“Vượt sóng” cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 1)

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) được đánh giá đem lại cơ hội lớn cho nước ta, khi lần đầu được tham gia một “sân chơi” không biên giới, không khoảng cách, sau ba lần lỡ nhịp các cuộc CMCN về cơ khí, điện khí hóa và tự động hóa trước đó. Nếu không chớp được cơ hội vàng này, dự báo những nguy cơ, thách thức mà chúng ta phải đối mặt sẽ hết sức khốc liệt.

Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại Trường đại học FPT.
Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại Trường đại học FPT.

Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, chúng ta cần tìm cho mình bước đi phù hợp, tầm nhìn bao quát và dài hạn, nhất là cần có những giải pháp hết sức cụ thể, căn cơ, đúng và trúng mới nâng cao hiệu quả, tăng khả năng thích ứng của quốc gia với “làn sóng” công nghệ mới, tận dụng tốt thời cơ để phát triển đột phá.

Bài 1: Tìm mũi nhọn đột phá

Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc CMCN 4.0 sẽ có tác động lớn, toàn diện đến mọi đối tượng, mọi ngành hay lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn hẹp, rất khó để hỗ trợ tất cả các ngành cùng thích nghi và tiến bộ, nếu đầu tư dàn trải là cầm chắc thất bại. Thay vào đó, các chuyên gia kiến nghị, Chính phủ cần lựa chọn một số ngành có lợi thế, tiềm năng để tập trung đầu tư, trở thành mũi nhọn đột phá, là “đầu tàu” kéo theo các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Bắt đầu từ công nghệ “lõi”

Khoảng bảy năm trước, mặc dù đã đạt được thành công mỹ mãn với việc trở thành doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu đất nước, nhưng trên thực tế, đà phát triển của Tập đoàn FPT lúc này bắt đầu đến ngưỡng “tới hạn” của chính mình, nhất là ở kế hoạch vươn ra thế giới. Trong lúc bí lối, lãnh đạo tập đoàn xác định cần phải tìm sự đột phá và FPT đã chọn công nghệ của tương lai làm “mũi dùi” xuyên thủng lớp “áo giáp” trì trệ đang bó kín quanh mình.

Công nghệ của tương lai chính là điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo,... những công nghệ cốt lõi ứng dụng cho in-tơ-nét vạn vật (IoT) - nền tảng của CMCN 4.0. Vượt khỏi sự kỳ vọng, bước chuyển mình đúng hướng của FPT lập tức được những tập đoàn danh tiếng trên thế giới như AT&T, Boeing hay Airbus,… mở rộng cánh cửa đón nhận. Đến nay, sau gần bảy năm tham gia cuộc chơi mới, riêng trong lĩnh vực các giải pháp IoT, Tập đoàn FPT đủ khả năng làm chủ “cuộc chơi”, cạnh tranh trực tiếp với các cường quốc về CNTT, trở thành đối tác của những tập đoàn hàng đầu trên toàn cầu. Hằng năm, doanh thu từ công nghệ “lõi” của FPT đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 70 đến 100% và “cán mốc” một tỷ USD/năm hoàn toàn trong tầm tay.

Chia sẻ về bí quyết thành công, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết: Thực tế, hồi đó FPT chưa có thế lực lớn trong mảng CNTT. Thậm chí, trên thế giới, tên tuổi của tập đoàn lúc đó còn thua xa những DN cùng lĩnh vực của Ấn Độ. Tuy nhiên, nhu cầu của các sản phẩm hỗ trợ IoT rất cao trong khi nguồn cung quá thiếu, vì thế ngay từ khi FPT đặt vấn đề, đã được các đối tác chấp nhận ngay và hưởng ứng nhiệt tình.

Điểm mạnh duy nhất FPT có được lúc bấy giờ là nguồn nhân lực, nhưng không phải nguồn nhân lực chất lượng cao, mà chỉ những kỹ sư CNTT ham hiểu biết, học hỏi. Vừa làm, vừa học, trau dồi kiến thức, giờ đây, FPT đang đứng vị trí thứ hai của thế giới khi có trong tay gần 600 kỹ sư có bằng cấp, chứng chỉ cao nhất trong lĩnh vực IoT. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 1.000 kỹ sư trong năm nay và khi đó, FPT càng có thêm sức mạnh để dễ dàng hợp tác với các tập đoàn hùng mạnh nhất toàn cầu.

Câu chuyện về hướng đi của FPT đã gợi mở những điều hoàn toàn mới mẻ cho Việt Nam, đó là tập trung phát triển mảng CNTT hỗ trợ IoT. Là nền tảng của CMCN 4.0, IoT chính là mối quan hệ giữa vạn vật (các sản phẩm, dịch vụ, địa điểm,…) và con người thông qua công nghệ kết nối cũng như các nền tảng khác nhau. Trong tương lai không xa, hàng tỷ thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, ô-tô, máy móc, vật dụng trong gia đình,... sẽ được kết nối đồng bộ với nhau, cho phép giám sát và tối ưu hóa tài sản cũng như các hoạt động ở mức rất chi tiết. Điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức mà chúng ta đang quản lý chuỗi cung ứng, từ đó tác động làm biến đổi tất cả các ngành công nghiệp, từ sản xuất đến cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe,... Do đó, việc đầu tư cho IoT đã trở thành “làn sóng” ở hầu khắp các nước phát triển.

Theo dự báo của một hãng phân tích kinh tế, đến năm 2020, các nền kinh tế sẽ tăng cường đầu tư cho các giải pháp để phát triển hệ sinh thái IoT ước khoảng 6.000 tỷ USD - một thị trường đầy tiềm năng. Với đà phát triển vũ bão đó, IoT sẽ thúc đẩy tăng trưởng hết sức mạnh mẽ đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, theo nhận định của ông Trương Gia Bình, sức cạnh tranh trong lĩnh vực này chưa thật sự khốc liệt do các doanh nghiệp CNTT lớn chuyên gia công phần mềm của thế giới chưa “để mắt” tới lĩnh vực mới này.

Do đó, Việt Nam đang đứng trước nhiều lợi thế nếu chủ động tham gia sớm vào cuộc chơi, một hướng đi không những mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, mà còn giúp tạo lập một nền tảng vững vàng về công nghệ 4.0 mang tầm quốc gia, hình thành bệ đỡ quan trọng thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Quan trọng hơn, để hình thành nền tảng này, cũng không cần quy mô đầu tư lớn như với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp hoàn cảnh nguồn lực đất nước còn hạn hẹp như hiện nay. Ngoài ra, sự phát triển của IoT còn đóng vai trò quyết định trong việc phát triển hệ sinh thái sáng tạo tại Việt Nam.

Giải bài toán nhân lực “Chỉ bằng chi phí xây dựng 30 km đường, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành trung tâm trong cuộc CMCN mới của thế giới”. Cách nói ví von tưởng như đùa của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình mà thật 100% khi trả lời câu hỏi Việt Nam cần làm gì để tận dụng tốt cơ hội do “làn sóng” công nghệ mới mang lại. Theo lý giải của ông Trương Gia Bình, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề án hỗ trợ đào tạo khoảng 400 nghìn “lao động số” gồm các kỹ sư CNTT cũng như lao động trong các lĩnh vực khác, có khả năng thao tác ứng dụng công nghệ, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong “kỷ nguyên 4.0”.

Theo đề án, chương trình đào tạo kỹ năng cho “lao động số” trong 18 tháng, mỗi tháng học viên được Nhà nước hỗ trợ hai triệu đồng, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 14.500 tỷ đồng. Theo tính toán, suất đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khoảng 460 tỷ đồng/km, khoản hỗ trợ đào tạo cho “lao động số” này chỉ tương đương chi phí xây dựng khoảng 30 km đường hiện nay.

Đúc kết từ thành công của FPT khi tham gia cuộc chơi CMCN 4.0, ông Trương Gia Bình khẳng định: Nếu kế hoạch thành công, với lực lượng “lao động số” hùng mạnh nêu trên, Việt Nam đủ khả năng là “điểm hút” công nghệ và mô hình kinh doanh của tương lai. Riêng trong lĩnh vực CNTT, chỉ cần đáp ứng đủ hai điều kiện là nước ta sẽ có ngay mũi đột phá. Thứ nhất là tư duy sẵn sàng triển khai những ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới, thứ hai là sự đáp ứng về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính đánh giá, nước ta luôn nằm trong nguy cơ thiếu hụt lớn về nhân lực CNTT.

Nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15 nghìn việc làm được tuyển dụng trong năm 2016. Dự báo, đến cuối năm 2018, so với nhu cầu thực tế, Việt Nam vẫn thiếu khoảng 70 nghìn nhân lực về CNTT và đến năm 2020 dự báo thiếu khoảng 500 nghìn nhân lực. Một vấn đề khác là chất lượng nguồn nhân lực còn yếu, bởi sau khi tiếp nhận các DN thường phải tổ chức đào tạo lại mới sử dụng được.

Để giải quyết bài toán này, phải thật sự coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Cục trưởng CNTT (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng cơ chế đổi mới về chính sách đào tạo đặc thù cho ngành CNTT trong giai đoạn mới với mục tiêu tăng quy mô cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, có nhiều giải pháp mới như không quy định chỉ tiêu đào tạo mà để đầu ra quyết định; thay đổi cơ chế về giảng viên, thỉnh giảng để tạo điều kiện cho các kỹ sư cùng tham gia giảng dạy, nhất là về thực hành; tạo liên kết chặt chẽ giữa DN và nhà trường, DN có thể đặt hàng nhân lực với cơ sở đào tạo theo mong muốn, đồng thời tham gia vào quá trình biên soạn giáo án và xây dựng chuẩn đầu ra nhằm tăng cường chất lượng đào tạo sát với yêu cầu của thị trường;...

Không chỉ chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành CNTT, chúng ta còn phải lo cả cho các ngành kinh tế khác để sẵn sàng ứng phó biến đổi do CMCN 4.0 mang lại. Theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới, đến năm 2020, lao động nhà máy và sản xuất sẽ giảm 1,63%; khối hành chính và văn phòng giảm 4,91%. Trong khi đó, lao động ngành IoT tăng trưởng 5%, dữ liệu lớn (Big Data) tăng khoảng 4,9%; điện toán, toán học tăng khoảng 3%,...

GS Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản - JAIST) nhận định: Dưới tác động của CMCN 4.0, nhiều loại lao động sẽ tăng lên, nhiều loại sẽ giảm đi và cùng với đó, có nhiều lao động mới dự báo sẽ xuất hiện. Do đó, để thích ứng, người lao động cần phải sở hữu nhiều kỹ năng như quản lý, kỹ thuật số và cả những kỹ năng mềm. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho thời chuyển đổi số là bắt buộc và cấp thiết. Chúng ta cũng phải thay đổi rõ nét về mục tiêu, nội dung và cách thức đào tạo để tương thích với thời đại mới.

Đối với lao động CNTT, cần đề cao tính sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Còn những lao động phổ thông khác, cần có kỹ năng làm chủ bản thân thời chuyển đổi số, kỹ năng tin học cũng như làm việc tập thể,... Ngoài ra, cần có những chính sách tốt nhằm thu hút nhân tài, nuôi dưỡng lực lượng khoa học tinh hoa, gắn họ với mục tiêu phát triển của đất nước. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có đủ lực lượng để chèo chống “con tàu” Việt Nam vượt qua “cơn sóng” CMCN 4.0, đồng thời tận dụng tốt những cơ hội đem lại để có bước phát triển đột phá.

CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của tri thức nên điều kiện tiên quyết là phải có tri thức, giáo dục. Mặc dù công nghệ, máy móc hết sức tiên tiến, nhưng cuối cùng vai trò của con người vẫn là quan trọng nhất bởi chính con người phải đưa ra những quyết định cuối cùng.

NGUYỄN TRUNG CHÍNH, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC

(Còn nữa)