Tuyến cao tốc lên cửa ngõ đông bắc chuẩn bị "cán đích"

Những ngày này, nhịp độ lao động trên công trường tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (theo hình thức BOT) càng khẩn trương. Các nhà thầu thi công đang chạy đua với thời gian, phấn đấu hoàn thành những hạng mục công việc để thông xe trong tháng 9-2019. Ngoài nối thông từ Thủ đô Hà Nội lên cửa ngõ đông bắc Tổ quốc, tuyến đường cao tốc hiện đại này còn mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và hoàn thiện bức tranh hạ tầng giao thông.

Các nhà thầu triển khai thi công thảm bê-tông nhựa trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, phấn đấu hoàn thành thông xe trong tháng 9-2019.
Các nhà thầu triển khai thi công thảm bê-tông nhựa trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, phấn đấu hoàn thành thông xe trong tháng 9-2019.

Kiểm soát chặt chất lượng thảm bê-tông nhựa

Quốc lộ 1 từ Hà Nội lên Lạng Sơn lâu nay vẫn đóng vai trò là tuyến đường huyết mạch, độc đạo, gánh vác khối lượng hàng hóa vận chuyển từ Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng lên Lạng Sơn. Sau nhiều lần cải tạo, mở rộng, dường như tuyến đường này đã không thể "đuổi kịp" tốc độ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương dọc tuyến và nền kinh tế. Theo quy hoạch, đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn nối từ Thủ đô Hà Nội tới cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), sẽ góp phần quan trọng giảm ách tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong khu vực. Khi hoàn thành, ngoài rút ngắn về khoảng cách và thời gian vận chuyển, tuyến đường còn cho phép nâng cao năng lực vận tải lên gấp nhiều lần, góp phần giảm tai nạn, ách tắc giao thông so tuyến đường hiện hữu...

Một trong những công việc trọng tâm của dự án hiện nay là đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thảm mặt đường. Ðể đáp ứng tiêu chuẩn của tuyến đường cao tốc hiện đại, mặt đường được thảm nhiều lớp nối tiếp nhau như lớp bê-tông nhựa, lớp pô-li-me chống hằn lún, trên cùng là lớp tạo nhám giúp phương tiện bám đường tốt hơn, nhất là khi phương tiện lưu thông với tốc độ cao. Kỹ sư Bùi Hải Lý, đại diện đơn vị tư vấn giám sát của dự án cho biết, tiến độ thảm bê-tông nhựa trên toàn tuyến đạt hơn 70%, một số vị trí đã thi công lớp tạo nhám. Nhà thầu hiện bố trí sáu mũi thi công bê-tông nhựa và ba mũi thi công lớp tạo nhám, ngày cao điểm, khối lượng thi công có thể đạt 6.000 tấn. "Ðể kiểm soát chặt chất lượng, việc thi công bê-tông nhựa do ba nhà thầu đủ năng lực đảm nhiệm, tránh việc chia thành từng gói nhỏ, khi khớp nối dễ bị vênh nhau", kỹ sư Bùi Hải Lý chia sẻ. Các đơn vị nhà thầu thảm bê-tông nhựa đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, dây chuyền rải bê-tông nhựa khổ lớn lên tới 17 m, bằng khổ đường một phía, bảo đảm liền mạch. Tại dự án, nhà đầu tư đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng tốt hơn. Mái ta-luy được gia cố bằng khung bê-tông kết hợp các ô địa kỹ thuật, sử dụng máy phun đất có trộn hạt giống cỏ, giúp ổn định, giữ đất, chống sạt lở, vừa tạo cảnh quan môi trường.

Ðại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là tuyến huyết mạch không chỉ cho hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn, mà còn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía bắc và cả nước, được Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Lạng Sơn rất mong đợi. Ðể hỗ trợ nhà đầu tư, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo do một đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm trưởng ban, cam kết giải phóng và bàn giao mặt bằng cho dự án trong thời gian ngắn nhất để thi công; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nhà thầu hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Nâng cao hiệu quả khai thác dự án

Mặc dù chính quyền các địa phương phối hợp tốt nhà đầu tư vận động người dân bàn giao mặt bằng, nhưng gần đến ngày thông xe, nỗi lo vướng mắc mặt bằng mới được giải tỏa. Hạng mục cầu vượt tại Km 93 là một trong những vị trí cuối cùng trên tuyến nhận bàn giao mặt bằng thi công. Phần cầu đã cơ bản hoàn thành, nhưng vị trí chính tuyến bị người dân cản trở, gây ít nhiều khó khăn khi triển khai thi công. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn Nguyễn Quang Vĩnh cho biết: Người dân yêu cầu bổ sung cống chui gần cầu vượt, không có trong thiết kế và bất hợp lý bởi đường dân sinh sẽ đi dưới cầu vượt, bảo đảm an toàn cho phương tiện lưu thông. Chính quyền địa phương đã lên kế hoạch bảo vệ thi công, phối hợp nhà thầu để triển khai các hạng mục, bảo đảm tiến độ thông xe vào tháng 9 tới theo đúng kế hoạch.

Tập đoàn Ðèo Cả, nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Hữu Nghị - Chi Lăng hiện đã ứng vốn tự có để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, trong đó, đã hoàn thành kiểm đếm và giải phóng mặt bằng được 8 km. Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ðèo Cả, dù chưa có nguồn vốn tín dụng nhưng nhà đầu tư vẫn quyết tâm thực hiện dự án Hữu Nghị - Chi Lăng bởi khi hoàn thành tuyến đường này sẽ phát huy cao nhất hiệu quả toàn tuyến cao tốc, tăng lưu lượng, bảo đảm phương án đầu tư. Theo dự báo, sau khi đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành, một lượng lớn phương tiện sẽ chuyển từ quốc lộ 1 hiện tại sang lưu thông trên đường cao tốc. Tuy nhiên, thực tế điểm cuối tuyến phía Lạng Sơn vẫn còn cách TP Lạng Sơn khoảng 30 km và cách cửa khẩu Hữu Nghị 45 km. Ði hết đường cao tốc, phương tiện vẫn phải "chui" theo tuyến đường kết nối ra quốc lộ 1 cũ để đến TP Lạng Sơn hoặc lên cửa khẩu hay đi các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Quảng Ninh. Vô hình trung, điểm cuối tuyến sẽ trở thành "nút cổ chai", là điểm nghẽn khiến hiệu quả khai thác của đường cao tốc bị giảm. Ðể giải tỏa ách tắc này, cần thiết phải đầu tư tiếp tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nối tiếp cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng hiện đã hoàn thành các thủ tục pháp lý nhưng chưa thể triển khai thi công do vướng mắc về nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng. Ðược biết, theo phương án tài chính ban đầu, trên quốc lộ 1 đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ có hai trạm thu phí, nhưng nhà đầu tư đã chủ động bỏ một trạm, chỉ thu phí tại trạm Km93+160. Trạm thu phí này để hoàn vốn cho dự án cải tạo quốc lộ 1 và đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, do vậy, phương án tài chính của dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng bị "âm" dòng tiền. Trong vòng ba năm, từ nay đến năm 2021, khi đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dự kiến hoàn thành, dự án cần bổ sung dòng tiền 600 tỷ đồng. Ðiều này khiến nhiều ngân hàng e ngại khi cấp tín dụng cho dự án bởi chưa rõ dòng tiền sẽ được bổ sung từ nguồn nào.

Ðể dự án được triển khai, bên cạnh nỗ lực của nhà đầu tư, chính quyền các địa phương cần vào cuộc, tìm kiếm giải pháp hợp lý về nguồn vốn. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn cũng đang xúc tiến thực hiện dự án đường cao tốc Ðồng Ðăng - Trà Lĩnh. Nếu các dự án này triển khai theo đúng kế hoạch đề ra, hạ tầng giao thông các tỉnh khu vực miền núi phía bắc sẽ được cải thiện đáng kể, mang lại diện mạo mới, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có tuyến đường đi qua.