Tín hiệu khởi sắc cho các hãng hàng không

NDO -

Việc phục hồi các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ là tín hiệu khởi sắc cho các hãng hàng không Việt Nam khi nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Tín hiệu khởi sắc cho các hãng hàng không

Vẫn tuân thủ phòng dịch nghiêm ngặt

Ngày 21-9, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) ghi nhận sản lượng vận chuyển khách bay nội địa đạt gần 40 nghìn lượt khách, tăng hơn 12% so cùng kỳ năm 2019. Mức tăng trưởng ngoạn mục này đã đánh dấu sự phục hồi ấn tượng của VNA trong bối cảnh dịch Covid-19 lần thứ hai tại Việt Nam đã và đang được kiểm soát tốt. 

Kết quả này có được từ nỗ lực tối ưu hóa mạng bay nội địa, tăng cường khai thác hiệu quả đội tàu bay, mở lại và tăng tần suất trên nhiều đường bay, thực hiện hàng loạt các hoạt động xúc tiến, chương trình khuyến mại kích cầu, bảo đảm chất lượng dịch vụ trong khi vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh của VNA trong thời gian qua.

Hiện nay, VNA đang khai thác mạng bay nội địa gồm hơn 40 đường bay, trung bình gần 200 chuyến bay mỗi ngày. Trước diễn biến tích cực của dịch Covid-19, Hãng vừa tăng thêm tần suất trên 08 đường bay nội địa giữa Hà Nội và Vinh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt, Pleiku; giữa TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Vào đầu tháng 9, Vietnam Airlines đã khôi phục đồng loạt 6 đường bay nội địa gồm giữa Hà Nội – Chu Lai, Tuy Hòa, giữa Vinh – Buôn Ma Thuột và giữa Hải Phòng – Điện Biên. Đồng thời, VNA phối hợp với Pacific Airlines giới thiệu nhiều sản phẩm kết hợp, đường bay hấp dẫn, mang đến những lựa chọn mới mẻ, tiện lợi cho hành khách.

Bên cạnh các chuyến bay nội địa, VNA đang tiếp tục triển khai khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và sự chấp thuận của các nhà chức trách. Lúc 6 giờ 30 phút ngày 19-9, chuyến bay VN310 hành trình Hà Nội – Tokyo (Nhật Bản) của VNA đã cất cánh từ Nội Bài, kéo dài 5 tiếng 15 phút, điểm đến là sân bay Narita (Nhật Bản), đánh dấu chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đầu tiên của VNA sau một thời gian tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bên cạnh chở hành khách, chuyến bay còn kết hợp chở hàng hóa nhằm phục vụ giao thương, sản xuất. Chuyến bay VN310 khai thác bằng máy bay Boeing 787-10, một trong những loại tàu bay thân rộng hiện đại nhất của VNA, chuyên chở gần 60 người, chủ yếu là du học sinh, người lao động đến Nhật Bản để tiếp tục học tập, lao động và sinh sống. 

Hành khách trên chuyến bay được sắp xếp ngồi giãn cách nhằm đáp ứng các quy định về phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nhà chức trách Nhật Bản khi nhập cảnh như có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khởi hành, khai báo lịch sử đi lại trong vòng 14 ngày, tải ứng dụng xác nhận tiếp xúc,…

Đối với phi hành đoàn, toàn bộ thành viên sau khi trở về Việt Nam sẽ được kiểm tra sức khỏe và tổ chức cách ly theo quy định. Máy bay được phun khử khuẩn toàn bộ khoang hành khách, buồng lái bằng hóa chất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đại diện lãnh đạo VNA cho biết, sau chuyến bay VN310, trong tháng 9 này, hãng sẽ tiếp tục thực hiện 2 chuyến bay thương mại nữa từ Hà Nội đi Tokyo vào các ngày 25-9, 30-9 và 1 chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi Tokyo vào ngày 30-9. Lịch bay Việt Nam – Nhật Bản trong những tháng tiếp theo sẽ được VNA cập nhập trong thời gian sớm nhất. 

Các chuyến bay chở khách chiều từ Nhật Bản về Việt Nam sẽ được thực hiện sau khi có quyết định chính thức của các nhà chức trách.  Ngoài đường bay Nhật Bản, VNA dự kiến khôi phục các đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia trong thời gian tới. 

Trước đó, do ảnh hưởng của Covid-19, VNA đã tạm dừng khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ đến, đi từ Nhật Bản kể từ ngày 23-3; tạm dừng toàn mạng bay quốc tế từ ngày 25-3. Từ đó đến nay, VNA chỉ thực hiện các chuyến bay quốc tế nhằm mục đích vận chuyển công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước tránh dịch, vận chuyển chuyên gia kỹ thuật và vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, giao thương.

Với đà tăng trưởng của thị trường nội địa cùng việc nối lại một số đường bay quốc tế, dự kiến tổng sản lượng vận chuyển khách toàn mạng bay của VNA sẽ sớm khôi phục tương đương và vượt cùng kỳ trong thời gian tới. Việc sản lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng trưởng trở lại cũng khẳng định hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay của các hãng hàng không.

Trong vài ngày gần đây, các hãng hàng không liên tục thông báo mở lại các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Ngày 17-9, hãng hàng không Vietjet công bố khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 29-9 để đáp ứng nhu cầu học tập, lao động và đi lại an toàn của hành khách.

Trước mắt, mỗi tuần Vietjet sẽ khai thác một chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi Tokyo (Nhật Bản) và một chuyến bay TP Hồ Chí Minh -Seoul (Hàn Quốc). Tại Hà Nội, hãng cũng khai thác trở lại đường bay Hà Nội - Đài Bắc (Đào Viên, Đài Loan) với tần suất 1 chuyến/tuần. Cùng đó, Vietjet vẫn tiếp tục thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa đồng bào trên khắp thế giới trở về nước cũng như chuyên chở hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trước đó, hãng hàng không Bamboo Airways cũng công bố nối lại đường bay Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) từ 29-9 với tần suất 1 chuyến/tuần. Đường bay Hà Nội - Seoul (Hàn Quốc) dự kiến sẽ được khôi phục từ 7-10 với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Tần suất khai thác chung sẽ được từng bước tăng dần theo nhu cầu của thị trường. Các chuyến bay chở khách chiều ngược lại về Việt Nam sẽ được thực hiện sau khi có phê duyệt chính thức của các nhà chức trách.

Đối với các đường bay mới tới Nhật Bản, Bamboo Airways dự kiến đưa vào khai thác đường bay TP Hồ Chí Minh - Tokyo (Narita) từ ngày 1-11, đường bay Hà Nội – Tokyo từ tháng 12-2020. Ngoài ra, Bamboo Airway còn khẳng định sẽ mở các đường bay Hải Phòng - Singapore, Hà Nội/TP Hồ Chí Minh  - Melbourne trong quý IV tới; mở đường bay Hà Nội/TP Hồ Chí Minh - London, Hà Nội/TP Hồ Chí Minh - Munich/Frankfurt trong quý 1-2021 ngay khi các nhà chức trách công bố phương án khai thác các tuyến bay quốc tế.

Liên quan việc mở lại các đường bay quốc tế, vừa qua, Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn đã có văn bản yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao trao đổi, thống nhất với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Campuchia, Lào (bao gồm các hãng hàng không) về đối tượng được nhập cảnh, quy trình nhập cảnh và những điều kiện của Việt Nam đối với người muốn nhập cảnh trước khi lên máy bay (kiểm tra thân nhiệt, cài đặt ứng dụng NCOVI và khai báo y tế, giấy xác nhận RT-PCR âm tính với Covid-19).

Trên cơ sở văn bản tổng hợp các hướng dẫn, yêu cầu về y tế của Bộ Y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thông báo về yêu cầu của Việt Nam đối với hãng hàng không và hành khách trên các chuyến bay này. Theo đó, hãng hàng không chỉ bán vé cho người đã có thị thực nhập cảnh và địa điểm lưu trú cụ thể tại Việt Nam.

Khi bán vé, hãng hàng không chịu trách nhiệm kiểm tra giấy xác nhận âm tính với Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp. Hãng hàng không phải gửi Cảng vụ hàng không danh sách hành khách dự kiến thực hiện chuyến bay 12 giờ trước giờ khởi hành theo phép bay và danh sách chi tiết hành khách, chuyến bay 30 phút trước giờ khởi hành thực tế của chuyến bay.

Đối tượng được nhập cảnh, quy trình nhập cảnh và những điều kiện của Việt Nam đối với người muốn nhập cảnh trước khi lên máy bay (kiểm tra thân nhiệt, cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI), giấy xác nhận RT-PCR âm tính với Covid-19 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này).

Tín hiệu khởi sắc cho các hãng hàng không -0
 

Đường bay quốc tế khai thác ra sao?

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, theo kế hoạch của VNA và Vietjet, hằng tuần sẽ có bốn chuyến bay hạ cánh Hà Nội vào các ngày thứ 3, 4, 5 (tổng số tối đa 1.304 ghế) và có 5 chuyến bay hạ cánh TP Hồ Chí Minh vào các ngày thứ 3 (2 chuyến); 4, 5, 6 (tối đa 1.290 ghế).

Đối với phía nước ngoài, Cục Hàng không Việt Nam đã có thư chính thức gửi nhà chức trách hàng không bốn đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thông báo phương án mở lại các chuyến bay chở khách giữa Việt Nam và từng đối tác và tất cả đều nhất trí với phương án do Việt Nam đưa ra.

Phía Trung Quốc đã chỉ định hãng hàng không China Southern Airlines (CZ) khai thác đường bay Quảng Châu- TP Hồ Chí Minh với tần suất 1 chuyến/tuần. Nhật Bản chỉ định Japan Airlines (JL) và All Nippon Airways (NH) khai thác luân phiên từ Tokyo đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay. Còn Hàn Quốc sẽ thông báo về các hãng hàng không chỉ định trong thời gian tới.

Phía Đài Loan (Trung Quốc) đã chỉ định China Airlines (CI) và Eva Air (BR) khai thác Đài Bắc đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay. Kế hoạch khai thác cụ thể sẽ được các hãng hàng không đệ trình Cục HKVN trong thời gian sớm nhất.

Trong quá trình làm thủ tục hành khách, hãng hàng không yêu cầu hành khách xuất trình và kiểm tra hộ chiếu, thị thực nhập cảnh và các giấy tờ tương đương; giấy xác nhận âm tính với Covid-19 theo phương pháp Real-Time PCR trong vòng ba ngày trước khi lên máy bay

Đối với hành khách nhập cảnh, Cục HKVN đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng giao nội dung này cho Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đưa vào quá trình xem xét cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam. Các hãng HKVN và nước ngoài chỉ xem xét làm thủ tục hàng không cho hành khách có thị thực nhập cảnh Việt Nam do các cơ quan chức năng cấp.

Đối với các hãng hàng không vận chuyển khách vào Việt Nam, trên cơ sở thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT và dựa trên kinh nghiệm của một số nước, Cục HKVN cho biết đã xây dựng quy trình tiếp nhận khách trên các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam, báo cáo Bộ GTVT.

Theo đó, hãng hàng không chỉ đặt chỗ, bán vé cho hành khách khi cung cấp đầy đủ các thông tin (tên, số điện thoại liên lạc của cá nhân khi ở Việt Nam; địa chỉ, số điện thoại liên hệ cơ sở cách ly tại Việt Nam; số điện thoại của tổ chức đón khách tại cảng hàng không).

Trong quá trình làm thủ tục hành khách (check-in), hãng hàng không yêu cầu hành khách xuất trình và kiểm tra hộ chiếu, thị thực nhập cảnh và các giấy tờ tương đương; giấy xác nhận âm tính với Covid-19 theo phương pháp Real-Time PCR trong vòng ba ngày trước khi lên máy bay (giấy này phải được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại địa bàn xác nhận); các tài liệu xác nhận việc được chấp nhận ở các cơ sở cách ly theo quy định (nhà công vụ của cơ quan đại diện ngoại giao, nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý); thông tin của tổ chức đón khách tại cảng hàng không.

Trong quá trình làm thủ tục lên tàu bay (boarding): yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trên tàu bay; yêu cầu cài đặt ứng dụng di động “Vietnam Health Declaration”, “Bluezone” và thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc; đo thân nhiệt hành khách trước khi lên máy bay và từ chối vận chuyển đối với khách có thân nhiệt vượt quá 37,5 độ C.

Đối với việc vận chuyển khách nối chuyến từ nước thứ ba, Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng ba phương án. Phương án 1, chưa chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến; phương án 2, chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến, hãng hàng không sẽ thực hiện các yêu cầu trong quá trình làm thủ tục hành khách (check-in) tại điểm xuất phát đầu tiên của hành trình; khách phải cách ly đủ 14 ngày và không áp dụng quy trình nhập cảnh ngắn ngày đối với khách nối chuyến; phương án 3, chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến, hãng hàng không sẽ thực hiện các yêu cầu trong quá trình làm thủ tục hành khách (check-in) tại điểm xuất phát đầu tiên của hành trình; toàn bộ hành khách trên chuyến bay (khách trực tiếp từ đối tác vào Việt Nam và khách nối chuyến từ nước thứ 3 qua đối tác vào Việt Nam) đều không áp dụng quy trình nhập cảnh ngắn ngày.

Về cung cấp danh sách và thông tin hành khách, Cục Hàng không Việt Nam cho biết hãng hàng không có trách nhiệm gửi Cảng vụ hàng không tại cảng hàng không đến danh sách hành khách đặt chỗ 12 tiếng trước giờ dự kiến khởi hành và thông tin hành khách trên chuyến bay như thông tin trong quá trình làm thủ tục hành khách (check-in) trước 30 phút trước khi chuyến bay cất cánh. Các Cảng vụ hàng không có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển thông tin hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến nêu trên cho cơ quan kiểm dịch y tế, cơ quan xuất nhập cảnh và các cơ quan liên quan tại cảng hàng không.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng đồng ý điều chỉnh đường bay giữa Lào và Việt Nam là Vientiane - Hà Nội và giữa Campuchia và Việt Nam là Phnom Penh - TP Hồ Chí Minh; đề nghị các tỉnh, thành phố công bố các cơ sở lưu trú cách ly, mức phí trọn gói lưu trú và xét nghiệm để khách lựa chọn, công bố danh sách các doanh nghiệp vận tải đủ điều kiện vận chuyển hành khách từ sân bay tới cơ sở lưu trú và mức phí chi trả; địa phương áp dụng thống nhất quy trình tiếp nhận hành khách cách ly, không có các yêu cầu, quy trình riêng đối với các chuyến bay đã được cấp phép bay; cho phép các hãng hàng không theo dõi sức khỏe tổ bay khi nhập cảnh, hết 48 giờ không có dấu hiệu nhiễm bệnh Covid-19 thì được phép tiếp tục thực hiện các chuyến bay khác.

Mở lại đường bay quốc tế