Tổ chức lại sản xuất ở vùng khó khăn, nhìn từ một mô hình

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, người nông dân thật sự chủ động trong sản xuất từ khâu kế hoạch sản xuất đến tiêu dùng và thị trường. Sự chủ động này vừa qua đã tạo ra sự đa dạng trong sản xuất nông nghiệp góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất phù hợp với từng địa phương, nhất là đối với các vùng có trình độ sản xuất và quỹ đất tập trung sản xuất hàng hóa.

Còn đối với các địa phương đặc biệt khó khăn, việc tổ chức lại sản xuất không dễ thực hiện. Người nông dân vẫn sản xuất, cán bộ khoa học kỹ thuật vẫn tuyên truyền, chính sách vẫn triển khai, vai trò lãnh đạo của Ðảng ở cơ sở vẫn có nhưng thực tế này cũng chưa giải quyết được tình trạng sản xuất manh mún, kém hiệu quả, mạnh ai người ấy làm. Trên một cánh đồng có nhiều loại cây trồng, cùng một loại cây nhưng lại nhiều giống khác nhau, dẫn đến cánh đồng lớn nhưng có quy mô không lớn, hiệu quả không cao do các khâu trong canh tác của loại cây này tác động tiêu cực đến thời điểm hoặc thời kỳ sinh trưởng của cây khác. Ðây là một thực trạng cần tổ chức lại sản xuất để thay đổi nhận thức và thống nhất chỉ đạo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thực tế này là nhiệm vụ của hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong quan điểm đổi mới kinh tế phải đồng bộ với đổi mới chính trị thì đây là nhiệm vụ của hệ thống chính trị ngay từ cơ sở, trong cơ sở.

Với quan điểm nơi nào có tổ chức đảng được đánh giá trong sạch vững mạnh, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì nơi đó phải có thay đổi, phát triển kinh tế, vừa qua tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo thí điểm mô hình "Tổ chỉ đạo sản xuất", "Ban quản lý phát triển thôn", "Thôn tự chủ tự quản", "Hợp tác xã toàn thôn"... đã đem lại kết quả ban đầu cần được đánh giá và nhân rộng. Trong đó mô hình Hợp tác xã thôn Chang, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên là một trong những điển hình của các mô hình đó.

Hợp tác xã thôn Chang là sản phẩm cuối cùng trong các "phiên bản" thí điểm chỉ đạo sản xuất của tổ chức ngay trong thôn, bắt đầu từ việc thành lập "Hội đồng quản lý phát triển thôn" bao gồm thành viên có chức danh như bí thư chi bộ, trưởng thôn, chức danh hội nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mặt trận, khuyến nông thôn... trên cơ sở nguyên tắc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" để lồng ghép, nhất thể hóa các chức danh trong thôn bản và thành lập Ban quản lý phát triển thôn hoạt động theo cơ chế "Hội đồng", mọi việc của thôn đều được hội đồng này thảo luận trước khi đưa ra họp toàn thôn. Từ đó mọi hoạt động sản xuất của thôn đều được hội đồng lãnh đạo, tổ chức thực hiện với mục tiêu "bốn có, năm cùng". Ðó là có sự lãnh đạo, đầu tư có thu, có nhóm sở thích, có quỹ phát triển thôn và cùng sự chỉ đạo, cùng giống, cùng thời vụ, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch... Với cách làm này đã thống nhất được giải pháp lãnh đạo đồng bộ thống nhất. Các chương trình xây dựng nông thôn mới được quy định thống nhất ngày công và thu lập quỹ thôn... trong sản xuất đã đồng bộ, trọn khâu trên mục tiêu năm cùng cho nên hiệu quả chỉ đạo được nâng lên, vai trò của hệ thống chính trị toàn diện hơn; thực hiện được giải pháp cơ giới hóa và từng bước làm các dịch vụ cho người dân theo nhu cầu.

Ðến nay, mô hình này đang là điểm sáng trong lãnh đạo toàn diện ở thôn bản, khi thành lập và duy trì Hội đồng quản lý và phát triển thôn tồn tại đồng thời cũng là Ban quản trị Hợp tác xã thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ đó là: Nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chỉ đạo phát triển kinh tế, bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu quả. Trong mô hình này đã phát huy được vai trò của chi bộ, có sự phân công rõ ràng trách nhiệm của các đảng viên, các chức danh đoàn thể thôn lãnh chỉ đạo nhiệm vụ toàn diện trong thôn bản. Cụ thể là Hội đồng quản lý phát triển thôn Chang đã tổ chức được các hoạt động văn hóa, văn nghệ, mô hình câu lạc bộ nhiều thế hệ thường xuyên giao lưu, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân. Chăm lo các phong trào do xã phát động, thực hiện các nhiệm vụ do xã giao, chỉ đạo công tác an ninh trật tự. Còn nhiệm vụ chỉ đạo phát triển kinh tế của Hội đồng được cụ thể hóa thành nghị quyết và giao cho Hợp tác xã triển khai, chính vì vậy mà Hợp tác xã đã thực hiện được một số khâu dịch vụ cho người dân như làm đất, cung cấp mạ, giống, bao tiêu một số nông sản cho người dân... nhất là đã nhận hợp đồng với những hộ đi làm ăn xa trong các khu công nghiệp để sản xuất trên phần đất của gia đình, tạo điều kiện để chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn. Ðã thành lập được các nhóm sở thích để đầu tư sản xuất với quy mô lớn hơn. Kết quả sản xuất và dịch vụ của Hợp tác xã thôn Chang đã đạt được 780 triệu đồng cho các hoạt động sản xuất giống lúa, cây lâm nghiệp, dịch vụ mạ khay, phân bón. Với cách làm này, vai trò của chi bộ đảng, các tổ chức đoàn thể của thôn hoạt động đều tay với chất lượng được nâng cao rõ rệt.

Đặc điểm của mô hình này là thống nhất quan điểm cơ cấu đầy đủ các chức danh không chuyên trách được người dân tín nhiệm bầu ra từ tổ chức đảng cho đến các đoàn thể đều phải trong một tổ chức "Hội đồng quản lý phát triển thôn", trong đó cơ bản là tham gia Ban quản trị "Hợp tác xã thôn" để cộng đồng trách nhiệm trước người dân. Với mô hình này, bước đầu thực hiện được quan điểm nơi nào có đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chi bộ trong sạch vững mạnh thì nơi đó có sự thay đổi, phát triển về kinh tế. Hiện nay ở Hà Giang đang tồn tại đầy đủ các mô hình từ "Thôn tự chủ tự quản", "Ban chỉ đạo sản xuất", "Ban quản lý phát triển thôn" đến "Hợp tác xã thôn". Mặc dù còn có những khó khăn nhất định như chất lượng nhân tố con người giữa tiêu chuẩn chính trị với yêu cầu trình độ về kinh tế, công tác hạch toán, kế toán, song đây cũng là mô hình nên trao đổi để các tổ chức chi bộ đảng khu vực nông thôn nghiên cứu học tập.

TS TRIỆU TÀI VINH

Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư