Vĩnh Long ưu tiên hỗ trợ phát triển các lĩnh vực có lợi thế

Vĩnh Long phấn đấu năm 2020 có khoảng 400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trong đó, tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhanh về số lượng, bảo đảm yêu cầu về chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Dây chuyền lau bóng gạo của Công ty TNHH Phước Thành IV ở xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Ảnh: BÁ DŨNG
Dây chuyền lau bóng gạo của Công ty TNHH Phước Thành IV ở xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Ảnh: BÁ DŨNG

Theo đó, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...; song song các giải pháp cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và thực hiện dịch vụ bưu chính công trong tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Tỉnh yêu cầu các cấp, ngành công khai, minh bạch thông tin chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về thủ tục gia nhập thị trường, tiếp cận vốn tín dụng; tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp; xây dựng hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê mặt bằng sản xuất.

Tỉnh tập trung các giải pháp tìm kiếm, khuyến khích đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, chuyên gia... nhằm hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp khả thi. Trong năm 2019, tỉnh Vĩnh Long đã phát triển được 363 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 3.612 tỷ đồng, quy mô vốn đầu tư trung bình của một doanh nghiệp là 9,95 tỷ đồng.

* Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích canh tác.

Qua 5 năm thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Thái Nguyên đã hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất tập trung, sản phẩm được chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn như: vùng sản xuất rau tập trung với tổng diện tích hơn 1.200 ha áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn, VietGAP, ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, sản xuất rau trái vụ; vùng sản xuất chè tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong chế biến, diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGAP hơn 2.000 ha...

Ðối với lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có hơn 770 trang trại; trong đó, có khoảng 225 trang trại ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; 168 cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm; 56 trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh; 36 trang trại chăn nuôi VietGAP. Ngoài ra, một số mô hình sản xuất liên kết chuỗi trong chăn nuôi đã được hình thành. Bên cạnh đó, sản xuất thủy sản công nghệ cao trong nuôi thâm canh như sử dụng chế phẩm sinh học, máy tự động cho cá ăn, máy tạo dòng chảy lưu thông nước, máy sục khí trong nuôi cá lồng,... được nhiều hộ dân trong tỉnh ứng dụng, hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt.

Tuy nhiên, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn ở mức thấp, lĩnh vực chế biến bảo quản ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển. Việc tích tụ đất đai để doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nguồn vốn đầu tư lớn và trình độ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu. Do vậy, cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ từ Trung ương để tỉnh triển khai mở rộng quy mô các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên với quy mô 154,36 ha.