Vượt khó về đích

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những yếu tố bất lợi về thời tiết, điều kiện thi công, các công trình trọng điểm trong lĩnh vực dầu khí đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, không hoàn thành mục tiêu đề ra.

Công trường thi công dự án hóa dầu Long Sơn.
Công trường thi công dự án hóa dầu Long Sơn.

 Ðể vượt khó, đơn vị thi công đã triển khai hàng loạt giải pháp như tăng cường nguồn nhân lực, đầu tư máy móc, thiết bị cũng như tăng ca, tăng kíp,... nhằm sớm đưa công trình về đích.

Gặt hái thành quả

Ðưa chúng tôi tham quan khu vực đang hoàn trả mặt bằng sau thi công thuộc địa phận huyện Long Ðiền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Phó Giám đốc Ban dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Lilama) Nguyễn Ðức Hậu cho biết, sau gần một năm nhận thi công lắp đặt đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 với chiều dài gần 40 km, đến nay đơn vị đã hoàn thành, bàn giao chủ đầu tư đưa vào vận hành khai thác từ ngày 4-1 vừa qua. Lilama đang thực hiện những phần việc như hoàn trả mặt bằng và hoàn thiện một số hạng mục. Tuy nhiên, để đạt thành quả nêu trên, đơn vị đã trải qua rất nhiều khó khăn, trở ngại: Lập kế hoạch thi công trong mùa khô nhưng do nhiều yếu tố bất khả kháng cho nên thời gian thực hiện bị trễ. Ðến khi thi công là giai đoạn mùa mưa khiến các biện pháp kỹ thuật thường xuyên phải chỉnh sửa, thay đổi cho phù hợp thực địa. Trong đó, tuyến ống có nhiều đoạn đi qua khu dân cư, vùng đầm lầy, thường xuyên ngập nước, địa hình đa dạng, phức tạp, hành lang thực hiện tuyến ống có nhiều chỗ bị "bó" về diện tích đã gây rất nhiều khó khăn khi đưa thiết bị lớn vào làm việc.

Có vị trí, đơn vị thi công gặp phải lớp đá cứng, đoạn ống dài hơn 200 m nhưng mất gần bốn tháng mới hoàn thành. Kỹ sư Lê Văn Bạo cho biết: "Công đoạn mất thời gian nhất là khoan phá lớp đá cứng, phải làm thủ công để bảo đảm an toàn cho các tuyến ống đang khai thác. Thời gian cao điểm các tốp kỹ sư, công nhân làm việc từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Nhiều đoạn thi công gặp mạch nước ngầm tuôn chảy xối xả, để khắc phục, chúng tôi phải đào hố thu nước, huy động máy bơm công suất lớn để bơm cạn, chờ khô mới tiếp tục lắp đặt, hàn ống. Không chỉ vậy, do mặt bằng thi công chật hẹp, để lắp được đường ống, nhiều chỗ phải đào sâu, luồn xuống dưới tuyến ống đang hoạt động"...

Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 nằm trong "Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035", trong đó, giai đoạn 1 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2015 với chiều dài 151 km. Tuyến đường ống này đóng vai trò kết nối, thu gom khí khai thác từ các mỏ thuộc bể Nam Côn Sơn vận chuyển về bờ, cung cấp cho khu vực Nam Bộ. Dự án tiếp tục được triển khai giai đoạn 2 với đường ống biển dài khoảng 118 km và đường ống trên bờ dài gần 40 km. Do đó, việc hoàn thành đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 đúng tiến độ không chỉ thể hiện sự nỗ lực rất lớn của nhà thầu mà còn góp phần quan trọng vào bảo đảm nguồn an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng cả nước.

Thúc đẩy tiến độ

Ðược đánh giá là một trong những dự án công nghiệp nặng quan trọng nhất ở khu vực phía nam, với tổng mức đầu tư hơn năm tỷ USD, dự án hóa dầu Long Sơn hiện đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thi công, hướng đến mục tiêu vận hành thương mại vào cuối năm 2022. Dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu sản phẩm hóa dầu như nhựa, hóa chất, cung cấp nguyên liệu để phát triển các ngành công nghiệp liên quan. Khác với nhiều dự án, dự án này có năm tổng thầu, chia thành năm khu vực riêng, phần của ai thì người đó quản lý, còn phần điều hành chung do chủ đầu tư quản lý (không có tổng thầu điều hành). Ðiều này khiến tình hình an ninh trật tự không được bảo đảm, nguy cơ lớn thất thoát vật tư, thiết bị khi lượng người ra vào khó kiểm soát. Anh Dương Ngọc Thân, cán bộ phụ trách thi công kết cấu thép thuộc Lilama cho biết, các đơn vị luôn phải nâng cao cảnh giác, bảo quản nghiêm ngặt các trang thiết bị, vật tư. Ðồng thời triển khai linh hoạt các biện pháp thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các hạng mục theo đúng mục tiêu đề ra.

Giám đốc Ban dự án hóa dầu Long Sơn (Lilama) Lê Hải Long cho biết, dự án nằm ở khu vực biên giới hải đảo cho nên có nhiều quy định khắt khe, do đó, chủ đầu tư, tổng thầu yêu cầu rất nhiều các thủ tục để đưa người và phương tiện, thiết bị thi công vào công trường. Chưa kể, quy trình làm thủ tục rất khó khăn, mất nhiều thời gian như chủ đầu tư tham gia kiểm soát quá sâu vào quản lý thực hiện dự án của tổng thầu dẫn đến nhiều thủ tục để thi công như giấy phép làm việc, đánh giá an toàn công việc,... cần được phê duyệt của cả tổng thầu lẫn chủ đầu tư, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Hiện Lilama tham gia ba trong năm gói thầu của dự án với khoảng 1.300 công nhân đảm nhận các công việc về cơ khí như chế tạo ống và giá đỡ ống, sơn ống, lắp đặt ống ngầm, ống nổi,...

Trong quá trình thi công có một số vấn đề phát sinh đòi hỏi phải xử lý kịp thời, giải pháp thi công cũng phải đa dạng, phù hợp từng hạng mục. Các công việc đều được lên kế hoạch chi tiết với từng mốc tiến độ cụ thể để bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo giữa các nhà thầu. Ðến nay, cả ba gói thầu có sự tham gia của Lilama đều đáp ứng được tiến độ đề ra. Trong đó, gói thầu G và gói thầu B triển khai thuận lợi, đang đẩy mạnh lắp đặt toàn bộ các hạng mục công việc của gói thầu. Gói thầu A còn gặp một số khó khăn, chưa đẩy nhanh được vì điều kiện mặt bằng và cung cấp thiết bị chậm so với kế hoạch. Ngoài tăng cường phối hợp giữa các nhà thầu để đồng bộ các hạng mục trên công trường đang là yêu cầu bức thiết hiện nay, thì việc sớm khống chế, kiểm soát được dịch Covid-19 sẽ tạo điều kiện để dự án, công trình sớm về đích. Bởi lúc đó nguồn cung cấp trang thiết bị, nhân lực, các chuyên gia cao cấp trực tiếp thi công sẽ không bị hạn chế đi lại, "đứt gãy" như hiện nay.

Ðể đáp ứng tiến độ chung, Lilama sẵn sàng kế hoạch tăng ca, tăng kíp, bổ sung nhân lực, thiết bị, phối hợp chặt chẽ với các tổng thầu và đơn vị liên quan nhằm thực hiện tốt, bảo đảm chất lượng từng hạng mục công việc, phấn đấu đưa dự án về đích đúng hẹn. Khi dự án đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động; đồng thời tạo ra xu thế đầu tư mới, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực sau hóa dầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu trong tương lai.

Bài và ảnh: Xuân Hoàng