Trên tầng than, lời Người vang mãi...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đội ngũ công nhân ngành than. Ngày 30-3-1959, Người đã về thăm mỏ than Ðèo Nai (Quảng Ninh).

Khai thác than tại Công ty Than Thống Nhất.
Khai thác than tại Công ty Than Thống Nhất.

Hơn 60 năm đã trôi qua, lời căn dặn của Bác trên tầng than mỏ Ðèo Nai vẫn luôn là nguồn động viên tinh thần to lớn, ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ thợ mỏ vững tin vượt qua khó khăn, thử thách,...

Khắc ghi lời dạy của Bác

Ngành than Việt Nam đã có lịch sử gần 180 năm, kể từ năm 1840, Vua Minh Mạng ban chỉ dụ cho phép khai thác than tại Ðông Triều (Quảng Ninh). Cùng với tiến trình lịch sử, đội ngũ công nhân mỏ được hình thành, tôi luyện và lớn mạnh cùng đất nước. Ngày 12-11-1936, hơn 30.000 thợ mỏ vùng than đã tổ chức tổng bãi công, buộc chủ mỏ và chính quyền thực dân Pháp phải nhượng bộ. Khẩu hiệu "Kỷ luật và đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng" của cuộc tổng bãi công đã trở thành cương lĩnh hành động, là mệnh lệnh cho đội ngũ công nhân vùng mỏ trong suốt chặng đường đi theo Ðảng, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong suốt gần một thế kỷ qua. Ðèo Nai là đơn vị duy nhất của ngành than được vinh dự đón Bác Hồ về thăm.

Trên tầng than Ðèo Nai, Người đã khen ngợi thành tích giữ gìn máy móc, thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa của công nhân mỏ, đồng thời căn dặn cán bộ, công nhân thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, cho nhân dân và con cháu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, theo lời kêu gọi của Người, ngành than là đơn vị kinh tế duy nhất tổ chức được Binh đoàn Than, lực lượng quân đội chính quy khoảng 2.000 thợ mỏ lên đường vào nam đánh Mỹ.

Tại vùng than, thợ mỏ ở trên tầng cao, trong lò sâu hay bên xưởng máy đã lao động quên mình cho dòng than tuôn chảy, đóng góp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, chi viện chiến trường miền nam. Ngày 15-11-1968, Người mời đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành than đến gặp mặt tại Phủ Chủ tịch và ân cần căn dặn: "Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc".

Sau khi thống nhất đất nước, bước vào thời kỳ đổi mới, với hành trang mang theo là lời căn dặn của Bác Hồ, đội ngũ thợ mỏ đã thi đua tăng sản lượng, quy mô khai thác, lao động sáng tạo để đưa ngành than trở thành một ngành kinh tế kiểu mẫu, trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ðội ngũ thợ mỏ ngành than tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với các phong trào thi đua lao động sản xuất đạt năng suất cao, năng suất kỷ lục. Suốt chặng đường hơn 50 năm qua, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất với tinh thần "sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc", lập nên những kỳ tích, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Ðảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Ứng dụng công nghệ khai thác than hiện đại

Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại để tăng năng suất lao động, gia tăng sản lượng khai thác và tiết kiệm nguồn vàng đen của đất nước. Với công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than hầm lò, hệ thống băng tải vận chuyển than, đất đá, các hệ thống khai thác giếng đứng sâu đến 500 m,... đã khẳng định vị trí vững vàng của ngành than sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu như năm 1995, năm đầu thành lập Tổng công ty Than Việt Nam, sản lượng than khai thác mới đạt hơn 7,2 triệu tấn, đến năm 2018, TKV đã sản xuất và tiêu thụ hơn 40 triệu tấn. Ngoài ra, tập đoàn còn phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp khác như khoáng sản, luyện kim, hóa chất mỏ, công nghiệp điện,...

Năm 2018, sản xuất hơn 12 nghìn tấn đồng tấm; gần 1,3 triệu tấn a-lu-min; hơn 9,3 tỷ kW giờ điện; tổng doanh thu đạt hơn 122 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 17 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận hơn 4.500 tỷ đồng. Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, đáp ứng đủ than cho các ngành kinh tế trong nước, bảo đảm việc làm và đời sống ổn định cho gần 100 nghìn công nhân lao động với thu nhập bình quân hằng tháng hơn 10,8 triệu đồng/người. Những kết quả này đã khẳng định cán bộ, đảng viên, người lao động TKV đã và đang kế thừa, phát huy giá trị lịch sử, truyền thống hào hùng của công nhân mỏ và các thế hệ cha anh đi trước, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ. Ngành than đã vinh dự được Ðảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng năm 1996 và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2005.

Tuy nhiên, ngành than hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải cho biết, tài nguyên than nằm chủ yếu ở Quảng Ninh, nhưng công tác thă m dò, đánh giá tài nguyên còn rất hạn chế; bể than đồng bằng sông Hồng trữ lượng lớn nhưng thời điểm hiện nay chưa có công nghệ phù hợp, hiệu quả để khai thác. Khai thác mỏ ngày càng xuống sâu và đi xa hơn, làm tăng các chi phí về khai thác và bảo đảm an toàn lao động. Sản xuất, kinh doanh than chưa được thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường, làm mất đi tính chủ động của TKV trong đầu tư, phát triển sản xuất theo đúng quy hoạch của Chính phủ.

Nguồn nhân lực chính cho lao động làm than là thợ lò đang suy giảm nhanh do có sự đa dạng hóa về lựa chọn nghề nghiệp xã hội, đòi hỏi phải tăng cường áp dụng nhiều công nghệ mới, sử dụng ít lao động. Trong khó khăn, những người thợ mỏ luôn mài sắc ý chí và quyết không lùi bước. Ðội ngũ thợ lò đã phát huy truyền thống "kỷ luật và đồng tâm", giữ vững vai trò tập đoàn kinh tế mạnh, là một trong ba trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch HÐTV TKV Lê Minh Chuẩn cho biết: TKV đã đẩy mạnh thực hiện học tập tấm gương Bác Hồ trong xây dựng phong cách, tác phong của cán bộ, đảng viên trong toàn Ðảng bộ. Nhiều cán bộ, đảng viên và người lao động đã gương mẫu trong lãnh đạo, lao động và công tác, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị và toàn tập đoàn. Những cán bộ, đảng viên, người lao động TKV đã tích cực đổi mới phong cách làm việc, đầu tư khoa học công nghệ, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của cán bộ, công nhân lao động. Cuối năm 2018, có 50 công nhân, cán bộ tiêu biểu trở thành điển hình tiên tiến trong ngành than được khen thưởng trong học tập và làm theo lời Bác. Những lời dạy quý báu của Người còn vẹn nguyên giá trị với lớp lớp các thế hệ thợ mỏ, trở thành nguồn lực đưa ngành than vượt qua khó khăn, trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác.