Chuyện thị trường

Vươn lên để cạnh tranh sòng phẳng

Động thái Central Group Việt Nam có văn bản gửi tới 200 nhà cung cấp hàng may mặc cho hệ thống Big C Việt Nam (do Central Group Việt Nam sở hữu trong 10 năm) thông báo về việc tạm dừng hoạt động thu mua, ngay lập tức gây nên phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Các đơn vị cho rằng, việc đột ngột ngừng hợp tác sẽ gây nhiều thiệt hại về tài chính. Nghiêm trọng hơn, đây có thể sẽ là sự khởi đầu cho một chiến dịch loại bỏ dần hàng Việt, nhường chỗ cho hàng ngoại nhập tràn vào các hệ thống bán lẻ do DN nước ngoài sở hữu. Những ý kiến này nhanh chóng nhận được sự quan tâm và ủng hộ trong toàn xã hội. Kết quả, chỉ hai ngày sau khi có tuyên bố đầu tiên, Central Group Việt Nam đã mở lại đơn hàng cho 50 nhà cung cấp và sau đó là 100 nhà cung cấp khác trong vòng hai tuần tiếp theo. Tuy nhiên, đơn vị này cũng khẳng định, các nhà cung cấp còn lại sẽ phải làm việc lại kỹ hơn với Big C về vấn đề chưa đáp ứng được quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký với hệ thống này.

Câu chuyện nêu trên rõ ràng là sự cảnh báo trong bối cảnh ngày càng nhiều hệ thống bán lẻ trong nước đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua lại. Một số chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên có những quy định cụ thể để bảo vệ DN và hàng hóa trong nước trước sự xâm lấn ngày càng mạnh mẽ của hàng ngoại nhập. Trong đó cần quy định về tỷ lệ bắt buộc của hàng Việt trong mỗi hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại lập luận, trong cơ chế thị trường, Central Group hoàn toàn có thể dừng mua hàng của các nhà cung cấp hiện nay để tìm kiếm nguồn hàng khác chất lượng hơn, giá rẻ hơn. Thậm chí, khi hàng ngoại nhập chất lượng tốt và giá rẻ thì tại sao phải bắt người tiêu dùng mua hàng nội.

Việt Nam đang hội nhập toàn diện với thế giới trong bối cảnh "luật chơi toàn cầu" ngày càng chi phối nền kinh tế quốc gia. Thậm chí, thị trường trong nước từ nay cũng sẽ là "sân chơi chung" và DN nội sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với DN ngoại ngay trên "sân nhà" với những "luật chơi" chung hoàn toàn mới. Do đó, dù Nhà nước sẽ luôn nỗ lực bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích cho các DN trong nước, là bệ đỡ giúp họ chống chọi lại sức ép mạnh mẽ từ các DN nước ngoài, thì bản thân các DN cũng cần từ bỏ tư duy ỷ lại vào sự bảo hộ, bao cấp, ưu đãi của Nhà nước, phải chấp nhận cạnh tranh và quy luật đào thải của thị trường. Từ đó, tập trung áp dụng khoa học - công nghệ mới, quy trình quản lý và sản xuất hiện đại, tiên tiến để liên tục nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh cũng như giảm giá thành sản phẩm. Và khi hàng Việt đã có được chất lượng tốt, giá rẻ, khả năng cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập và đạt được sự tin tưởng tuyệt đối của người tiêu dùng, chắc chắn không phải lo chuyện bị ép hay "hất cẳng" ra khỏi các hệ thống bán lẻ.