Chuyện thị trường

Tránh bẫy lừa đảo mùa khuyến mãi

Như thông lệ, những tháng cuối năm bao giờ cũng là mùa khuyến mãi của lĩnh vực bán lẻ, nhất là trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT). 

Suốt từ đầu tháng 11 đến nay, hàng loạt các chương trình khuyến mãi lớn đã được các sàn TMĐT, doanh nghiệp, đơn vị liên tục triển khai đầy ấn tượng như “Single Day” (ngày 11-11) do bốn “ông lớn” trong các sàn TMĐT là Lazada, Tiki, Sendo và Shopee thực hiện; hay “Black Friday” (ngày 27-11) diễn ra đồng loạt khắp mọi nơi và hiện nay là Online Friday 2020. Các chương trình này  đã giúp thỏa mãn đầy đủ nhu cầu “săn” hàng giá rẻ của người dân, đồng thời góp phần không nhỏ kích cầu mua sắm cũng như thúc đẩy sự phát triển của TMĐT. Tuy nhiên, đáng buồn thời điểm này cũng là “mùa làm ăn” của các đối tượng lừa đảo bán hàng qua mạng, gây ra không ít thiệt hại cho người tiêu dùng.

Được biết, trong ngày “Black Friday” sẽ có nhiều hàng hóa được khuyến mãi, chị Vân (trú tại phố Lương Yên, Hà Nội) đã quyết định dành cả buổi tối để “dạo” khắp các trang mạng và nhanh chóng ưng ý với một số bộ quần áo trẻ em có mẫu mã bắt mắt, giá rẻ rao bán trên trang facebook “Shop Mẹ poo thời trang trẻ em cocalala”. Sau khi được shop tư vấn về kích thước và mẫu mã, chị Vân đã chốt đơn hàng gồm hai bộ quần áo, hai quần dài cho bé trai năm tuổi với tổng giá trị 360 nghìn đồng. Tuy nhiên, đến khi nhận hàng, chị Vân kiểm tra thì chỉ nhận được một bộ quần áo và một chiếc quần đùi, trong đó bộ quần áo lại có cỡ nhỏ hơn nhiều so với chị đã đặt. Nghĩ rằng shop nhầm đơn, chị Vân liên lạc lại và chủ cửa hàng ngay lập tức hứa hẹn sẽ kiểm tra và chuyển hàng theo đúng đơn đã đặt. Nhưng chờ đến vài ngày sau, khi mãi chưa thấy đơn hàng đến, chị Vân tìm lại trang facebook nêu trên thì thấy trang đã bị xóa, gọi vào số điện thoại liên lạc trước đây cũng tắt máy. Đến lúc này, chị Vân biết mình đã bị trúng bẫy lừa đảo. “Đáng nói là khi nhận hàng, trên bao bì còn ghi rõ không cho kiểm tra hàng trước khi thanh toán cũng như chuyển hoàn. Mình chủ quan cho nên đã đồng ý trả tiền luôn. Số tiền tuy không nhiều, nhưng cũng gây ấm ức và mất lòng tin với những shop bán hàng trên mạng”, chị Vân chia sẻ.

Trường hợp bị lừa như chị Vân chắc chắn không phải là hiếm trong những ngày qua khi hàng triệu người đang háo hức “săn” hàng giảm giá từ các chương trình khuyến mãi khủng. Lợi dụng tâm lý này của người dân, các đối tượng lừa đảo đã tung ra hàng loạt những cạm bẫy nhằm kiếm lợi bất chính. Cũng chính vì giá trị lừa đảo khi mua hàng trên mạng thường không lớn, cho nên rất ít người cố truy tìm hoặc báo cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhìn rộng ra với số lượng lớn người bị lừa thì tổng số tiền sẽ không hề nhỏ. Để bảo vệ chính mình trước những hành vi lừa đảo khi mua hàng trên mạng, các chuyên gia khuyên rằng, người tiêu dùng chỉ nên lựa chọn những trang điện tử, cửa hàng uy tín, có thương hiệu và địa chỉ liên lạc rõ ràng. Khi nhận hàng, người mua nên kiểm tra kỹ trước khi thanh toán. Đặc biệt, tránh chuyển khoản trước cho người bán cũng như không nhận và trả tiền những gói hàng có dấu hiệu bất thường. Hãy là người tiêu dùng thông thái, trang bị đầy đủ kiến thức để bảo vệ chính mình trước những bẫy lừa đảo đang tồn tại rất nhiều trên môi trường mạng như hiện nay.