Vì sao Lào Cai xin trả lại hơn 500 tỷ đồng vốn ODA đầu tư công?

NDO -

Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào tình hình thực tế triển khai và giải ngân thực hiện các chương trình, dự án, UBND tỉnh Lào Cai đã đề nghị điều chỉnh kế hoạch giảm vốn đầu tư công, từ nguốn vốn nước ngoài (ODA), với tổng số tiền là 531 tỷ đồng. Vì sao tỉnh Lào Cai trả lại tiền đầu tư công?

Nhà máy xử lý nước thải thành phố Lào Cai, được xây dựng từ nguồn vốn ODA, có công suất xử lý 4.300 m3 nước thải/ngày đêm.
Nhà máy xử lý nước thải thành phố Lào Cai, được xây dựng từ nguồn vốn ODA, có công suất xử lý 4.300 m3 nước thải/ngày đêm.

Theo đó, ngày 10-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã ký văn bản số 3663 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xin điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2020, với tổng số tiền 531 tỷ đồng, trong đó, vốn cấp phát từ ngân sách Trung ương là 368 tỷ đồng, vay lại 163 tỷ đồng, của năm chương trình, dự án.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã làm việc với ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai về nội dung này. Năm 2020, tỉnh Lào Cai được giao 1.015 tỷ (tròn số) đồng vốn nước ngoài, trong đó cấp phát từ ngân sách trung ương là 683 triệu đồng, vay lại 331 triệu đồng, để phân bổ cho 10 chương trình, dự án trên địa bàn. Sau khi rà soát, kiểm tra thực tế việc giải ngân nguồn vốn ODA ở địa phương, tỉnh Lào Cai xin được điều chỉnh, trả lại vốn đầu tư công của năm chương trình, dự án, đó là:

Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) lần thứ 2, thuộc Tiểu dự án đô thị Sa Pa (vốn ADB) xin giảm 209 tỷ đồng. Lý do cụ thể, ngày 11-3-2020, tỉnh Lào Cai đã trình các bộ, ngành Trung ương việc sử dụng vốn tiết kiệm sau đấu thầu, vốn kết dư và gia hạn thời gian thực hiện dự án đến hết ngày 30-6-2020, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được phê chuẩn nên không thể giải ngân hết kế hoạch vốn giao năm 2020.

2_3-1598588534671.JPG
 Từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh Lào Cai đã xây dựng tuyến đường vành đai dọc sông Hồng, mang tên Võ Nguyên Giáp, với tiêu chí xanh - sạch - đẹp.

Dự án phát triển các đô thị loại vừa, thuộc Tiểu dự án thành phố Lào Cai, từ khoản vay bổ sung -AF (vốn WB), xin giảm 205 tỷ đồng; trong đó vốn cấp phát từ ngân sách Trung ương 111 tỷ đồng. vốn vay lại là 94 tỷ đồng. Lý do Dự án ký hiệp định từ năm 2017 nhưng đến tháng 7-2019 mới được giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch vốn năm 2019 nguồn vốn ODA và Bộ Tài chính mới chấp thuận ký hợp đồng vay lại thì dự án mới được triển khai. Hiện nay, một số gói thầu mới được trao thầu và đang trình thẩm định ra kết quả phê duyệt thiết kế BVTC và dự toán công trình để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, do đó không thể giải ngân hết kế hoạch vốn giao năm 2020.

Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) xin giảm 30 tỷ đồng. Lý do trả vốn là việc xác minh chỉ số giải ngân (DLI) được Đoàn tư vấn của Ngân hàng thế giới chỉ thực hiện một lần trong năm (thông thường vào tháng 6), trong khi quá trình chuyển vốn về địa phương từ khi hoàn thành xác minh chỉ số DLI khá dài, từ ba đến bốn tháng, nếu tháng 6 xác minh xong thì đến tháng 10 hoặc tháng 11 tiền mới được chuyển về địa phương, dẫn đến chậm giải ngân các khối lượng đã thực hiện của nhà thầu, vì vậy sẽ rất khó khăn trong việc bảo đảm các gói thầu phải hoàn thành đúng thời điểm xác minh của dự án để đáp ứng tiêu chí giải ngân DLI.

Dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn huyện Bắc Hà (vốn vay Quỹ Co-oét) xin giảm 47 tỷ đồng. Lý do là dự kiến quý I-2020, Quỹ Co-oét sẽ sang Việt Nam thẩm định dự án và đàm phán ký hiệp định. Tuy nhiên, so ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, đến nay Quỹ Co-oét vẫn chưa sang Việt Nam để thẩm định dự án, do vậy không thể giải ngân vốn giao năm 2020.

5_1-1598588534743.jpg
Nâng cấp hệ thống đường giao thông và thoát nước ngầm ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) bằng nguồn vốn ODA.

 Cuối cùng là chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (vốn WB) xin giảm 38 tỷ đồng. Lý do, những năm đầu thực hiện Chương trình này, vốn ngân sách Trung ương cơ bản đều cấp tạm ứng vốn theo đề nghị rút vốn của tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2020 Chương trình này không thực hiện tạm ứng vốn như trước nữa mà ngân sách Trung ương chỉ cấp phát vốn dựa vào kết quả đạt được đến hết năm 2019 và kinh phí dự kiến đạt được cho kết quả của năm 2020. Trong khi đó, tổng vốn tạm ứng cho Lào Cai đến hết năm 2019 đã vượt so kết quả đạt được, do Kiểm toán Nhà nước công nhận, vì vậy chỉ được tạm ứng một phần kinh phí để thực hiện cho kết quả năm 2020.

Bên cạnh các lý do trực tiếp nêu trên, tỉnh Lào Cai cũng đánh giá việc phải trả lại vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài còn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới việc thiếu nhân công, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư XDCB của các dự án ODA. Một số dự án phải điều chỉnh, bổ sung hồ sơ thiết kế, vướng mắc về đền bù GPMB ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và thực hiện giải ngân vốn. Một số dự án nhóm Ô, thuộc lĩnh vực nông nghiệp, giao thông hoàn toàn phụ thuộc vào Bộ Chủ quản và Ban Quản lý dự án ODA Trung ương nên phần rút vốn phụ thuộc vào các Ban Quản lý của các bộ nói trên; trình tự thủ tục phải trình qua nhiều bước mất nhiều thời gian; dự án gồm nhiều tỉnh tham gia nên phải chờ nhau để thực hiện như làm đơn xin rút vốn, rồi chờ cơ quan Kiểm toán đi kiểm đếm đối với dự án giải ngân dựa trên kết quả thực hiện, do đó kéo dài thời gian rất lâu.

Để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài (ODA), tỉnh Lào Cai kiến nghị hai vấn đề then chốt, đó là:  Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính rà soát, kiểm tra lại quy trình, thủ tục theo hướng tháo gỡ khó khăn, đơn giản các thủ tục trong quá trình thẩm định dự án, giao vốn, thanh toán vốn; trước mắt là gia hạn thời gian thực hiện đối với dự án sử dụng vốn kết dư (như dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông thuộc Tiểu dự án đô thị Sa Pa). Do tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan có thể thực hiện hình thức thẩm định trực tuyến (online) để triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài.