Triển vọng xuất khẩu vào thị trường EU

NDO -

Ngày 28-1, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức hội thảo “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa vào Liên minh châu Âu thông qua cửa ngõ Ba Lan khi EVFTA có hiệu lực”.

Quang cảnh buổi hội thảo “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa vào Liên minh châu Âu thông qua cửa ngõ Ba Lan khi EVFTA có hiệu lực”.
Quang cảnh buổi hội thảo “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa vào Liên minh châu Âu thông qua cửa ngõ Ba Lan khi EVFTA có hiệu lực”.

Ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc ITPC cho biết, Ba Lan là một thị trường quan trọng và năng động nằm ở trung tâm của Trung Âu. Ba Lan có dân số đông, lực lượng lao động trẻ và trình độ tay nghề cao, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh thân thiện, triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và vị trí thuận lợi cho phép tiếp cận với thị trường 500 triệu dân của Liên minh châu Âu (EU). Khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã đem lại nhiều lợi thế và cơ hội đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam - Ba Lan.

Năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt 2,115 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2019 và xuất siêu sang Ba Lan đạt 1,433 tỷ USD. Trong khi đó, quan hệ thương mại Việt Nam – EU không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thương mại hai chiều tăng 13,5 lần trong vòng 20 năm, từ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 55,429 tỷ USD năm 2020.

Triển vọng xuất khẩu vào thị trường EU -0
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của các công ty trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh. 

Để xuất khẩu vào thị trường EU, các đại biểu cho rằng, doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý tới quy tắc xuất xứ trong EVFTA. Theo quy định, chỉ những hàng hóa có xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Khi xuất khẩu hàng hóa vào EU, việc nắm vững và thực hành đúng các quy tắc xuất xứ được quy định sẽ tránh được các rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về các hàng rào kỹ thuật (TBT), như quy định không được sử dụng hóa chất trong thực phẩm, sản phẩm dệt may; bảo đảm nguồn gốc hợp pháp theo Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Cùng với đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ về những quy định trong Công ước CITES nhằm bảo vệ các loại động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm để tránh vi phạm khi xuất khẩu vào EU. Đối với doanh nghiệp thủy sản thì cần lưu ý tới quy định IUU về việc ngăn chặn việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo…