Tôm hùm ở Phú Yên chết hàng loạt, người nuôi thiệt hại lớn

NDO -

Đợt mưa to do hoàn lưu bão số 12 kéo theo trận lũ vào chiều tối 10-11 đã gây tổn thất cho người nuôi trồng thủy sản ven biển  Phú Yên. Thiệt hại nặng nề nhất là hàng trăm hộ nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu. Hàng trăm nghìn con tôm hùm lớn nhỏ bị ngạt nước lũ, chết hàng loạt. Hàng tỷ đồng và công sức bỏ ra đầu tư cả hơn năm trời bỗng chốc trôi theo bọt nước ra biển… Chính quyền, cơ quan chức năng và người dân đang tập trung khắc phục, kiểm đếm thiệt hại trong khó khăn. 

Tôm hùm ở Phú Yên chết hàng loạt, người nuôi thiệt hại lớn

Trong vụ này, gia đình bà Hà Thị Lợi ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu,  thả nuôi 1.000 con tôm hùm thịt. Vốn đầu tư ban đầu là 300 triệu đồng. Nếu xuất bán thời điểm này giá  800.000 đồng/ kg, gia đình bà Lợi có lãi rất lớn. Tuy nhiên, nước lũ làm tôm chết hàng loạt, đã làm cho gia đình bà trắng tay. Bà Lợi nói trong nước mắt: “Tôi chỉ mới phát hiện tôm chết từ sáng sớm nay”.

Bà Nguyễn Thị Ngã, thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương cho biết, gia đình bà nuôi 6.000 con tôm hùm trên Vịnh Xuân Đài, trước khi bão đổ bộ, đã có phương án ứng phó là hạ thấp lồng xuống dưới 7 m. Thế nhưng, trong chiều tối 10-11, lượng nước lũ đổ về quá nhiều, kéo theo bùn đất khiến số lượng tôm của gia đình đã bị sốc nước ngọt chết hết. 

Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, cho biết, cả thôn có 446 hộ, trong đó có 442 hộ nuôi tôm hùm. Trong hai ngày nay, qua theo dõi, số tôm hùm chết đưa vào bờ lên đến 8,3 tấn, đó là chưa kể đến hàng trăm nghìn con tôm hùm con đang ươm nuôi cũng bị sốc nước lũ đến chết… Thiệt hại của người dân ở thôn này rất lớn.

“Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sớm thống kê những thiệt hại, có biện pháp hỗ trợ vốn, giản nợ, khoanh nợ vốn vay ngân hàng, đồng thời cần khuyến cáo, tập huấn cho bà con chăn nuôi một cách khoa học, để ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sãn xuất như hiện nay”, ông Sáu đề nghị.

Hai ngày qua, tại khu vực nuôi tôm các phường Xuân Phương, Xuân Yên, Xuân Thành và xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, người nuôi đứng ngồi không yên. Cả một vùng nuôi tôm rộng lớn trên vịnh Xuân Đài kẻ sửa sang lồng bè, người lặn xuống nước kiểm tra. Hàng tấn tôm hùm đủ các kích cỡ được vớt lên từ các lồng bè đưa vào bờ bán đổ bán tháo. Trên các tuyến đường ven biển của thị xã Sông Cầu hình thành các điểm mua bán tôm hùm khá nhộn nhịp. 

Tại điểm thu mua tôm hùm ở Vũng Chào, thôn Dân Phú 1, xã Xuân Phương, nhiều hộ nuôi tôm hùm đang tranh thủ bán nhanh số lượng tôm chết vừa vớt lên cho các thương lái. Có điều không vui là nếu như bình thường giá tôm hùm xanh khi còn sống có giá từ 650 đến 800 nghìn đồng/kg, nhưng hiện tại bà con chỉ bán được với giá từ 250 đến 300 nghìn đồng/kg. Thậm chí, tôm hùm bông có giá từ 1,7 triệu đồng/kg, giờ đây thương lái cũng chỉ thu mua với giá vài trăm nghìn. 

Theo báo cáo nhanh của thị xã Sông Cầu, tại các địa phương phường Xuân Phương, Xuân Thành, Xuân Đài, Xuân Yên và xã Xuân Thịnh đã có 169 hộ, 1.521 lồng nuôi, với gần 150 nghìn con tôm xanh có trọng lượng từ 2-2,5 lạng/con bị chết, ước thiệt hại gần 40 tỷ đồng. Cũng cần nói thêm, đó chỉ là con số thống kê sơ bộ ban đầu, vì hiện tượng tôm chết chưa dừng lại và chưa thể thống kê được. 

Trao đổi ý kiến về nguyên nhân tôm chết, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết do ảnh hưởng nước lũ làm tôm bị sốc nước và chết. Tôm chết nhiều tập trung ở các lồng bè nằm gần cửa sông Tam Giang, sông Bắc Lục Khẩu. Do lượng nước đổ ra các con sông này quá lớn, trong khi số lượng lồng nuôi quá dày, khó có thể di dời được.  

Về chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành lấy mẫu tôm, cá nuôi bị chết và mẫu nước vùng nuôi đi xét nghiệm để có kết luận chính xác. Đồng thời, Sở này chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp các địa phương và Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu thống kê thiệt hại, hướng dẫn người nuôi các biện pháp xử lý.

Theo đồng chí Đào Mỹ, Bí thư Thị xã Sông Cầu, thông thường sau bão sẽ có lũ lớn, bà con đã chủ động ứng phó từ rất sớm. Địa phương và ngành chức năng cũng đã khuyến cáo cách phòng, chống ứng phó, bằng cách cho hạ thấp lồng nuôi, chằng chống và di dời lồng bè ra xa. Nnhưng do cơn lũ quá lớn, nước sông đổ mạnh ra biển, làm ngọt hóa cả một vùng rộng lớn của vịnh Xuân Đài, người nuôi không kịp trở tay. Hiện nay chưa thể thống kê hết thiệt hại, nhưng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, thị xã chỉ đạo các phường tiếp tục giúp người nuôi kiểm đếm, khắc phục, có báo cáo cụ thể thiệt hại để có hướng đề xuất giúp người nuôi tôm.