Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015:

Tỷ giá cần linh hoạt theo hướng giảm giá VND

NDO -

NDĐT – Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề: “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” công bố ngày 28-5 khuyến nghị, chính sách điều hành tỷ giá cần “linh hoạt theo hướng giảm giá VND, duy trì hoặc tiếp tục tăng cường dự trữ ngoại hối để tăng niềm tin đối với chính sách tiền tệ”.

Hai kịch bản kinh tế Việt Nam cho năm 2015.
Hai kịch bản kinh tế Việt Nam cho năm 2015.

Đồng thời, tiếp tục cải cách, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại nhằm tạo tiền đề cho sự hồi phục tỷ suất sinh lời, tăng tích lũy vốn cho hệ thống. Tiếp tục tái cơ cấu danh mục tài sản có rủi ro cao.

Báo cáo lần này áp dụng phương pháp mới để ước tính mức tỷ giá cân bằng và mức độ sai lệch tỷ giá ở Việt Nam. Nhóm tác giả sau đó sử dụng mô hình cân bằng bằng tổng thể để đánh giá tác động của việc điều tiết tỷ giá ở những ngành khác nhau.

Nhóm tác giả cho rằng việc duy trì tỷ giá VND/USD ổn định danh nghĩa như hiện nay, trong bối cảnh nhiều đồng tiền mạnh đã giảm giá trong năm 2014, sẽ khiến đồng Việt Nam ngày càng bị đánh giá cao. Điều này đang tích lũy những bất ổn vĩ mô tiềm tàng, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp, du lịchvà những ngành xuất khẩu thâm dụng lao động.

Báo cáo cũng đánh giá tác động của việc gia nhập TPP đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong nhiều kịch bản được phân tích, kết quả cho thấy Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 nước tham gia đàm phán ký kết xét trên khía cạnh phúc lợi xã hội và thay đổi về GDP. Tuy nhiên, ảnh hưởng là không đồng đều giữa các ngành, và có một số ngành bị tác động tiêu cực ở quy mô lớn.

Báo cáo dành riêng Chương 6 có tiêu đề “Hướng tới hội nhập bền vững thị trường lúa gạo –Cách tiếp cận cấu trúc thị trường”, sử dụng cách tiếp cận phân tích đặc điểm cấu trúc thị trường lúa gạo Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, từ đó đưa ra những nhận định về các vấn đề cốt lõi của thị trường xuất khẩu gạo hiện nay.

Theo Báo cáo: “Dưới áp lực cạnh tranh ngày càng lớn của thị trường xuất khẩu, nghiên cứu đề xuất thay đổi định hướng ngành lúa gạo tập trung phát triển thị trường nội địa”. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng có các đề xuất khác như nới lỏng điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nới lỏng quy chế hạn điền,... để làm lành mạnh thị trường lúa gạo Việt Nam.

Chương cuối cùng của Báo cáo đưa ra hai kịch bản cho tăng trưởng và lạm phát cho năm 2015. Theo đó, Kịch bản 1: tăng trưởng đạt 6,1% và lạm phát 1,9%; Kịch bản 2 có tăng trưởng 6,3% và lạm phát 3,2%.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức công bố. Báo cáo tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 400 trang dự kiến xuất bản vào đầu tháng 7-2015 và báo cáo tiếng Anh dự kiến xuất bản vào tháng 9-2015, phát hành trên thị trường quốc tế.