Ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

NDO -

Trong chương trình công tác tại các tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ KHĐT đã thăm, làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Quảng Nam về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2020.

Đoàn công tác của Bộ KHĐT thăm, làm việc tại tỉnh Bình Định
Đoàn công tác của Bộ KHĐT thăm, làm việc tại tỉnh Bình Định

Chuyến công tác nhằm nắm bắt tình hình kinh tế, qua đó biết cụ thể khó khăn ở khâu nào để có giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện ở mức cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và định hướng cho cả giai đoạn 2021 - 2030 của các địa phương.

* Tại buổi làm việc ngày 7-7, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ủng hộ và thống nhất nhiều kiến nghị đầu tư dự án của Bình Định và đề nghị tỉnh nên chọn dự án ưu tiên để được cân đối vốn đầu tư, nhất là những dự án có tác động sớm và mạnh đến sự phát triển của tỉnh.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh hoàn toàn ủng hộ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đoạn cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định có chiều dài khoảng 170km (đoạn qua địa bàn Bình Định khoảng 110km) đấu nối với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và điểm cuối dự kiến nối vào hầm Cù Mông (đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng), với định hướng đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025.

“Tuyến cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Bình Định nằm trong tổng thể đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam là tuyến giao thông ‘xương sống’ trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Còn với dự án đường ven biển, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và cho rằng rất cần thiết đầu tư để tỉnh hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, mở rộng không gian phát triển kinh tế; tạo quỹ đất phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế..., đồng thời còn đóng vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về tổng thể quy hoạch phát triển chung của Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, tỉnh cần phải xây dựng được nguyên tắc, tiêu chí riêng để phát triển. Trong đó, cần tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, định vị các lợi thế của mình để khai thác, phát huy lợi thế riêng có.

“Bình Định có lợi thế hạ tầng giao thông, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, với hệ thống cảng hàng không, cảng biển, đường bộ, đường sắt. Thêm vào đó, một lợi thế nữa là khu kinh tế Nhơn Hội - một trong tám khu kinh tế trọng điểm của cả nước được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt của Trung ương. Đây là những điều kiện rất tốt để Bình Định nắm bắt cơ hội, hoạch định tương lai phát triển kinh tế - xã hội một cách chủ động”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

* Trước đó, ngày 5-7, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Quảng Nam để tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, huy động tìm kiếm nguồn lực khớp nối hạ tầng liên kết không gian vùng.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao Quảng Nam đã giữ được quy hoạch vùng ven biển, nhất là hai bên đường 129 xem đây như là “của để dành”; đồng thời phân bổ không gian, nguồn lực đầu tư hợp lý. Định hướng quy hoạch thể hiện rõ nét, ở khu vực phía bắc là tập trung phát triển du lịch - dịch vụ; còn phía nam mà trọng tâm là Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển công nghiệp.

Đồng tình với định hướng đầu tư sân bay Chu Lai ngoài nguồn ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, phải xác định sân bay Chu Lai có lợi thế riêng biệt mà nhiều sân bay lớn của cả nước không có được, là trung tâm về sửa chữa, trung chuyển phụ tùng, linh kiện, thiết bị của các hãng hàng không trong khu vực và quốc tế.

“Trục chính ven biển 129 sẽ là hành lang kinh tế. Quan điểm nhất quán là tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho vùng đông trước; vùng tây tính sau và vùng này chỉ phát triển nông nghiệp hữu cơ, mô hình nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao, lo an sinh xã hội tốt. Liên kết vùng ở đây tất yếu phải gắn kết cho được Đà Nẵng và Dung Quất (Quảng Ngãi)” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về đầu tư, lãnh đạo Bộ KHĐT ủng hộ Quảng Nam chủ trương xây dựng trường dạy nghề cấp vùng theo tiêu chuẩn quốc tế bằng nguồn vốn vay ODA; ưu tiên các dự án mới từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống biển kết nối các trục ngang.