng nghề, lựa chọn những ngành nghề mang lại giá trị kinh tế cao, ít gây ô nhiễm. Huyện Đông Anh đã phát triển vùng hoa, cây cảnh ở các xã: Tiên Dương, Tàm Xá…; rau an toàn Vân Nội; xây dựng thương hiệu “Nếp cái hoa vàng Đông Anh” cho vùng sản xuất lúa nếp diện tích 800 ha… Đối với khu vực  làng nghề, mới đây huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án chợ gỗ Vân Hà. Chủ tịch UBND xã Vân Hà Đỗ Thị Hảo cho biết: “Xã có 1.760 hộ làm nghề mộc thủ công mỹ nghệ và 300 hộ kinh doanh gỗ. Năm 2019, doanh thu từ nghề gỗ của xã đạt 310 tỷ đồng, chiếm 64% nguồn thu ngân sách xã. Việc xây dựng chợ gỗ Vân Hà sẽ tạo điều kiện cho nghề truyền thống phát triển”. Cuối năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập ba cụm công nghiệp làng nghề ở các xã: Thụy Lâm, Dục Tú, Liên Hà, nhằm tách khu vực sản xuất khỏi khu dân cư, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Đông Anh cũng xây dựng các nhãn hiệu tập thể: “Gỗ mỹ nghệ Vân Hà” xã Vân Hà, “Đậu làng Chài” xã Võng La, “Bún Mạch Tràng” xã Cổ Loa... để hỗ trợ các làng nghề.

Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Hoài Đức đã phát triển thành công vùng chuyên canh tập trung cây ăn quả với tổng diện tích 540 ha, gồm hàng trăm héc-ta nhãn chín muộn tại xã An Thượng, Đại Thành, Đông La; vùng trồng bưởi 230 ha... Chủ tịch UBND xã Đại Thành Lý Đình Quang cho biết: “Nhãn chín muộn hiện giờ đã là cây làm giàu của người dân địa phương. Xã có 115 ha nhãn chín muộn, sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn, doanh thu đạt hơn 50 tỷ đồng/năm. Những năm qua, nhiều hộ gia đình thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP, nhờ đó, chất lượng quả được nâng lên. Hạch toán kinh tế cho thấy, trừ các chi phí, mỗi héc-ta nhãn chín muộn thu lãi hơn 300 triệu đồng”. Hoài Đức hiện có 52 làng nghề truyền thống, hơn 1.300 doanh nghiệp, gần 11.200 hộ dân sản xuất, kinh doanh. Làng nghề cũng được đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ mới, tách dần khỏi khu dân cư, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm

Xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) vốn nổi tiếng là “vựa rau” lớn nhất của Thủ đô, với 285 ha rau xanh; trong đó có 26 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm rau an toàn Văn Đức không chỉ cung cấp cho các siêu thị mà còn xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Tuy nhiên, gần đây, Văn Đức trở nên nổi tiếng, được nhiều khách du lịch biết đến với “làng bích họa” Chử Xá. Các bức họa nằm trong dự án nông nghiệp sạch, thành phố xanh được UBND xã Văn Đức phối hợp Tổ chức kiến tạo cộng đồng ABC triển khai. Nhân dịp này, UBND xã Văn Đức, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm đã xây dựng đề án “Thí điểm mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại khu đất công thôn Chử Xá”. Đề án gồm nhiều hạng mục để khách du lịch có thể trải nghiệm các hoạt động ở làng quê như: câu cá, bắt cá bằng các ngư cụ cổ truyền, học làm nông nghiệp, giã gạo, học nấu ăn… Các hoạt động tại đây được kết nối với tua tham quan làng gốm Bát Tràng, làng gốm Kim Lan, đình Chử Đồng Tử… Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm, Phùng Thị Hoài Hương cho biết: “Bên cạnh tiềm năng du lịch truyền thống, thì du lịch trải nghiệm là một hướng ưu tiên của Gia Lâm. Các hoạt động tại Chử Xá được nhiều doanh nghiệp du lịch quan tâm”. Hiện mô hình đang bị “chững” lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, huyện Gia Lâm, xã Văn Đức sẽ sớm khởi động lại mô hình này.

Đổi mới trong tư duy làm du lịch tại Chử Xá chỉ là một trong nhiều thí dụ về phát triển du lịch của các huyện ven đô Hà Nội. Các huyện đều ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề kết hợp với du lịch sinh thái, tăng cường các hoạt động trải nghiệm gắn với nông nghiệp, qua đó, thúc đẩy các ngành thương mại, dịch vụ. Huyện Đông Anh có những di tích nổi tiếng như: Thành cổ Cổ Loa, đền Sái…; các huyện Hoài Đức, Đan Phượng có lợi thế về cảnh quan sông Đáy chảy qua, cùng nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng… Các huyện đều đã phối hợp Sở Du lịch Hà Nội chọn những lĩnh vực thế mạnh để đầu tư, phát triển, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. 

Giai đoạn từ nay đến 2025 được coi là giai đoạn “chuyển tiếp” của năm huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức, sau khi hoàn thành xây dựng NTM và triển khai thực hiện các tiêu chí để lên quận. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã biết tận dụng lợi thế, đồng thời, sớm nhìn nhận những nguy cơ nếu phát triển nóng vội, để đề ra lộ trình, chọn hướng phát triển phù hợp cho giai đoạn quá độ. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc. Ngoài vấn đề quy hoạch chưa theo kịp tốc độ phát triển, một số địa phương còn khó khăn trong triển khai các tiêu chí. Thí dụ, nhiều địa phương còn khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại; một số địa phương còn thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng khung; hay việc một số khu đô thị được xây dựng nhưng liệu có thu hút dân cư hay không vẫn là câu hỏi đặt ra… Phát triển năm huyện lên quận không chỉ nâng cao đời sống của nhân dân địa phương, mà còn nhằm “kéo giãn” mật độ dân số khu vực nội đô cũ. Do đó, việc thực hiện các tiêu chí, không chỉ là việc riêng của các huyện, mà cần sớm có sự vào cuộc của các cấp, các ngành của thành phố. 

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 14-9-2020.