Vì sao giải ngân vốn đầu tư công lại chậm?

Cho tới đầu tháng 9, sau rất nhiều chỉ đạo và đôn đốc từ Chính phủ tới các cơ quan liên quan, tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, số ước thanh toán cho tới hết tám tháng năm nay mới chỉ đạt xấp xỉ 38% kế hoạch Quốc hội giao, đạt 41,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018.

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công lại chậm?

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân nguồn vốn trong nước đạt 41,3% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 44,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương 153 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt là nguồn vốn từ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) là 8,3 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 20,75% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 23,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tám tháng năm 2019 của các bộ, ngành và địa phương thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, và chỉ có năm bộ, ngành cùng tám trong số 63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 70%.

Vốn chờ dự án

Theo kế hoạch, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2019 theo Nghị quyết Quốc hội là 429,3 nghìn tỷ đồng, đã phân bổ được hơn 425,3 nghìn tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ giao xấp xỉ 390 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 344 nghìn tỷ đồng, đạt 93,16%. Như vậy, kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2019 đã được Quốc hội phân bổ nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ giao còn 36 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn chưa giao kế hoạch năm 2019 do chưa đủ điều kiện.

Bộ Tài chính cũng cho biết, cho tới nay, số vốn chưa phân bổ chi tiết là 1.500 tỷ đồng, đều do địa phương quản lý. Bóc tách ra, trong số vốn đã giải ngân, số vốn do Trung ương quản lý được giải ngân nhanh hơn vốn do địa phương quản lý. Tại tỉnh Ninh Thuận, trong khi lũy kế cấp phát, thanh toán vốn ngân sách trung ương hỗ trợ đạt 65% thì kế hoạch vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương mới chỉ đạt 48%. Tại TP Cần Thơ, tổng số vốn được giải ngân mới đạt gần 32%, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương đạt gần 35%, nguồn vốn ngân sách địa phương chỉ đạt 30,4%. Đáng chú ý, là tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn TPCP chỉ đạt 3,2%.

Nhiều bộ, ngành trung ương cũng có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Tại Bộ Y tế, tính tới gần hết tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 20% dự toán được giao, tương đương 1.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước chỉ đạt 26%, vốn TPCP chỉ đạt 11%, vốn vay nước ngoài chỉ đạt 10%. Đối với nguồn vốn kéo dài từ năm 2018 sang, Bộ Y tế cũng mới giải ngân được 1%. Tại Bộ Ngoại giao, có dự án chỉ mới giải ngân được 0,89%, có dự án không giải ngân được đồng vốn nào. Tại Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 14% kế hoạch năm 2019.

Cần tháo gỡ thủ tục đầu tư

Lý giải về nguyên nhân giải ngân chậm, nhiều địa phương và bộ, ngành cho biết, trong các vướng mắc, khó khăn, điển hình nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư. Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, sở dĩ Bộ Y tế có tỷ lệ giải ngân thấp là do một số dự án sử dụng vốn đầu tư NSNN đang thi công, nghiệm thu khối lượng để giải ngân hoặc đang triển khai công tác đấu thầu cho nên chưa đủ điều kiện giải ngân. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn TPCP thì chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng chậm, đang tiến hành thủ tục đấu thầu. Theo các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, sau khi được giao vốn, các dự án mới có thể triển khai các bước lựa chọn nhà thầu (tư vấn, thiết kế, thi công,...). Vì vậy, việc giao kế hoạch vốn chậm đã làm ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai các dự án, nhất là thủ tục kéo dài, có những dự án nhóm A có thời gian chờ đợi là hơn 1.600 ngày, nhóm B hơn 800 ngày. “Công tác chuẩn bị thủ tục hồ sơ dự án, phê duyệt thiết kế, dự toán kéo dài làm ảnh hưởng tiến độ triển khai thực hiện dự án, ký kết hợp đồng thi công và giải ngân vốn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải phân tích.

Do vướng mắc về thủ tục cho nên trong thực tế, việc chưa có sản phẩm để giải ngân là điều dễ hiểu. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Miên, việc không nhất quán giữa Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Đất đai nếu không được gỡ bỏ, giải quyết rốt ráo thì tình trạng lúng túng, chậm giải ngân đầu tư công sẽ còn kéo dài. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng đề xuất việc giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm cũng cần phải thực hiện ngay từ đầu năm để địa phương kịp thời triển khai thực hiện. Năm 2019 đã gần qua, Đà Nẵng mong muốn được sớm giao kế hoạch đầu tư công năm 2019 còn lại để bảo đảm tiến độ giải ngân năm nay, còn đối với số vốn được phân bổ trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 thì đề nghị Trung ương giao dứt điểm trong đầu năm 2020 để Đà Nẵng có cơ sở kết thúc kế hoạch này, tạo thuận lợi cho việc lập kế hoạch giai đoạn tới.

Trước phản ánh của các bộ, ngành và địa phương, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đầu tiên cần tháo gỡ các vướng mắc trong công tác xây dựng, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn. Một số chủ đầu tư chưa lường trước được các yếu tố tác động cho nên xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với khả năng thực hiện của các dự án, dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn nhiều so với khả năng thực hiện, vì vậy kết thúc năm, dự án không giải ngân hết kế hoạch được giao, phải cắt giảm hoặc chuyển nguồn sang năm sau. Bằng chứng là năm 2018 và 2019 đã có một số bộ có văn bản trả lại kế hoạch vốn, như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, cũng có một số dự án không có khả năng thực hiện vẫn được đăng ký và giao kế hoạch vốn cho nên không thể giải ngân, hoặc ngay từ bước đăng ký nhu cầu vốn đã có tình trạng không sát với khả năng cân đối nguồn vốn, chưa bảo đảm nguyên tắc ưu tiên bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng. “Chính vì vậy, quy trình giao kế hoạch vốn bị kéo dài bởi khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo số kiểm tra kế hoạch năm, buộc phải rà soát lại phương án phân bổ thì cũng coi như làm lại phương án”, Phó Vụ trưởng Đầu tư (Bộ Tài chính) Mai Thị Thùy Dương phân tích.

Đến thời điểm này chỉ còn hơn ba tháng nữa là kết thúc năm. Với tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công nêu trên, nếu không có những giải pháp đột phá, quyết liệt thì tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm, trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế.

Vướng ở thủ tục quyết toán

Tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, quá trình hiệp thương thỏa thuận bồi thường kéo dài đương nhiên là làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công công trình. Không những thế, một số công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng rồi mà vẫn chưa thực hiện được công tác quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, chủ đầu tư đang thực hiện kiểm toán độc lập, lập báo cáo quyết toán và trình phê duyệt báo cáo quyết toán vốn hoàn thành, chưa có cơ sở thanh toán, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân.

LƯƠNG VĂN HẢI

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản

Liên quan tới kế hoạch đầu tư công trung hạn, mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ vướng mắc cho 69 dự án bị vướng nợ đọng xây dựng cơ bản từ rất lâu, với tổng số tiền lên tới hơn 2.300 tỷ đồng. Đây là số nợ đọng kéo dài nhiều năm tại 69 dự án này, nếu không được bố trí vốn trả nợ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì dự án tiếp tục bị “treo”, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân các dự án của ngành giao thông vận tải nói chung.